(Baonghean) - Nửa thế kỷ đã qua, chiếc máy cày của Bác và những huyền thoại về nó đến hôm nay vẫn “sống” lung linh, kỳ diệu…
Kỳ 1: Chiếc máy cày huyền thoại
Kỳ 2: Sống mãi kỷ vật của Bác
Vậy mà không ngờ, phải đến 13 năm sau - năm 1980, chiếc Zetor-25K mới được trở về quê hương Vĩnh Kim…
Xã giao nhiệm vụ cho hai người là Nguyễn Hữu Thông (lúc đó là phó chủ nhiệm HTX) và Nguyễn Đình Anh cơm đùm gạo bới ra Bắc tìm máy. Chỉ có ít tiền xã cấp làm lộ phí, hai anh không dám thuê nhà trọ mà nghỉ nhờ nhà người thân của anh Thông. Không hề có chút manh mối, hai người cứ lang thang ngày này qua các ngày khác ở các nhà máy, xưởng cơ khí khu vực xung quanh Hà Nội tìm kiếm… Nửa tháng rồi mà chẳng có kết quả gì…
Một ngày chủ nhật, hai anh tới viếng Lăng Bác, trong lòng thì thầm khấn nguyện: “Bác ơi, Bác phù hộ cho chúng cháu tìm ra chiếc máy cày của Bác tặng. Quê cháu còn vất vả lắm, bà con còn cực khổ, có máy cày về giúp bà con sản xuất đời sống sẽ khá hơn”.
Ông Nguyễn Hữu Thông (giờ đã 52 tuổi), nén xúc động, kể tiếp: Tiền ăn gần cạn, thì một buổi chiều ở Nhà máy cơ khí nông nghiệp 1 Hà Nội, chúng tôi được một bác công nhân già mách cho: “Tôi nhớ thời chiến tranh nhà máy có tiếp nhận một chiếc máy cày hiệu Zetor-25K từ trong Vĩnh Linh chuyển ra, nhưng vì không có phụ tùng thay thế do hồi đó cảng Hải Phòng bị bom thủy lôi phong tỏa, hàng viện trợ các nước XHCN không vào được. Thế nên kế hoạch sửa chữa chiếc máy đành phải xếp lại…”. Bác công nhân già dẫn hai anh em bầy tui đến bên một bức tường cũ nát, đổ sập, che khuất phần lớn chiếc máy cày. Mọi người lần tìm, vét hết lớp đất đá che kín thì hiện ra mấy chữ nước sơn đã mờ, đọc kỹ thì ra là “Zetor”. Đây rồi! Tìm thấy rồi ! Hai anh em tui hét lên sung sướng !
Ngay ngày hôm sau Đoàn thanh niên Nhà máy phát động đợt lao động cộng sản để phục hồi chiếc máy cày, chia ba ca làm cả ngày lẫn đêm. Chiếc máy đã hư hỏng nặng, hầu hết phụ tùng đều phải thay thế. Mà trong kho thì không hề có một chiếc đinh ốc của loại máy này, bản vẽ thiết kế kỹ thuật cũng không. Anh em công nhân phải lần mò lên tận nông trường Tam Đảo tìm được một chiếc máy cùng loại đã hỏng, đưa về tháo phụ tùng thay thế. Phần vỏ máy bị rỉ mục, không ai biết hình thù nó thế nào mà phục hồi, nhà máy lại cử người vào HTX Đại Phong (tỉnh Quảng Bình) nơi có một chiếc máy cày giống như vậy đang còn tương đối tốt, vẽ lại bản vẽ phối cảnh đưa về thi công… Sau 2 tháng thi công, đến 28 tháng Chạp năm Canh Thân-1980, chiếc máy cày huyền thoại đã “sống” lại, nổ giòn tan sau 13 năm “lưu lạc”… Cả nhà máy vui mừng, tổ chức lễ tiễn máy trở về quê hương. Ngoài khoản tiền công sửa chữa, nhà máy mà còn tặng thêm một chiếc rơ moóc, hai thùng phuy dầu, một bộ đồ nghề sửa chữa, cử hai cán bộ kỹ thuật tháp tùng máy về Vĩnh Kim…
Lần thứ hai, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Kim lại tổ chức buổi lễ trang trọng đón chiếc máy cày Bác Hồ tặng vào đúng ngày 30 Tết.
