Những điệu múa rộn ràng người Chăm, Lô Lô, những câu hát đối giao duyên người Sán Chỉ,  dân tộc Hà Nhì hay những màn trình diễn nhạc cụ, trang phục cổ truyền đã tạo nên một không gian văn hoá đặc sắc và đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam thực sự là nơi các giá trị tinh hoa thực sự được tôn vinh.  

Rạng rỡ những sắc màu dân gian. 

Mặc cho thời tiết giữa những ngày tháng tư nắng cháy, buổi lễ vẫn được tiến hành trong sự trông đợi và háo hức của hàng ngàn du khách thập phương trên mọi miền Tổ Quốc về dự hội. Sự góp mặt của 54 dân tộc đến từ 29 tỉnh thành cùng gần 1000 nghệ sĩ đã làm khuấy động bầu không khí tại sân khấu trung tâm. Đến với lễ hội năm nay, du khách đã được thưởng thức những màn trình diễn múa hát, biểu diễn các trang phục và nhạc cụ dân tộc vô cùng đa dạng và độc đáo. Mỗi màn trình diễn đều mang những sắc thái văn hoá riêng biệt thể hiện những nét đặc trưng của từng vùng miền trên cả nước. 

Điều múa dân gian của các thiếu nữ Chăm mang tên “Niềm vui mới”, hát đối giao duyên “Aday” cùng với Song tấu khèn “Mùa Xuân gọi bạn” khiến cho người xem không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp, sự duyên dáng và  sự đa sắc của xiêm áo.

Tiết mục múa “ Vui được mùa”, hay tiết mục múa gậy “ Tiền giấy”  của dân tộc Lô Lô đã phác hoạ được bức tranh đời sống lao động, và sinh hoạt tinh thần. Qua đó đông đảo người xem đã hiểu được niềm vui say lao động mộc mạc, giản dị của một trong nhưng dân tộc thiểu số sống tỉnh Hà Giang nơi địa đầu của Tổ Quốc.

Những cô gái Mông xinh tươi trong những chiếc váy xoè thổ cẩm cùng các chàng trai bên chiếc sáo gọi bạn tình cùng nhau tấu lên điệu hát “Mùa Xuân” trên bản, mùa xuân lên nương.

Một số tiết mục múa đặc sắc trong Lễ hội

762665_small_48166.jpg

Lời ca tiếng hát của các liền anh liền chị, nét văn hoá đặc trưng vùng Kinh Bắc ngàn năm văn hiến cũng góp mặt tại lễ hội. Một lần nữa khán giả được đắm say trong những câu hát giao duyên, những làn điệu tình tứ của các bậc liền anh liền chị.

Các tiết mục được nối tiếp nhau như một sự kết nối với khán giả và như một sự giao hoà giữa các dân tộc. Không chỉ có các tiết mục của Chăm, Lô Lô, Mông, rất nhiều những màn trình diễn thời trang, đàn hát, mô phỏng không gian sinh hoạt cuả người Tày, Sán Rìu, Ngái, Thái, Cơ Tu, Cơ Ho, Ê Đê, dân tộc Mạ, Pa cô, Dao đỏ, Mơ Nông… cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. 

Trong khuôn khổ các chương trình Giao lưu văn hoá các dân tộc, Những vở diễn như “Cung phi Điểm Bích” của Nhà hát cải lương Việt Nam và vở diễn “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” của nhà hát Tuồng Việt Nam vốn đã quen thuộc trong dân gian nay được tái hiện sinh động bởi tài nghệ của các nghệ sĩ.  

 “Văn hoá giữ lửa cho đất nước”

Đây chính là lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao- Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, phó trưởng ban tổ chức lễ hội. Ông cho rằng “Văn hoá là mục tiêu và động lực của đất nước chúng ta. Văn hoá Việt Nam đã được hình thành từ hàng nghìn năm, là sự tổng hoà của sự thống nhất 54 dân tộc. Nhờ đó văn hoá Việt Nam trở thành sức mạnh thần kỳ giúp chúng ta tập hợp sức mạnh, là điểm tựa cho đất nước. Trong thời kỳ đổi mới Đảng và Nhà Nước ta chủ chương ba vấn đề chính gồm ổn định chính trị, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống văn hoá”. Vì lẽ đó, ngày hội các dân tộc Việt Nam 19/4 được Chính phủ chọn không chỉ nhằm mục đích giao lưu văn hoá mà còn bảo tồn phát huy tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc.

Lễ hội “Diên Hồng Văn Hoá” thực sự góp phần đáng kể nhằm tôn vinh, toả sáng văn hoá Việt.


Theo VnMedia