(Baonghean) - Năm 1959, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) là nơi đầu tiên được Bác Hồ tặng nguyên một chiếc… máy cày ! Đó là chiếc Zetor-25K của bà con nông dân HTX Hocne Salibi - Tiệp Khắc tặng Bác, Bác tặng lại Đảng bộ và nhân dân một xã nơi đầu giới tuyến, ở trong “Khu phi quân sự”, giữa những ngày đất nước còn cắt chia…
Nửa thế kỷ đã qua, chiếc máy cày của Bác và những huyền thoại về nó đến hôm nay vẫn “sống” lung linh, kỳ diệu…
Kỳ 1: Chiếc máy cày huyền thoại
Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, hòa bình lập lại trên Miền Bắc, chỉ trong một thời gian ngắn, từ xây dựng các tổ đổi công - HTX bậc thấp, xã Vĩnh Kim tiến lên HTX bậc cao, gặt hái những thành tích xuất sắc. Vừa lao động sản xuất, vừa sát cánh cùng bà con các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thành, Vĩnh Thạch v.v… trực tiếp đấu tranh mặt đối mặt với kẻ thù bên kia sông Bến Hải thống nhất Tổ quốc, đồng thời đẩy mạnh phong trào “Ba ngọn cờ hồng”, trở thành một trong những HTX tiên tiến đầu tiên của Miền Bắc XHCN.
Nghe tin, Bác Hồ vui lắm, quyết định tặng Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Kim một chiếc… máy cày! Chiếc máy cày Zetor - 25K mà Bác được những nông dân Tiệp Khắc tặng trong chuyến thăm nước bạn, đã được ông Đại sứ Tiệp Khắc cùng phu nhân mang về trao tận tay bà con Vĩnh Kim. Bấy giờ cả xã chưa có ai lái được máy cày. Ngay lập tức, anh Nguyễn Đức Đồng, học viên trường Trung cấp cơ khí Trung ương đang đi thực tập được Cục cơ khí – Bộ Nông lâm điều động về quê nhà... Ông Nguyễn Đức Đồng (giờ đã 75 tuổi, ở xóm Hương Bắc, xã Vĩnh Kim) hồi tưởng: Buổi lễ đón máy cày được tổ chức tại trảng Cây Sui, bà con nhân dân cả khu vực Vĩnh Linh đến dự đông nghịt.
Lần đầu tiên ở một xóm nhỏ Vĩnh Kim rộn lên tiếng máy cày làm xáo động vẻ tĩnh lặng đã ngàn năm nay của một làng quê đói nghèo, khói dầu đi-ê-zen thơm lừng. Anh thợ trẻ Nguyễn Đức Đồng mặc bộ quần áo công nhân mới tinh, trang trọng ngồi trước vô lăng, thao tác những đường cày “biểu diễn”, lật tung lớp đất đỏ tươi, nâu thẫm tươi tốt. Biển người hò reo vang trời. Bọn trẻ con rồng rắn chạy theo máy, vấp ngã dúi dụi…
"Tui tự hào, vinh dự lắm !" - Ông Đồng nói . Nhưng cũng không kém lo lắng, lỡ cái máy nó trục trặc một cái giữa buổi lễ trang trọng này thì mần răng? Nhưng anh Thao, anh Ngọc là hai thợ kỹ thuật được Bộ cử vào giúp vận hành, động viên: Chú cứ yên tâm, có các anh đây, cứ cày cho “ngọt” vào! Rứa là tui dấn ga, máy chạy phăng phăng, lật tung những bờ bụi lô nhô. Chỉ cày “biểu diễn” một lúc mà đã được bốn sào đất. Bà con trầm trồ: bằng cả chục con trâu đực cày cả ngày đó! Ông Đại sứ phát biểu: Tôi sẽ báo tin vui này cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo tin cho bà con nông dân HTX Hocne Salibi quê hương tôi biết chiếc máy cày đã được sử dụng hữu hiệu trên cánh đồng Vĩnh Kim - Vĩnh Linh giới tuyến… Họ sẽ rất vui khi biết rằng chiếc máy thật cần thiết đối với các đồng chí…
