Cán bộ, đảng viên “lách luật” sinh con thứ 3?
- Thưa bác sỹ Nguyễn Bá Tân, trong khi mức sinh ở khu vực thành thị, miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long giảm sâu dưới mức 2 con thì mức sinh ở khu vực Tây Nguyên, miền núi Trung du phía Bắc, Bắc Trung Bộ, trong đó có Nghệ An vẫn còn rất cao. Ông có cho rằng, việc đạt mức sinh thay thế là mục tiêu quan trọng nhất trong công tác dân số hiện nay của tỉnh nhà?
- Như chúng ta biết, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và từ năm 2006 đã đạt mức sinh thay thế (2,1 con trên một phụ nữ) và liên tục duy trì trong nhiều năm.
Ở Nghệ An, quy mô dân số vẫn lớn và tiếp tục tăng. Mức sinh, tỉ lệ sinh con thứ 3 cao và mức sinh chưa đạt mức sinh thay thế. Hiện với mức sinh hiện nay (2,76 con), chúng ta cũng dự báo đến năm 2029 tỉnh ta mới đạt mức sinh thay thế.
Trong khi đó, tiềm năng sinh đẻ còn lớn, cứ 1 phụ nữ bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ có 2,5 phụ nữ bước vào, tiềm ẩn nguy cơ tăng nhanh mức sinh trở lại. Chính vì thế, song song với nhiệm vụ của cả nước tập trung vào nâng cao chất lượng dân số thì ở Nghệ An việc giảm mức sinh để tiến tới mức sinh thay thế là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay.
- Nhiều năm nay, vấn đề được nói đến nhiều nhất trong công tác dân số Nghệ An đó là gia tăng tình trạng sinh con thứ 3 trở lên. Tuy nhiên, nếu như trước đây, việc vi phạm chính sách dân số chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì nay lại có xu hướng ngược lại và tập trung chính ở vùng trung tâm, thuận lợi và các gia đình khá giả. Điều này, có gì bất thường không, thưa bác sỹ?
- Theo số liệu thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, năm 2018, toàn tỉnh có 50.888 trẻ được sinh ra, trong đó có 11.675 trẻ là con thứ 3 trở lên, chiếm 22,9%, tập trung nhiều ở các địa phương như thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3, như nhiều gia đình muốn có thêm con để sau này khi về già được các con thay phiên nhau chăm sóc, bớt cô quạnh.
Hơn nữa, khi đời sống được nâng lên, kinh tế phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, nhiều gia đình khi kinh tế khá giả muốn sinh thêm con để vui cửa, vui nhà. Thậm chí, nhiều gia đình có điều kiện nhưng do không bị ràng buộc bởi các quy định về cán bộ công chức và điều lệ Đảng họ quyết tâm sinh thêm con thứ ba, thậm chí là thứ tư. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, tình trạng sinh con thứ 3 diễn ra ở vùng trung tâm, tập trung vào các gia đình khá giả là tình trạng phổ biến của nhiều địa phương cả nước chứ không riêng gì Nghệ An.
- Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Nghệ An tăng nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 là vì chúng ta “nới lỏng” các quy định về xử lý vi phạm. Theo bác sỹ, điều này đã đúng chưa, nhất là với đối tượng cán bộ, đảng viên?
- Từ đầu năm 2018, để phù hợp với tình hình mới, Nghệ An đã ban hành một số quy định mới, có nhiều thay đổi trong việc xử lý những trường hợp sinh con thứ 3 trở lên và không ghi rõ các hình thức xử phạt.
Cụ thể, theo Quyết định 11 (2018): Các đối tượng vi phạm trong trường hợp sinh con thứ 3 (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì bị xử lý theo: quy định hiện hành, bản cam kết, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị, quy định của hương ước, quy ước nơi cư trú, không được xét danh hiệu Gia đình văn hóa.
Có thể khẳng định rằng, những thay đổi về chính sách dân số của Nghệ An là phù hợp với tình hình địa phương trong giai đoạn mới và không phải là sự “nới lỏng” xử lý vi phạm đối với những trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Tuy nhiên, một số người dân, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên chưa hiểu hoặc cố tình hiểu sai, nhằm “lách luật” để sinh con thứ 3.
