(Baonghean) - Mấy hôm nay, cả cái facebook của mình đâu đâu cũng thấy ảnh của cô bé hoa hậu Việt Nam đang ngủ trên máy bay trong tư thế khá… buồn cười. Một ông bạn của mình còn chia sẻ ảnh về facebook cá nhân, bình loạn ầm ĩ. Nhân hôm nay cả nhóm hẹn nhau đi cà phê, mình thủ thỉ hỏi:
- Ông này, tôi nhớ hồi còn đi học, ông chuyên môn ngủ gật xong nhỏ nước dãi ra đầy bàn, lại còn ngáy o o làm thầy giáo đang giảng bài giật mình rơi cả viên phấn nhỉ?
- Ôi trời, chuyện từ thời học cấp ba, tuổi ăn tuổi ngủ. Ông nhắc lại làm gì?
- À tôi đang tiếc, giá mà hồi ấy tôi chụp ảnh ông há miệng ngủ say như chết trên bàn, vở ướt nhoe nhoét, có khi bây giờ thành hiện tượng mạng rồi cũng nên? Đường đường một doanh nhân thành đạt, gắn liền với comlê, cà vạt lịch thiệp chỉn chu mà cũng có những lúc “mất hình tượng” như thế, ai mà ngờ được…
Ông bạn mình chỉ biết cười trừ, hiểu ý mình đang “đá đểu” vụ chia sẻ ảnh cô bé hoa hậu. Ấy thế mà lão ta vẫn cố vớt vát một câu:
- Vấn đề là thời tôi ngủ gật thì tôi vẫn chưa là doanh nhân thành đạt như bây giờ. Còn cô hoa hậu kia đường đường đã là người của công chúng thì phải có ý thức giữ gìn hình ảnh của mình ở mọi lúc, mọi nơi. Bảo người ta soi mói? Đó là nỗi khổ nhưng cũng là đặc quyền của người nổi tiếng, nếu không được công chúng và truyền thông quan tâm, “chăm sóc” sát sao như thế, thử hỏi họ có còn giữ được mức độ nổi tiếng và sức ảnh hưởng của mình hay không?
Mình nghe mà ngao ngán. Người nổi tiếng cũng chỉ là người bình thường chứ có phải thần thánh đâu mà đòi hỏi phải kiểm soát được cơ thể ngay cả trong lúc ngủ? Suy cho cùng, nếu những hình ảnh trên rơi vào một người bình thường không ai biết đến thì chắc ai cũng chỉ tặc lưỡi: “Có gì lạ?”. Vậy thì cái “lạ”, cái “giật gân” ở đây nằm ở nhân vật chứ không nằm ở sự việc. Có nghĩa là bất kể người đó làm việc gì, công chúng cũng sẽ nhìn ra sự đặc biệt ở đó - theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.
Tại sao lại chúng ta lại có tâm lý như vậy đối với người nổi tiếng? Có lẽ chính bởi chúng ta đặt vào họ sự kỳ vọng quá lớn, dẫn đến cường điệu, phóng đại những gì liên quan đến họ. Một chiếc áo bình thường mặc trên người một cô người mẫu tự nhiên sẽ được chiếu bởi thứ “hào quang” khác hẳn, nếu như cũng chiếc áo ấy mặc trên người tôi hay bạn. Điều này giải nghĩa cho việc các “hot girl”, “hot boy” thường được cho là nhanh chóng bắt kịp các trào lưu, nhưng thật ra bản chất hiện tượng lại theo chiều ngược lại: chính họ là người tạo ra các trào lưu và biến chúng trở nên thịnh hành. Nhưng đổi lại, một sự việc, hình ảnh không được đẹp mắt, nếu gắn liền với người nổi tiếng, sẽ trở thành một “thảm hoạ”, một hiện tượng bị đả kích, phê phán bởi đông đảo dư luận.
Vậy thì suy cho cùng, trước khi đòi hỏi người nổi tiếng phải có ý thức, trách nhiệm với công chúng, liệu có cần đặt câu hỏi cho ý thức, trách nhiệm của chính những người quan tâm, dõi theo từng động thái của thế giới “ngôi sao”? Hành động chụp ảnh, chia sẻ những khoảnh khắc riêng tư của người khác trên mạng xã hội liệu có văn minh? Đả kích, phê phán một việc mà chúng ta ai cũng có thể mắc phải và không phải là một hành động đi trái lại thuần phong mỹ tục, liệu có nhân văn? Chúng ta thường nhìn những người nổi tiếng qua lăng kính phóng đại và có chút gì đó thèm muốn, đó là sự thật không thể chối cãi. Nhưng có lẽ không phải ai cũng biết rằng công chúng nắm trong tay thứ quyền lực còn lớn hơn cả sự bóng bẩy, hào nhoáng của “thiên đường” xa vời đó. Đó là thứ quyền lực có thể biến thiên đường thành địa ngục đối với những người nổi tiếng, nếu như chúng ta không sử dụng quyền lực đó bằng lòng bao dung và sự nhân văn.
Hải Triều