(Baonghean) - Xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ không phải là địa phương được chọn xã điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM), và chưa có sự hỗ trợ của các cấp, nhưng với tinh thần toàn dân chung sức xây dựng NTM, nông dân trong xã đã đồng lòng tự nguyện hiến đất cho xã mở rộng đường.
Các con đường giao thông của xã Kỳ Tân đã có trước đây rất nhỏ hẹp, cong queo, đặc biệt là thường xuyên bị ngập nước khi mùa mưa về. Với phương châm “nhà nhà hiến đất” để mở rộng lòng đường, sau khi họp bàn trước nhân dân, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị của xã Kỳ Tân đã vào cuộc tuyên truyền, vận động...
Trước tiên, cán bộ, đảng viên là những người tiên phong đi trước, làm hạt nhân nòng cốt để tuyên truyền cho các hộ dân làm theo. Với cách làm đó, xã Kỳ Tân đã có hàng trăm hộ dân tự nguyện hiến gần 45 nghìn m2 đất vườn cho xã mở rộng và nắn thẳng lòng đường.
Điển hình như hộ ông Lê Đình Quế (xóm 5), Trần Văn Tài (xóm 6)… Các hộ tự nguyện tháo dỡ hàng rào và các công trình phụ, và hiến hàng trăm m2 đất. Theo ông Quế, xây dựng NTM là một chương trình lớn của cả nước, với mục đích là làm thay đổi diện mạo của nông thôn và nâng cao đời sống cho người dân. Vì vậy, việc làm của ông đã đóng góp đáng kể cho lợi ích chung, trong đó có cả lợi ích gia đình.
Người dân Kỳ Tân tự nguyện tháo dỡ công trình phụ để hiến đất mở đường.
Ông Trần Văn Đông – Chủ tịch UBND xã, phấn khởi: Với phương châm “huy động nội lực có thể”, từ tháng 4/2012 đến nay, toàn xã đã giải tỏa được hơn 17 km trục đường liên xã, liên thôn và ngõ xóm. Với mục tiêu, mở đường đến đâu múc mương ngay đến đó, xã thuê 2 máy múc để tháo dỡ công trình phụ, đào gốc cây và múc mương. Thống kê cho thấy, đã có 4 căn nhà ở phải di dời, tháo dỡ 2.500m bờ rào xây, 25 cổng kiên cố, gần 70 nghìn cây ăn quả, cây lâm nghiệp và 670 bụi tre. Điều đáng nói, mặc dù số tài sản phải tháo dỡ nhiều như thế, nhưng nhân dân không đòi hỏi bất kỳ sự đền bù nào. Dự kiến của xã ban đầu là đầu tư 200 triệu đồng để thuê máy, nhưng đến nay số tiền đầu tư lên đến 700 triệu đồng để múc mương và đổ đất kê cao mặt đường. Có những đoạn đường trước đây rất thấp, cứ có mưa to là gây ngập, do vậy lần này xã đầu tư đổ đất nâng cao hơn 2m, phần lớn hệ thống giao thông của Kỳ Tân đều phải nâng cao ít nhất 50 cm.
Bài học rút ra trong quá trình làm giao thông nông thôn đối với Kỳ Tân là làm cho người dân hiểu sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng giao thông, từ đó mọi gia đình tự nguyện hiến đất, không trông chờ ỷ lại vào cơ chế, chính sách của Nhà nước. Bây giờ, phần lớn các trục đường trong xã đã phong quang, thẳng tắp, sạch đẹp, đi lại dễ dàng, ai cũng thấy thoải mái.
Theo kế hoạch của Kỳ Tân, trong năm nay, địa phương sẽ đề xuất với các cấp được hỗ trợ xi măng để đổ bê tông 4 - 6 km. Với một xã còn nhiều khó khăn như Kỳ Tân, việc đóng góp tiền để cứng hóa giao thông tất nhiên sẽ gặp khó khăn, nhưng với nhận thức và tinh thần xung phong của người dân, hy vọng phong trào làm giao thông nông thôn ở Kỳ Tân trong những giai đoạn tiếp theo sẽ thuận lợi. Nói như ông Quế thì xem ti vi, đọc báo, thấy nhiều nơi người ta góp tiền triệu cùng với sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước để đổ bê tông mặt đường cớ gì mình không làm được? 1 năm, 2 năm không trả hết thì 3năm, 4 năm. Miễn là dân ta có đường đi thuận lợi, không phải lầy lội vào mùa mưa là được.
Khi “Ý Đảng lòng Dân” đã được thông suốt, xã Kỳ Tân không chỉ dừng lại ở những kết quả xây dựng hệ thống giao thông, còn nhiều tiêu chí xây dựng NTM cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Và đến nay, nhiều tiêu chí cơ bản đạt được, như quy hoạch và thực hiện quy hoạch; thu nhập của người dân; y tế, hệ thống tổ chức chính trị, xã hội vững mạnh; an ninh trật tự xã hội và bưu điện...
Kỳ Tân (Tân Kỳ): Nông dân hiến đất xây dựng nông thôn mới
Xuân Hoàng