(Baonghean) - Tìm về xóm Long Đông (xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo nông thôn đổi mới: nhà cửa khang trang, đường bê tông thẳng tắp, nhà nào cũng đầy đủ tiện nghi sinh hoạt...
Xóm trưởng Nguyễn Thị Lưu hồ hởi khoe: “Hiện tại toàn xóm chỉ còn 5 hộ nghèo thôi, còn lại đều làm ăn khá. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ làm giàu từ đồng ruộng...”.
Gia đình chị Lưu là một trong những hộ tiên phong đưa KHKT mới vào sản xuất. Năm 2006, khi xã bắt đầu trồng thực nghiệm cây dưa đỏ trên đất đồng, chị đã mạnh dạn đăng ký thực hiện, rồi vận động bà con trong xóm chuyển đổi theo. Đến nay, hầu hết các hộ dân đều trồng dưa hấu và biết áp dụng làm bầu, đào giếng khoan, lắp máy phun sương tưới cây, để đảm bảo cây sinh trưởng tốt. “Mỗi sào dưa cho thu nhập 5-7 triệu đồng, gấp nhiều lần trồng lúa. Cái chính là phải biết áp dụng KHKT vào sản xuất, phải nắm vững quy trình chăm sóc, kỹ thuật trồng, bón phân...”. Vụ xuân năm 2013, xóm cũng tiên phong trong việc đưa giống lúa mới B-TE1 vào sản xuất thay thế các loại giống cũ.
Hội thảo đầu bờ mô hình trồng đậu đũa ở đồng đất Nghi Lộc.
Ông Võ Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Khánh cho biết: “Ưu điểm của loại lúa này là chất lượng gạo ngon, kháng sâu bệnh tốt, năng suất cao và đỡ chi phí sản xuất. Tuy nhiên, nó đòi hỏi phải cấy thưa, cấy đúng kỹ thuật và giá giống hơi cao. Ban đầu, để vận động được bà con đưa giống mới vào sản xuất không phải dễ, phải giới thiệu cho họ mô hình thành công ở Nghi Thái; Công ty giống Bayer cử cán bộ kỹ thuật về tập huấn cho bà con và xã có chính sách hỗ trợ 50% giá giống. Bước đầu, 4ha thử nghiệm cho năng suất cao, không bị sâu bệnh. Vụ hè thu, toàn xã sẽ nhân giống này ra diện rộng”.
Còn vụ đông xuân vừa qua, người dân xóm 1, xã Nghi Hợp phấn khởi khi được mùa lạc trồng theo phương pháp mới do Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn. Theo cách này, phân lân được trộn với phân chuồng hoai theo tỷ lệ 15 kg lân cùng với 5 đến 6 tạ phân chuồng cho một sào. Phân được ủ 20 đến 25 ngày rồi đưa ra bón trước khi gieo và phủ ni-lông. Khi cây lạc làm củ, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư hướng dẫn nông dân phun thuốc kích thích làm hạn chế sự phát triển của thân, tập trung cho củ chắc hạt. Kết quả, năng suất đạt vượt trội với chỉ số 5 tấn/ ha. Trong khi đó cùng giống lạc L14, trồng theo phương pháp cũ, năng suất cao nhất cũng chỉ đạt 3,2 tấn/ha. Ông Nguyễn Xuân Sơn, người dân xóm 1, Nghi Hợp cho biết: “Cùng một loại giống, cùng đồng đất nhưng khi áp dụng phương pháp mới thì năng suất hơn hẳn. Đây thực sự là điều mà nông dân cần, phải tăng năng suất, hiệu quả cây trồng trên đơn vị diện tích mới mang lại giá trị kinh tế cao...”.
