(Baonghean) - Đất nước Việt Nam uốn cong hình chữ S mềm mại chạy dọc theo bờ biển bốn mùa lộng gió. Trên dải đất hình chữ S ấy có một con đường xuyên suốt Bắc - Nam, chạy suốt chiều dài lịch sử được gọi bằng cái tên giản dị thân thương: Quốc lộ 1A. Trên con đường xuyên Việt ấy có bao nhịp cầu “nối những bờ vui”, có bao làng mạc, phố phường dẫu một lần đi qua cũng trở thành kỷ niệm.
 
Thời chiến tranh, con đường này là trận địa đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, hai bên đường nham nhở hố bom cày nát mặt đất. Quốc lộ 1A ngày ấy trở thành tuyến lửa với những địa danh anh hùng như Hàm Rồng, Cầu Cấm, Bến Thủy, Sông Gianh... Con đường đã đi vào lòng dân với những chiến công huyền thoại. Ai từng hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên rừng Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đều mơ đến ngày thống nhất được đi trên Quốc lộ 1A xuyên suốt chiều dài đất nước. Ngày toàn thắng, non sông thu về một mối, Quốc lộ 1A nối liền hai miền Nam - Bắc, được gọi là “con đường thống nhất”. Con đường xuyên Việt được rải thảm, những cây cầu hiện đại mọc lên sừng sững, những đường hầm xuyên núi sáng rực ánh điện, hai bên đường mọc lên những nhà máy, công trình, những phố phường đẹp tựa trong mơ.
 
Nhưng con đường dù đẹp đến mấy rồi cũng đến ngày xuống cấp, quá tải bởi mật độ giao thông ngày càng dày đặc. Và một nghịch lý không mong muốn đã xẩy ra: ngày xưa trên Quốc lộ 1A người dân đổ máu vì bom đạn Mỹ thì ngày nay người dân đổ máu vì tai nạn giao thông. Con đường trong lòng dân ngày xưa là niềm tự hào với những địa danh anh hùng, những chiến công oanh liệt, thì ngày nay là nỗi đau những tai nạn giao thông kinh hoàng, là nỗi lo “điểm đen” giao thông luôn ám ảnh. Việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A được đặt ra như một yêu cầu bức thiết đối với sự phát triển của đất nước. Từ Hà Nội đến thành phố Cần Thơ, Quốc lộ 1A sẽ được nâng cấp, mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe chạy. Trải qua bao năm tháng, con đường này đã được cải tạo, nâng cấp nhiều lần, nhưng việc nâng cấp, mở rộng lần này có một ý nghĩa đặc biệt: không chỉ mở rộng con đường mà còn mở rộng tầm nhìn của người dân. 
 
Quốc lộ 1A từ Thị xã Hoàng Mai đến Thành phố Vinh được mở rộng phải giải tỏa 73,8 km với tổng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng 1.057 tỷ đồng, theo đó phải xây dựng 15 khu tái định cư cho 121 hộ dân với tổng kinh phí 70,5 tỷ đồng. Số tiền Nhà nước bỏ ra để lo cho dân không ít nhưng một số người dân vẫn chưa thỏa mãn. Việc đền bù giải phóng mặt bằng được thực hiện theo đúng các văn bản pháp luật của Nhà nước và các quy định của tỉnh, giải quyết quyền lợi cho dân công khai, minh bạch. Nhưng điều đáng buồn là người dân bây giờ không còn tự hào với con đường như những năm tháng chiến tranh. Con đường trong lòng dân đã trở thành con đường để một số người dân tranh chấp.
 
Có những hộ dân xây nhà trái phép vi phạm chỉ giới hành lang an toàn giao thông vẫn đòi tiền đền bù với mức cao nhất. Có những phần tử xấu lợi dụng việc đền bù để kích động người dân làm trái pháp luật. Thậm chí có nơi cấp “bìa đỏ” cho dân trong phạm vi chỉ giới an toàn giao thông. Khi con đường mở rộng, hai bên đường “tấc đất tấc vàng” thì có những người dân đã quên bổn phận của mình để giành giật với Nhà nước từng thước đất. Chứng kiến cảnh người dân cản trở việc làm đường buộc chính quyền phải dùng biện pháp bảo vệ thi công sao cứ thấy day dứt trong lòng. Đâu rồi con đường trong lòng dân? 
 
Quốc lộ 1A xuyên suốt chiều dài đất nước đã thấm mồ hôi và máu của bao thế hệ. Mỗi người dân hãy gác lại những toan tính cá nhân để chung sức chung lòng xây dựng con đường mãi thênh thang rộng dài theo đất nước; để Quốc lộ 1A mãi xứng đáng là con đường trong lòng dân.
 
TRẦN HỒNG CƠ