(Baonghean) - Nhớ lại thời trước, cứ đến độ cập kề mùa thi, mùa sĩ tử lựa chọn mã ngành để đăng ký hồ sơ xác định con đường tương lai phía trước, hầu như ai cũng gặp câu nói: “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, sư phạm cho qua, nông lâm nhét ngạch”. Tuy là câu nửa đùa, nửa thật, nhưng cũng có sức nặng nhất định về sự phản ánh thực tế thứ tự ngành nghề được ưu ái. Cho đến nay, có thể trật tự lựa chọn một số ngành nghề đã thay đổi, nhưng nếu xét về mức điểm sàn các trường, các ngành đưa ra để tuyển sinh, thì các trường đại học y vẫn liên tục giữ được mức điểm sàn cao nhất so với mặt bằng chung, có nghĩa là vị trí “nhất y” vẫn không thay đổi!
 
Giữa biết bao nhiêu biến động đổi dời về trật tự ưu tiên lựa chọn các ngành nghề, ngành Y vẫn luôn ổn định ở vị trí đứng đầu trong các lựa chọn, tỷ lệ “chọi” vào các trường đại học y năm nào cũng cao, bản thân sự lựa chọn đó phần nào tự nó thay cho mọi lời lý giải, đã chứng minh một cách thuyết phục về sức hút của ngành Y đối với xã hội. 
 
Dĩ nhiên, sức hút đó có thể đến từ nhiều lý do như sinh viên tốt nghiệp đại học y ra trường “đắt như tôm tươi”, hiếm sinh viên phải thất nghiệp; đã là thầy thuốc, là bác sỹ, hầu hết đều có mức thu nhập trung bình tương đối cao so với môi trường xung quanh, trong xã hội hiện đại ít có gia đình thầy thuốc, bác sỹ nào có trong danh sách thuộc diện hộ nghèo; đời sống càng cao thì con người càng quan tâm đến sức khỏe, xã hội càng phát triển thì càng nhiều bệnh tật và rủi ro đe dọa sức khỏe con người, do đó nhu cầu của xã hội đối với nghề y ngày càng lớn và cơ hội công việc của thầy thuốc, bác sỹ và người làm trong cơ sở y tế ngày càng nhiều…
 
Cùng với các lý do trên, có một lý do mang tính truyền thống, được nhiều người thừa nhận, đó là trong bất kỳ xã hội nào, thời kỳ nào, hầu hết đội ngũ thầy thuốc, y bác sỹ đều được xã hội tôn vinh và trọng vọng, bởi việc làm của họ là chữa bệnh cứu người, là đẩy lùi bệnh tật, giúp người bệnh thoát khỏi đau đớn, nguy kịch, là chăm lo, bảo vệ, duy trì, đảm bảo sức khỏe - vốn quý nhất của con người. Vì thế nghề y được coi như nghề làm ơn, làm phúc, và mỗi người thầy thuốc, đội ngũ y, bác sĩ cũng luôn nhận được sự biết ơn của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và toàn xã hội khi họ cứu chữa người bệnh tận tình, kịp thời. Đó là đạo lý, là nét đẹp truyền thống, cũng là niềm tự hào của nghề y, ít nghề sánh được. 
 
Cũng bởi vị trí quan trọng đặc biệt của nghề y mà xã hội luôn đòi hỏi đối với nghề y, đòi hỏi y đức rất cao. Điều đó thể hiện một cách cô đọng, súc tích, đầy tính giáo huấn trong lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi dẫn lại lời của người xưa: “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng” (Thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế, 27/2/1955). Trong thực tế, không ít nơi trên các khẩu hiệu, băng rôn, lời nói đã từng trích dẫn sót ý câu nói của Bác thành ra “Lương y như từ mẫu”, trích dẫn sót đó chứng tỏ có sự hiểu sai nội dung câu Bác nói. Mà Bác dặn dò “Lương y phải như từ mẫu”, “phải như” là mệnh lệnh, là đưa ra yêu cầu, mong muốn để hướng tới, đạt được những phẩm chất tương đương. Lời dặn của Bác cách nay dù đã 59 năm, còn nguyên giá trị, nguyên vẹn tính thời sự.
 