Đồng hành cùng nhà nông trong việc đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, hàng năm, Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân cùng với Trạm Khuyến nông tổ chức 100 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. Trong đó phần lớn là giới thiệu giống cây mới và biện pháp kỹ thuật trồng mới. Mỗi mô hình mới đều được cán bộ kỹ thuật bám đồng, hướng dẫn nông dân sản xuất trong từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Hiệu quả vượt trội của mô hình là điều kiện để bà con tiếp thu và áp dụng rộng rãi. Chẳng hạn như giống lạc mới L26 được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện tổ chức trồng khảo nghiệm 10 ha năm 2009 cùng với cách trồng mới cho năng suất 5 tấn/ha, nay đã được nhân rộng 200 ha trên toàn huyện. Cây dưa hấu vụ hè thu cách đây chưa lâu cũng là loại cây mới lạ đối với người nông dân, đến nay đã mở rộng diện tích trên 100 ha.
Bên cạnh tiến hành khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, phù hợp các vùng sinh thái trong tỉnh, ngành Nông nghiệp huyện đã xây dựng các mô hình hỗ trợ đưa tiến bộ KHKT vào đầu tư thâm canh giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung; xây dựng được nhiều mô hình bố trí cây trồng, xen canh, luân canh. Trên các cánh đồng ở Nghi Long, Nghi Khánh, Nghi Hợp, Nghi Đồng... người dân không cho đất nghỉ, mùa nào thức nấy, hết lạc sang dưa hấu, lạc xen ngô... đã mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện cuộc sống và tăng thu nhập cho người nông dân trên một đơn vị diện tích thâm canh. Các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao được lãnh đạo các địa phương đưa vào nghị quyết nhân rộng ra các địa phương, từng bước nâng cao đời sống của người dân.
Ở mỗi địa phương, có cách “kích cầu” riêng để người dân hứng khởi với việc ứng dụng KHKT mới vào sản xuất: xã Nghi Quang khen thưởng cho những hộ trồng lúa lai nhiều, năng suất cao; xã Nghi Khánh với chính sách trợ giá giống; Nghi Lâm tổ chức cho nông dân thăm quan, học tập mô hình... Thực hiện Đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích", từ năm 2009 đến nay, Nghi Lộc đã tổ chức trồng khảo nghiệm, giới thiệu trên 10 giống cây trồng mới về lúa lai, ngô lai, lạc lai, cây dược liệu, ớt cay xuất khẩu và bí đao, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4.000 ha đất chuyên màu thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/ha/năm; trong đó, 1.000 ha cho thu nhập 80 đến 100 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay trong việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đó là vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp khá cao, trong khi giá bán nông sản lại thấp. Do đó, để tuân thủ theo đúng quy trình của mô hình trình diễn thì rất khó; Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được triển khai ở một số địa phương nhưng nếu để nhân ra diện rộng thì gặp không ít khó khăn vì nông dân chưa quen với việc sản xuất lớn.
Mặt khác, nhận thức của người dân còn hạn chế, khi có một vài hộ đưa được giống cây trồng nào có hiệu quả vào đồng ruộng thì chỉ được một vài vụ là cả làng, cả xã bắt chước trồng theo, trong khi nhu cầu của thị trường có hạn và lại dẫn đến hiệu quả thấp. Đa phần người nông dân hiện nay vẫn canh tác theo tập quán và kinh nghiệm qua nhiều năm. Các chương trình truyền thông khoa giáo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chưa thu hút được sự quan tâm của người sản xuất...
Kỹ sư nông nghiệp Hồ Thị Bích Lam - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư Nghi Lộc cho biết: “Hiệu quả của việc đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng thì đã thấy rõ. Đó là đòn bẩy để nông nghiệp sản xuất bền vững. Điều cần thiết nhất hiện nay là chính người nông dân phải chủ động dồn điền, đổi thửa; mạnh dạn trong sản xuất, đầu tư cải tạo đồng ruộng; tìm hiểu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tự tìm đầu ra cho sản phẩm; sản xuất theo quy hoạch, quy mô hàng hóa... Nếu không thì ngành Nông nghiệp dù có thực hiện bao nhiêu mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng sẽ không thể đạt được hiệu quả cao”.