Tăng cường công tác truyền thông
“Dân số - chìa khóa cho sự phát triển bền vững” là chương trình giao lưu truyền thông do Trung tâm Dân số - KHHGĐ thành phố Vinh tổ chức trong dịp kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7). Tại chương trình này vẫn là những tiết mục “cây nhà lá vườn” nhưng qua những tiểu phẩm, qua các câu hỏi đố vui, những thông điệp về dân số đã được truyền tải đến người dân một cách nhẹ nhàng và thuyết phục.
Tại phường Quán Báu - đơn vị đầu tiên triển khai, dù chương trình diễn ra vào buổi tối, thời tiết nóng bức không thuận lợi nhưng người xem đến cổ vũ rất nhiệt tình.
Các câu hỏi do ban tổ chức đưa ra rất ý nghĩa. Bản thân tôi, nhờ tham gia cuộc thi này đã trang bị cho mình rất nhiều kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Đây cũng là kinh nghiệm quý giá để sau này chúng tôi lồng ghép các kiến thức về Dân số - KHHGĐ vào các hoạt động và sinh hoạt Đoàn ở cơ sở”.
Anh Phan Văn Phúc - Đoàn phường Quán Bàu (TP. Vinh).
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” ở thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà
Dịp kỷ niệm Ngày Dân số thế giới năm nay của thành phố Vinh được gắn với Hội nghị sơ kết công tác DS-KHHGĐ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Chính vì thế, song song với các hoạt động như tổ chức Hội nghị truyền thông về chính sách Dân số-KHHGĐ cho lãnh đạo, bí thư, khối trưởng, tổ chức giao lưu, hái hoa dân chủ, ra mắt và sinh hoạt câu lạc bộ... thì đây cũng là dịp để thành phố nhìn lại những kết quả đã đạt được và những khó khăn, thách thức.
“So với các địa phương khác, mức sống của người dân thành phố khá cao và chất lượng dân số khá tốt. Tuy nhiên, thành phố lại đang đối mặt với những vấn đề như tỷ lệ sinh con thứ 3 gia tăng, tỷ lệ mất cân bằng giới tính đang ở mức báo động và cao hơn mức trung bình chung của cả tỉnh. Trong khi đó, việc tuyên truyền, vận động người dân không sinh con thứ 3 gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở các gia đình khá giả. Chính vì thế, thông qua các hoạt động truyền thông, sẽ nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền các cấp về công tác dân số và cùng phối hợp để giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số...”.
Bà Phùng Thị Thanh - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ thành phố Vinh.
Tại phường Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò), Ngày Dân số thế giới cũng là dịp ra mắt Câu lạc bộ “Thanh niên biển với công tác dân số và phát triển”. Mô hình này trước đó cũng đã được duy trì tại nhiều đơn vị khác trên địa bàn và phát huy được hiệu quả, bởi đã tập hợp được đông đảo người dân vùng biển cùng sinh hoạt, giao lưu và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các vấn đề Dân số - KHHGĐ. Tuy nhiên, thời điểm này, mô hình mở rộng đối tượng tham gia là đoàn viên, thanh niên nhằm mục đích nâng cao vai trò, tiếng nói của người trẻ. Thời gian tới, đây cũng là lực lượng tiên phong trong các hoạt động và sẽ là “cánh tay nối dài” của ngành Dân số để tăng cường truyền thông xuống cơ sở và nâng cao hiệu quả, chất lượng các chương trình.
Nhiều vấn đề đặt ra cho công tác dân số
Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới năm 2019, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cũng đã chọn huyện Diễn Châu - một địa phương nhiều đặc thù để tổ chức lễ mít tinh và tổ chức Hội thi “Người cao tuổi sống vui - sống khỏe”.
“Diễn Châu là một huyện có dân số rất đông, đứng thứ 2 toàn tỉnh (sau thành phố Vinh) và là một trong những huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhất tỉnh, 28%. Chính vì thế, việc tuyên truyền các quy định, chính sách về dân số là hết sức ý nghĩa để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ.
Song song với đó, nhiệm vụ hiện nay là nâng cao chất lượng dân số. Như với người già, hiện người cao tuổi của huyện chiếm tỷ lệ 13% và là huyện già hóa dân số cao. Trong khi đó, công tác chăm sóc người cao tuổi của địa phương hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là điều kiện kinh tế vì nhiều người tuổi đã cao, không có lương hưu và vì lẽ đó chưa được quan tâm đúng mức
Bà Trần Thị Lương - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Diễn Châu.
Người cao tuổi huyện Diễn Châu hào hứng tham gia Hội thi “Sống vui - Sống khỏe”. Ảnh: Mỹ Hà
Dù những năm qua, công tác dân số của Nghệ An đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng khó khăn, thách thức thì còn nhiều. Đơn cử, từ năm 2006, cả nước đã đạt mức sinh thay thế 2,09 con/phụ nữ, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII).
Nghệ An, tỷ lệ này hiện nay vẫn là 2,76 con/phụ nữ và dự kiến đến năm 2029 mới đạt mức sinh thay thế. Tỷ lệ sinh con thứ 3 của Nghệ An hiện đang ở mức rất cao, chiếm 22,9%. Chất lượng dân số chưa đảm bảo khi mà hiện nay tuổi thọ người dân của dân số Nghệ An vẫn thấp hơn so với mức bình quân của cả nước. Năm 2018, tỷ suất tử vong mẹ còn ở mức cao tới 13/100.000, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của cả tỉnh là 5,9‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng theo cân nặng của trẻ em dưới 5 tuổi còn 17%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp, còi là 24%; người tàn tật, dân số bị thiểu năng thể lực và trí tuệ còn chiếm một tỷ lệ cao 3,9%...
“Trong khi cả nước đã chuyển sang thời kỳ dân số và phát triển thì Nghệ An vẫn phải thực hiện 2 nhiệm vụ song song, đó là Dân số - KHHGĐ và Dân số và Phát triển. Vì thế, để tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động ICPD thì nhiệm vụ trước mắt đó là, cần phải sớm đưa mức sinh về mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số một cách chủ động; phân bố dân số hợp lý.
Bên cạnh đó, cần từng bước nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới”.
Bác sỹ Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh.