Hoạt động văn hoá- thông tin (VH- TT) ở cơ sở (xã, phường) là một nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý đời sống tinh thần ở địa phương của cấp uỷ, chính quyền cơ sở.

Ban VH-TT cơ sở có nhiệm vụ tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, quản lý về lĩnh vực VH- TT ở cơ sở; thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống xã hội; tuyên truyền phổ biến các nhiệm vụ về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương; tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở; trực tiếp theo dõi và quản lý các hoạt động VHTT ở địa phương...

Tuy nhiên, hiện nay, Công tác VHTT ở cơ sở tuy đã có đầy đủ các ban văn hoá từ cấp xã, phường, nhưng nhìn chung hiệu quả công tác vẫn chưa cao, nhiều nơi cán bộ làm công tác này còn kiêm nhiệm; trình độ chuyên môn và năng lực của cán bộ làm công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật còn nghèo nàn.

Để khai thác chức năng nhiệm vụ và phát huy tốt các hoạt động của Ban VH-TT ở cơ sở thì cấp uỷ, chính quyền các cấp cần phải xem đây là một công cụ, một phương tiện quan trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý xã hội trên lĩnh vực văn hoá- thông tin. Cần có chiến lược về công tác tổ chức cán bộ làm công tác VHTT ở cơ sở; có sự đầu tư về vật chất và trang thiết bị kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ này để họ có điều kiện hoạt động; có chính sách, chế độ lương rõ ràng để họ yên tâm công tác.

Đào tạo đội ngũ cán bộ VHTT cơ sở có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn và năng lực, có năng lực viết, nói và tổ chức các hoạt động, sử dụng thành thạo các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Thường xuyên tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ VHTT cơ sở được tập huấn về công tác chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, tạo điều kiện về trang thiết bị kỹ thuật.v.v... Cũng cần kịp thời động viên, khen thưởng bằng vật chất, tinh thần cho những cá nhân, cơ sở có thành tích tốt trong công tác này.


Thái Bình