Tại huyện miền núi
Tương Dương hiện có hơn 1.634 ha tre, mét, chủ yếu nằm trên đất rừng sản xuất và tập trung nhiều ở các xã Yên Thắng, Nhôn Mai, Thạch Giám, Tam Đình, Tam Thái, Tam Quang. Thời điểm này, đồng bào các dân tộc nơi đây đang bước vào thu hoạch ồ ạt để bán cho các thương lái ở các huyện miền xuôi lên thu mua.
Hiện nay người dân các huyện miền núi đang bước vào mùa thu hoạch tre, mét. Ảnh: Tiến Đông Ông Vi Văn Khánh, trú tại xã Xá Lượng (Tương Dương) cho biết: Gia đình ông trồng xen tre, mét vào hơn 5 ha rừng. Hàng năm cứ vào tháng 12 khi có khách mua, ông lại đi chặt tỉa những cây già bán dần. Giá mỗi cây giao động từ 20.000 - 30.000 đồng tùy cây có đường kính to hay nhỏ như hiện nay. Với giá thu mua tre mét như thế này là cao hơn nhiều so với các năm trước. Mỗi lần chặt, gia đình ông có được khoản thu nhập hơn 10 triệu đồng, đủ trang trải cho những nhu cầu cần thiết của gia đình.
Tùy đường kính mà mỗi cây tre, mét khi kéo ra đến tận đường lớn có giá từ 15.000 - 30.000 đồng. Ảnh: Tiến Đông Ông Nguyễn Duy Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Xá Lượng cho biết: Toàn xã hiện có hơn 45 ha rừng tre, mét. Hiện tại, đây là thời điểm người dân thu hoạch tre, mét nhiều nhất do mùa này cây không bị sâu bệnh, lại đặc ruột nên được thương lái ưa chuộng. Nếu trừ đi chi phí tiền công chặt và kéo ra đường mỗi cây 5.000 đồng thì việc trồng tre, mét cũng đem lại thu nhập khá ổn định cho người dân.
Thời điểm này thu hoạch tre, mét thường có năng suất cao hơn, cây tre đặc ruột và ít bị sâu mọt. Ảnh: Tiến Đông Tại huyện Con Cuông, hiện nay có hơn 3.000 ha mét, phân bổ ở 11 xã trên địa bàn, trong đó, chủ yếu tập trung ở các xã; Châu Khê, Bồng Khê, Chi Khê, Bình Chuẩn, Lạng Khê, Lục Dạ… Đây là địa phương có diện tích tre, mét lớn nhất của cả tỉnh, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 1,5 triệu cây, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Với thời gian canh tác ngắn, chu kỳ khai thác linh hoạt, cây tre, mét đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần cây keo. Chưa kể cây còn có tác dụng chống xói mòn, bảo vệ đất, vì thế nó đã trở thành cây trồng chủ lực ở các địa phương này.
Vào mùa thu hoạch, các thương lái ở miền xuôi thường cho xe ô tô lên đến tận nơi thu mua tre, mét của người dân. Ảnh: Tiến Đông Mặc dù đem lại giá trị kinh tế ổn định cho người dân địa phương, tuy nhiên, nhiều chuyên gia lâm nghiệp cũng cảnh báo, với diện tích trồng lớn, mật độ tập trung cao, vì vậy, sẽ dẫn đến nguy cơ gây cháy vào mùa khô, và bị bão, lốc gây thiệt hại vào mùa mưa. Vì thế, để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại, các hộ dân cần tuân thủ các biện pháp PCCCR một cách chặt chẽ; lựa chọn phương thức trồng rừng phù hợp với địa hình, độ dốc, độ cao, hướng gió chính; trong quá trình thiết kế trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác, kết hợp các biện pháp lâm sinh như trồng rừng hỗn giao để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất./.