Ở một mặt khác, nếu lựa chọn một nghề luôn nhận được sự quan tâm của báo chí và dư luận, luôn nóng hổi tính thời sự, thì nghề y cũng có thể tiếp tục xếp vị trí quán quân, tiếp tục là “nhất y…” bởi vấn đề y đức. Chưa bao giờ vấn đề y đức được đề cập đến nhiều như hiện nay. Từ các vấn đề, vấn nạn “phong bì”, “quá tải”, “giá thuốc”… đến các sự việc “tiêm vắc xin”, “nhân bản kết quả xét nghiệm”, “thẩm mỹ viện ném xác bệnh nhân”…, cùng với cách tuyên truyền có phần lệch lạc của giới truyền thông, không ít cơ quan báo chí từ mục đích ban đầu là phản ánh và phê phán tiêu cực về y đức, đã thổi phồng một cách thái quá về những biểu hiện sai phạm phát hiện được. 
 
Sự phản ánh những biểu hiện sai phạm, tiêu cực trong ngành Y một cách chính xác, khách quan, trung thực là hết sức cần thiết. Đó là cách giúp xã hội và giúp cho ngành Y đẩy lùi những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, tiêu cực, nhằm phục vụ một cách có chất lượng, hiệu quả nhu cầu được chăm sóc, được khám và chữa bệnh của nhân dân. Có không ít cơ quan ngôn luận đang có xu hướng chỉ xoáy sâu và nhân lên những vụ việc nổi cộm, bức xúc, miêu tả quá tỉ mỉ, chi tiết những “mảng tối”, những sơ suất, mà né tránh việc tuyên truyền khách quan, đúng mức những thành tựu, cống hiến, đóng góp, những gương sáng về y đức đang ngày đêm miệt mài lao động trong môi trường độc hại, nguy hiểm, cả những vất vả, khó khăn, bất cập và thiệt thòi về chế độ, chính sách và môi trường làm việc của đội ngũ y, bác sỹ hiện nay.
 
Cách tuyên truyền có phần lệch lạc đã vô tình “định vị” khá đậm đặc những cái nhìn ác cảm, dư luận thiếu thiện chí mỗi khi nói đến ngành Y, nghề y. Việc đánh đồng biểu hiện tiêu cực và xuống cấp về y đức của một số cá nhân y bác sỹ đối với toàn đội ngũ, để ngay cả những người đang tận tâm tận lực, đang đấu trí cân não để giành giật sự sống từ tay “thần chết”, đang lao động nghiêm túc, trung thực, trong sáng… cũng bị mang tiếng xấu, bị ảnh hưởng bởi những cái nhìn áp đặt, bị bận tâm bởi sự đánh đồng “vàng thau lẫn lộn” là thiếu công bằng và thậm chí có phần… bạc bẽo, vô ơn. Như vậy, “nhất y…” ở phương diện này chẳng những không tôn vinh, làm nổi bật hình ảnh của nghề y, mà còn có ảnh hưởng theo chiều ngược lại...
 
Để xảy ra chuyện như trên rõ ràng là không vui và không hay, dù gì đi nữa ngành Y tế cũng đã nhận ra sự cần thiết phải kịp thời chấn chỉnh và thay đổi. Trong đó, cách thay đổi bền vững nhất vẫn là thay đổi cơ chế, chính sách phù hợp và có tính khả thi cao để đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở tôn trọng việc giải quyết thỏa đáng, phù hợp những đòi hỏi bức thiết mà thực tiễn công tác chăm sóc và khám, chữa bệnh đang đặt ra. Bây giờ là lúc không chỉ riêng ngành Y tế mà các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm phải thực sự phát huy trách nhiệm cao để góp sức vào việc tạo dựng cơ chế, chính sách mới, phù hợp, nhằm đảm bảo cho đội ngũ thầy thuốc có thể toàn tâm toàn ý thực hiện vấn đề y đức một cách tự giác, như là nhu cầu tự thân. Điều đó có nghĩa là phải có một cơ chế để người thầy thuốc làm việc trong các cơ sở y tế có thể yên tâm sống được bằng nghề, bằng mức thù lao chính đáng được hưởng phù hợp với công sức bỏ ra!
 
Ngô Kiên