(Baonghean) - Vàng giả xuất hiện đã từ lâu, nhưng hình như cái danh từ gốc Hán “mỹ ký” gần đây mới thực sự được đưa lên sạp hàng trang sức một cách ngạo nghễ và đầy ma lực. Tuy nhiên, giá trị đích thực của nó cũng không ít lần bẽ mặt trên các mẹt hàng rong mà chủ nhân bán kèm với bò khô hay ô mai trên khắp các vỉa hè.
 
Làm đẹp là một nhu cầu có tính bản năng của mọi loài sinh vật sống. Với con người thì điều ấy còn mang tính xã hội, hành trình của việc làm đẹp không chỉ dừng lại ở bản thân mà còn cho cộng đồng. Trở lại với câu chuyện vàng mỹ ký, trước hết chúng ta cần phân biệt giữa vàng mỹ ký với vàng thật (như SJC chẳng hạn). Vàng thật vừa có giá trị làm đẹp vừa có giá trị vật chất như là một tài sản, thậm chí còn có giá trị đặc biệt trong công nghiệp. Còn mỹ ký, cứ nói toạc ra, là một loại trang sức mang danh vàng nhưng không phải là vàng. Nó chỉ đóng vai vàng để cố tình làm đẹp và giả danh làm sang mà thôi. Tuy nhiên, mỹ ký bây giờ cũng đã “đẳng cấp” hơn nhiều, nó là một loại trang sức rẻ tiền và không chỉ dừng lại ở nhái vàng nữa, thậm chí người ta có thể sở hữu ngay một sợi dây chuyền gắn hạt xoàn nếu trong ví có đủ… 50 ngàn! Vàng ta, vàng tây, nào là “bốn con chín” nào là 24 k, nào là đá hổ phách, đá ru bi, đá sa phia, thậm chí kim cương… Về về kiểu cách thì vòng, lắc tay, lắc chân, dây xích, dây ống trúc gắn mỏ neo, dây theo phong thủy… tất tần tật đủ cả, phong phú vô cùng. 
 
Ban đầu, mỹ ký là một thứ trang sức chủ yếu cho chị em thuộc diện “muốn đầu tư nhưng thiếu vốn”. Bây giờ thì phân khúc thị trường cho nó đã rộng hơn, nó có thể xuất hiện “một đi không trở lại” trong các cuộc trình diễn thời trang, cũng sẵn sàng có mặt trong các hội thi văn nghệ, nó cũng lấp lánh trong không ít các đám cưới và đặc biệt nó là bảo bối thời trang cho những “phen” (fan) chuyên cập nhật mốt mới. Bước vào gian hàng mỹ ký, giờ đây chúng ta không chỉ bắt gặp dân “nghèo” nữa, mà xung quanh chúng ta sẽ là nườm nượp những cô những chị “họ sang” say sưa lựa chọn, ướm thử thậm chí mặc cả thứ trang sức này. Quả là nhà sản xuất đã có cái nhìn thật bén với thời đại, đánh trúng tâm lý của không chỉ nhu cầu mà cả năng lực của khối người. Từ cái nghề sản xuất rồi kinh doanh mỹ ký này, chắc đã tạo dựng nên không ít kẻ kếch sù mà tài sản trong tay lại là cả đống vàng thiệt! Bán ra cái vàng giả để rồi sở hữu cái vàng thiệt, đó chính là tài năng, là đích đến, là nghiệp sống của “một bộ phận không nhỏ”! 
 
Cái sự đời đôi khi cũng lạ, cho dù một sợi dây chuyền cao cấp như vàng Ý chăng nữa, nhưng treo trên cổ một bà chị nhem nhuốc bán hàng rong thì không bị cướp bởi nào đâu có ai cho rằng đó là hàng thật! Nhưng ngược lại, một sợi dây chuyền mỹ ký treo lên cổ một đại gia thì hiển nhiên trong mắt bàn dân thiên hạ nó là hàng xịn, thậm chí họ không tiếc lời gắn cho nó bao nhiêu là mỹ từ như là hàng độc, hàng hiếm, hàng “xách tay”?!
 
Vậy là, cái thật bị xem là cái giả, và cái giả đươc xem là thật. Vậy là chị hàng rong kia vẫn an toàn với cái dây chuyền vàng thật, mà vị đại gia nọ kia vẫn ung dung bởi bọn cướp có giật thì nào có tiếc chi ba cái đồ … mỹ ký!  
 
Tuy nhiên, trong xã hội cũng có nhiều người “nói không” với thứ vàng này. Không chỉ là cái tác hại của nó đối với sức khỏe vốn dĩ được sản xuất và mang về từ bên kia biên giới mà là từ quan điểm sống của cá nhân họ. Họ sẵn sàng tuyên bố “loại ấy cho cũng không dùng”! Với họ, quan điểm là có đến đâu dùng đến đó, đã treo thì treo cho thật, không có thì thôi, quyết không xài đồ... đểu!  
 
Ấy là biết vậy, nghe vậy, đoán vậy!
 
Lan man bàn cái gọi là vàng mỹ ký tự nhiên lại nhớ đến câu chuyện của một người quen. Bạn của tôi kể rằng, nhà anh ở gần một vị hàng xóm rất giàu, rất to khỏe nhưng lại rất thiếu đàng hoàng. Ngày này sang tháng khác, lão cứ tìm mọi cách lấn bờ lấn bụi tùm lum… Gần đây, lão còn đưa hẳn một bụi chuối sang trồng sâu trong vườn anh ta nữa. Vậy mà lão cứ tự mình ra rả xưng là bạn vàng! Phải chăng, đây cũng là một thứ vàng… mỹ ký?
 
Nguyễn Khắc An