Ông Nguyễn Đình Tín (bấy giờ là Bí thư Đoàn thanh niên xã Vĩnh Kim) kể lại: Đoàn thanh niên xã tổ chức sinh hoạt, quán triệt nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ máy cày, đồng thời phát động nhiều phong trào lao động sản xuất như khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích, phong trào “thanh niên 5 tấn”, làm chuồng phân 100 tấn. Nhờ có máy, hàng trăm héc-ta đất hoang hóa ở Cồn Hôi, Cộôc Ruộng, Cây Sui đã được vỡ hoang, đưa vào sản xuất, góp phần đẩy nhanh sản lượng lương thực của xã lên cao. Và không chỉ cày ở địa bàn Vĩnh Kim mà khắp Khu vực Vĩnh Linh, chiếc Zetor-25K còn được sử dụng kéo rơ-moóc chở phân bón, thuốc trừ sâu ra đồng ruộng. Vào mỗi mùa xuân, chiếc Zetor-25K được treo băng rôn đỏ rực, cắm cờ Tổ quốc, cờ Đảng, cờ Đoàn tung bay phần phật chở trai làng lên thị trấn Hồ Xá tòng quân… Những dịp hội diễn văn nghệ quần chúng, giao lưu thi đấu bóng chuyền, bóng đá do khu vực tổ chức, máy cày chở các diễn viên, cầu thủ nông dân đi thi thố, biểu diễn phục vụ bà con… Người lái, ngoài anh Nguyễn Đức Đồng, xã cử thêm hai người là anh Nguyễn Đức Ái và Nguyễn Đình Phúc đi học lái ngoài Bắc, về thành lập hẳn một tổ lái máy cày.
Nhưng giặc Mỹ ngày càng mở rộng chiến tranh phá hoại, gia tăng cường độ đánh phá nơi đầu cầu giới tuyến hòng chặn đường chi viện sức người sức của từ miền Bắc vào Nam. Mọi tuyến đường bị đánh phá không thể cơ động bằng cơ giới, sản xuất nông nghiệp bị ngưng trệ. Cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu của người dân Vĩnh Linh nói chung và Vĩnh Kim nói riêng phải rút vào lòng đất, vào địa đạo. Chiếc Zestor-25K sau 9 năm tận lực làm việc đã bị hỏng nặng, lại không có phụ tùng thay thế. Hai thợ lái máy Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Ái rời vô lăng, sung vào lực lượng dân quân trực chiến, và đã hy sinh anh dũng trên trận địa 12,7 ly.
Cuối năm 1968, Đảng ủy xã Vĩnh Kim họp quyết định: Để bảo tồn chiếc máy cày Bác tặng là hiện vật quý giá đến mai sau, phải chuyển máy ra Bắc đại tu ! Chiếc rơ-moóc được giao cho Trạm máy kéo Khu vực Vĩnh Linh mượn để tiếp tục chở đạn, chở lương thực phục vụ chiến đấu cho đến hết cuộc chiến tranh, cho đến ngày giải phóng, thống nhất non sông… Hôm tiễn máy ra Bắc đại tu, những chiến sĩ dân quân khuôn mặt lấm lem bởi khói bom, khói đạn hì hụi kéo máy từ dưới hầm lên, rưng rưng lệ. Với họ, đó không phải là chiếc máy cày vô tri vô giác, mà đã thân thiết như người đồng đội từng sát cánh trong những giờ phút hiểm nghèo của cuộc chiến tranh khốc liệt.
- Ngớt trận bom B52 rải thảm thì xe ô tô đến chở máy đi – Ông Nguyễn Đình Tín bùi ngùi – Tui lúc này là chủ tịch xã, phải nén lại nước mắt trong lòng, tự nhủ mình phải chiến đấu nhiều hơn nữa cho mau đến ngày toàn thắng để đón Bác Hồ vào thăm Vĩnh Linh, đón máy cày Bác tặng về xây dựng quê hương…
(còn tiếp)