“Đại gia” vận tảinhập cuộc
Mai Linh là DN hưởng lợi và chủ động tận dụng cơ hội Uber dừng hoạt động từ 8/4 tới. Cụ thể, trong khi Grab mua lại Uber nhưng không có chính sách thu hút đặc biệt đối với lái xe Uber, Mai Linh lại đưa ra các gói ưu đãi để thu hút tài xế và cả khách hàng.
Đặc biệt, ở dịch vụ xe ôm, Mailinh Bike đưa ra mức giá thấp hơn Grab và Uber, cụ thể, hãng đưa ra mức 11 nghìn đồng 2 km đầu, 3.700 đồng/km tiếp theo, không tăng giá giờ cao điểm. Mai Linh Bike chỉ thu 15% chiết khấu với tài xế, tặng 100 % phí đồng phục, mua bảo hiểm cho lái xe hoạt động trên 6 tháng.
Ngay sau khi Uber rút lui, Cty Cổ phần Xe khách Phương Trang (Futabus Lines) – doanh nghiệp sở hữu hệ thống xe khách lớn nhất Việt Nam vừa quyết định đầu tư tối thiểu 100 triệu USD để phát triển ứng dụng VATO thông qua mua lại ứng dụng Vivu.
Tổng Giám đốc Futabus Lines, ông Nguyễn Trí Dũng cho biết, Phương Trang quyết định mua Vivu và sáp nhập vào VATO, để tạo một hệ sinh thái thương mại điện tử. Thương hiệu VATO ban đầu dự kiến ra mắt vào tháng 5/2018 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, quyết định rút lui của Uber, VATO sẽ ra mắt ngay trong tháng 4/2018.
Sẽ không chấp nhận thêm DN thí điểm xecông nghệ
Ngoài Mai Linh và Phương Trang, hiện nay, hàng chục DN vận tải đã sử dụng hệ sinh thái Internet để điều hành vận tải. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, hiện nay các DN làm riêng lẻ, manh mún nên chưa hiệu quả. “Không ai cài tất cả các ứng dụng của các hãng taxi trên một chiếc điện thoại. Chúng tôi đã cảnh báo rất sớm hiện tượng này”.
Theo ông Thanh, việc Uber rút khỏi thị trường thông qua Grab mua lại có thể hiểu là Uber và Grab tập trung nguồn lực. Vì vậy, việc các hãng taxi truyền thống bắt tay, không chỉ liên kết trong việc khiếu nại Uber, Grab mà liên kết với nhau cùng phát triển là rất cần thiết. Ông Thanh cho hay, ông đã đề nghị và Hiệp hội taxi Hà Nội đưa vào kế hoạch trong năm nay sẽ xây dựng một phần mềm dùng chung cho toàn bộ các hãng taxi.
Tuy nhiên, như Tiền Phong phản ánh, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay sẽ không chấp nhận cho thêm DN mới ngoài 10 DN thí điểm xe công nghệ (Uber rút khỏi thị trường hiện còn 9). Ông Thanh cũng nhìn nhận: chương trình thí điểm xe công nghệ của Bộ GTVT đã kéo dài hơn 2 năm, với hàng chục nghìn xe tham gia, đến lúc không nên gọi là thí điểm để ngăn DN mới thí điểm xe công nghệ.