CUỘC CHIẾN “KHÔNG SỚM THÌ MUỘN”
Tấn công lực lượng người Kurd biên giới Syria là mục tiêu hàng thập kỷ của chính quyền Ankara. Kể từ khi ông Erdogan lên nắm quyền với vai trò Thủ tướng, Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd cũng được thành lập và trở thành “cái gai” trong mắt Ankara. Nhóm này chủ trương kêu gọi thành lập một nhà nước độc lập của người Kurd đồng thời tuyên bố ủng hộ một học thuyết gọi là “Chủ nghĩa liên minh dân chủ”, dựa trên hệ tư tưởng của nhà sáng lập và cũng là lãnh đạo Đảng Công nhân người Kurd (PKK) Abdullah Ocalan, đảng đối lập với Đảng AKP cầm quyền. Kể từ đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đặt quyết tâm “không bao giờ cho phép thành lập một nhà nước người Kurd ở miền Bắc Syria” và quy kết nhóm này vào lực lượng khủng bố.
Chiến dịch “Lá chắn Euphrates” năm 2016 hay “Cành Olive” năm 2018 với mục đích tấn công IS ở miền Bắc Syria nhưng thực tế cũng đẩy lực lượng người Kurd khỏi khu vực Tây Bắc Afrin. Căng thẳng vẫn tiếp diễn từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm phát động một cuộc xung đột toàn diện nhằm loại bỏ sự hiện diện của người Kurd ở phần còn lại của miền Bắc Syria.
Việc mở chiến dịch tấn công vào miền Bắc Syria ngày 9/10 đã nằm trong dự liệu và sự chuẩn bị sẵn sàng của chính quyền Erdogan từ trước đó. Trước cuộc tấn công, Tổng thống Mỹ tuyên bố rút quân đội khỏi Syria - được xem là động thái “bật đèn xanh” cho chiến dịch khai hỏa của Ankara.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố mục tiêu của chiến dịch là “phá hủy hành lang khủng bố” mà theo ông dân quân người Kurd đang cố gắng thiết lập ở biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời mang lại hòa bình cho khu vực. Một lý do khác nữa khiến Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự này là muốn trục xuất những người tị nạn Syria ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ rồi tái định cư họ trong cái gọi là “vùng an toàn” do Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập ở miền Bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ có số dân tị nạn lớn nhất thế giới và sự hiện diện của người Syria ở nước này ngày càng dẫn đến sự thù địch từ những người Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc về tội ác, thất nghiệp và sự pha loãng văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Để chống lại làn sóng bài ngoại đang gia tăng, ông Erdogan đã hứa sẽ di dời hai triệu người Syria tới các khu vực do người Kurd kiểm soát, ngay cả khi họ không đến từ đó.
Tuy nhiên, đó chưa phải tất cả. Việc “quét sạch’ người Kurd cũng đồng nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ tại biên giới với Syria, gia tăng vị thế trong nước cho bản thân Tổng thống Erdogan.
THAM VỌNG CỦA ÔNG ERDOGAN
Nhiều nhà phân tích nhận định, cách ông Erdogan theo đuổi chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria phần nào phản ánh đường lối chính trị của ông: dứt khoát và cứng rắn. Recep Tayyip Erdogan là chính trị gia khó hiểu nhất và cũng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử 96 năm của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông được đánh giá là người cực đoan, dân túy, và đa mưu. Nhiều nhà quan sát mô tả Erdogan là một người nóng nảy. Ông có thể chộp lấy bao thuốc lá từ một người dân để cố ép anh ta bỏ thuốc lá, mắng các phóng viên đưa ra những câu hỏi hóc búa, thậm chí lập tức rời khỏi diễn đàn sau cuộc thảo luận khiến ông giận dữ với Tổng thống Israel Simon Peres tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos năm 2009. Nhưng ông ấy cũng là một chính trị gia cực kỳ kiên nhẫn. Ông Erdogan đã mất 16 năm để rèn giũa nên cái mà ông gọi là “Thổ Nhĩ Kỳ mới” - một quốc gia tự chủ về kinh tế.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là chính trị gia khó hiểu nhất và cũng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử 96 năm của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty
Sự pha trộn giữa hai tính cách nóng nảy và kiên nhẫn này đã Erdogan ngày càng thành công trong sự nghiệp chính trị. Ông trở thành Thủ tướng năm 2003 sau khi đảng của ông giành được 34% phiếu bầu và đến năm 2011, tỷ lệ phiếu ủng hộ đã tăng lên chỉ còn 50%. Vào năm 2014, khi ông Erdogan ra tranh cử Tổng thống, hơn một nửa số người Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu bầu cho ông. Họ cũng làm như vậy một lần nữa vào năm 2018, đồng thời bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiếp pháp để Tổng thống giữ quyền lực cao nhất.
Ông cũng sử dụng quyền lực đó để định hình lại mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với phần còn lại của thế giới. Ông đã mở rộng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và miền Bắc Iraq đồng thời chuyển hướng “bắt tay” với Trung Quốc, Iran và Nga thay vì chú trọng đến thế giới phương Tây như thời gian trước.
Những quyết sách gây bão cả về đối ngoại và đối nội của ông Erdogan dù phải hứng chịu không ít chỉ trích nhưng vẫn luôn nhận được sự ủng hộ của một đại bộ phận trong nước.
Với quyết định đưa quân tấn công miền Bắc Syria, ông Tayip Erdogan một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý trên sân khấu chính trị quốc tế. Nhiều quốc gia chỉ trích quyết định của nhà lãnh đạo 65 tuổi này và cho rằng “cuộc xâm lược” của Thổ Nhĩ Kỳ vào chủ quyền Syria là “không chấp nhận được”. Lý giải cho hành động của Ankara, nhiều nhà quan sát cho rằng, cũng như Tổng thống Mỹ Donald Trump với khẩu hiệu “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, tham vọng của ông Erdogan là khôi phục tầm vóc ảnh hưởng của Đế chế Osman khi xưa, vượt xa Antatuerk là người đã lập nên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại và ngang bằng Sueleyman lập nên Đế chế Osman hồi thế kỷ thứ 13.
Khi cuộc nội chiến ở Syria đang đi đến hồi kết, Mỹ cũng rút dần sự hiện diện ở quốc gia này, Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng chớp thời cơ “vẽ lại bản đồ của cuộc xung đột Syria một lần nữa” với vai trò của một bên chủ động. Đây cũng là một bước đi của Ankara nhằm xác lập vị trí lớn hơn trong thế giới Hồi giáo ở Trung Đông.
Với dư luận trong nước, quyết định tấn công người Kurd được cho sẽ tác động mạnh mẽ trong việc kích động chủ nghĩa dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ, giúp gia tăng vị thế và uy quyền của ông Erdogan.