Ảnh minh họa: 112 International Trả lời phỏng vấn trên kênh NewsOne, cựu Phó Tổng thống Verkhovna Rada Nadezhda Savigan cho rằng, Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã "đánh mất" đất nước khi ông ký các thỏa thuận Minsk.
Chính vì vậy, ông Poroshenko đã thay đổi thái độ, tham gia vào với các cuộc biểu tình sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống.
"Chính ông Poroshenko đã để Ukraine thua cuộc khi ký các thỏa thuận Minsk năm 2015. Và chính ông cũng đã chấp thuận "Công thức Steinmeier". Khi các cuộc biểu tình phản đối bắt đầu, ông ngay lập tức tham gia hoạt động phá hoại đất nước nghiêm trọng" - bà Nadezhda nói.
Nhà chính trị gia băn khoăn: "Tại sao bây giờ những thứ khủng khiếp này có thể làm rung chuyển đất nước của chúng tôi? Và những cuộc biểu tình này chỉ có lợi cho những chính trị gia đã thua trong cuộc bầu cử".
Trước đó, vào 6/10, khoảng 10.000 người dân Ukraine, trong đó có cả cựu Tổng thống Petro Poroshenko đã xuống đường tuần hành ở trung tâm thủ đô Kiev để phản đối kế hoạch mở rộng quyền tự trị ở các vùng lãnh thổ ly khai.
Hô vang giữa đám đông, cựu Tổng thống Poroshenko khẳng định "Cùng nhau chúng ta sẽ chiến thắng". Hơn thế, ông Poroshenko còn đăng tải dòng cảm ơn trên Twitter vì người dân đã tập trung ở Kiev cùng hơn 20 thành phố khác để biểu tình.
Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Tổng thống đương nhiệm Zelensky đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong một nỗ lực nhằm khôi phục tiến trình hòa bình đang bị ngưng trệ, tiến tới chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt 5 năm qua ở miền Đông Ukraine.
"Công thức Steinmeier" từng được Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đề xuất nhằm giải quyết nội dung then chốt nhất và gặp nhiều trở ngại nhất để thực hiện Thỏa thuận Minsk. Đó là quy chế đặc biệt dành cho hai vùng lãnh thổ của Ukraine là Donetsk và Lugansk đã tự tuyên bố thành lập Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) và Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR).
Trên thực tế, Ukraine và Nga đã ký kết 2 thỏa thuận tại Minsk (Belarus) vào tháng 9/2014 và tháng 2/2015 nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn và đưa ra lộ trình tiến tới hòa bình lâu dài tại miền Đông Ukraine. Mặc dù, thỏa thuận Minsk giúp hạ nhiệt xung đột nhưng không chấm dứt được tình trạng này.