Ông Nguyễn Đức Đồng (lúc này đã nghỉ hưu), lần thứ hai lại được bà con tín nhiệm giao trọng trách lái máy. Những năm 80, chiếc Zetor-25K ngày ngày bươn bả đồng trên ruộng dưới, cày xới đất đai còn lổn nhổn mảnh bom mảnh đạn và bom bi; lại rong ruổi trên những con đường đất đỏ trơn lầy, góp sức mình vào công cuộc kiến thiết quê nhà. Thỉnh thoảng, bà con các xã trong vùng còn thấy chiếc Zetor-25K dẫn đầu một đoàn xe trâu đến mười lăm chiếc chở anh chị em diễn viên đội văn nghệ quần chúng xã Vĩnh Kim cùng lỉnh kỉnh máy móc, đạo cụ lưu diễn vở kịch nói dài 5 màn “Ngọn lửa Thủy Cần”. Kịch của nhà văn Cao Hạnh kể về cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống đế quốc, phong kiến và sự hy sinh của những người cộng sản đầu tiên xã Vĩnh Kim…
Hôm đó là ngày 19/5/2005, kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác, chiếc Zetor-25K sau khi cày xong đường cày cuối cùng, được lau chùi sạch sẽ, chầm chậm lăn bánh vào Nhà truyền thống…
Ông Nguyễn Đức Đồng (người lái máy cày) cứ dăm bữa lại đến, ông tần ngần đến bên chiếc máy, rồi đi một vòng quanh, kiểm tra kỹ càng từng chiếc ốc, bu lông, rút que kiểm tra mức dầu. Các con của ông đều đã trưởng thành, trong đó có một người là Phó Bí thư Đảng ủy xã.
Còn ông Nguyễn Hữu Thông (người đi tìm máy) giờ đã trở thành một người làm ăn giỏi của huyện Vĩnh Linh. Trong tay ông là 4,5 ha cao su, hơn 1.000 gốc tiêu, đàn bò, lợn hàng chục con, thu nhập mỗi năm 250 - 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đình Tín nói: Suốt mấy mươi năm, chiếc máy cày của Bác Hồ tặng là nguồn động viên cổ vũ to lớn. Đó là nguồn lực vật chất và tinh thần trực tiếp tham gia cùng Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Kim khắc phục khó khăn, vươn lên từ trong hoang tàn đổ nát, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và danh hiệu Anh hùng lao động. Và hôm nay, trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, cán bộ và nhân dân Vĩnh Kim vẫn tiếp tục phát huy truyền thống đó, càng ra sức thi đua, thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để ngày càng xứng đáng hơn nữa với tình cảm thiêng liêng của Bác Hồ đã dành cho…
Dường như chưa dứt khỏi dòng hoài niệm miên man, ông Nguyễn Đức Đồng một tay nắm lên chiếc vô lăng chiếc Zerto-25K, tay kia ông đặt lên chiếc nút khởi động. Bàn tay người thợ già nhăn nheo, run run, ông vừa dậy sau một trận ốm dài ngày, nhưng chúng tôi có cảm giác, ông chỉ cần ấn nhẹ chiếc nút khởi động, máy sẽ nổ giòn tan!
Nửa thế kỷ, chiếc máy cày – kỷ vật Bác tặng vẫn sống, và sẽ còn sống mãi trong tấm lòng bà con Vĩnh Kim, Vĩnh Linh anh hùng.
Trần Hoài