Hiện, toàn ngành dân số đang đổi trọng tâm công tác dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển có nghĩa chuyển trọng tâm từ giảm sinh thay bằng duy trì mức sinh thay thế, vững chắc. Tuy nhiên, Nghệ An không chỉ chưa đạt được mức sinh thay thế mà tỉ lệ sinh con thứ 3 còn cao hơn trung bình cả nước, là 1 trong 10 tỉnh có mức sinh cao thì nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số vẫn phải kiên trì, vận động mô hình 2 con; loại trừ ngay những tư tưởng sinh thoải mái và hiểu đúng tinh thần chính sách mới về dân số và phát triển.
Phát huy cơ cấu “dân số vàng” để phát triển
- Thưa bác sỹ, thực tế từ năm 2006, Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, một nửa dân số trong độ tuổi lao động là dân số trẻ, dưới 34 tuổi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, “dân số vàng” chỉ mới là “tiềm năng”; để biến “dân số vàng” thành cơ hội phát triển thì còn nhiều yếu tố khác. Ở Nghệ An lợi thế “dân số vàng” là gì và làm sao để phát huy được năng lực của lao động trẻ?
Tại tỉnh ta, hiện nay số dân trong độ tuổi lao động có hơn 2 triệu người, chiếm hơn 64%, đạt ngưỡng cơ cấu “dân số vàng”. Qua tính toán cứ mỗi năm, tỉnh ta có hơn 3 vạn người bước vào độ tuổi lao động.
Để phát huy năng lực lao động trẻ của tỉnh thì ngành dân số phải kịp thời tham mưu cho các cấp để duy trì mức sinh hợp lý nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình “già hóa dân số”. Đối với các ngành kinh tế thì cần tăng cơ hội việc làm, đa dạng hóa ngành nghề; mở rộng nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó, phân bổ lại nguồn lao động một cách hợp lý, có chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật, lực lượng lao động có trình độ về công tác tại các huyện miền núi.
- Nghệ An là một trong những tỉnh có dân số đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, chất lượng dân số lại đang chưa được đánh giá cao. Bác sỹ có thể đánh giá về chất lượng dân số của tỉnh hiện nay?
- Một cộng đồng dân số được coi là có chất lượng tốt nếu đảm bảo sự sinh tồn của mình. Đó là cộng đồng dân cư có sức khỏe tốt, có tỷ lệ người tàn tật, tỷ lệ người mắc bệnh thấp, có trình độ học vấn cao, có đời sống vật chất và tinh thần cao, được tự do phát triển, có sự gắn kết cộng đồng cao (có tính đoàn kết thương yêu nhau cao) và được đảm bảo về mặt an ninh.
Tuổi thọ người dân Nghệ An hiện đạt trung bình khoảng 74,5 tuổi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay con số này vẫn thấp hơn so với mức bình quân của cả nước.
- Chúng ta đều hiểu rằng, đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho nguồn lực con người - yếu tố tiên quyết của phát triển. Nhưng, trên thực tế, lâu nay công tác dân số vẫn chủ yếu là dựa vào bao cấp, chưa có sự đầu tư “xứng tầm”. Là người đứng đầu ngành dân số của tỉnh nhà, bác sỹ mong muốn điều gì trong giai đoạn hiện nay, nhất là với một tỉnh đặc thù như Nghệ An?
- Liên hợp quốc tính toán, nếu đầu tư 1 USD cho dân số thì chúng ta sẽ tiết kiệm được 31 USD cho các dịch vụ xã hội cơ bản. Điều đó cho thấy, giá trị của việc đầu tư đúng đắn vào công tác DS-KHHGĐ đã được thế giới đánh giá một cách khoa học, cơ bản. Nói cách khác, như khuyến cáo của Hội nghị Cai-rô: “Hãy ấn định nguồn ngân sách, vật chất, nhân lực tốt nhất cho Chương trình dân số”....
- Xin cảm ơn bác sỹ về cuộc trò chuyện!.