Trước hết, danh sách 23 cầu thủ công bố trước khi diễn ra trận đấu gặp ĐT Australia vào ngày 27/1 hẳn sẽ có đầy đủ bộ 3 SLNA gồm Nguyên Mạnh, Văn Đức và Xuân Mạnh, đồng nghĩa với việc Văn Hoàng vẫn tạm ngồi ngoài như lâu nay. Nhưng khả năng bắt chính trong trận đấu với đối thủ có thể hình tốt hơn có lẽ thuộc về Tấn Trường hơn là Nguyên Mạnh? Tất nhiên, trong trận đấu tiếp theo trên sân nhà gặp ĐT Trung Quốc, tin rằng Nguyên Mạnh sẽ trở lại bắt chính với niềm tin và hy vọng lớn hơn trong một trận đấu “tất tay” của thầy trò ông Park Hang-seo?
Ở hàng hậu vệ, ông Park Hang-seo dù thiếu Ngọc Hải nhưng sẽ tin dùng bộ ba trung vệ Tiến Dũng-Thành Chung- Hữu Tuấn nếu như ông thực sự muốn “làm mới, làm lại” triệt để như đã nói từ đầu năm 2022. Theo quan điểm đó, rất có thể đôi cánh lâu nay ông Park Hang-seo quen dùng là Văn Thanh-Hồng Duy sẽ được thay một trong hai cầu thủ nói trên và đó là lúc Xuân Mạnh có cơ hội ở bên cánh phải. Ở các trận đấu trước đây, Xuân Mạnh đã được vào sân ít phút như chỉ để làm nóng. Giờ đây, nếu có cơ hội, hy vọng Xuân Mạnh tạo được sự an tâm, tin cậy của ông thầy khó tính và “chiếm” luôn suất đá chính từ nay về sau.
Ở hàng tiền vệ, chắc chắn Hùng Dũng trở lại khi anh được tôn làm đội trưởng đội bóng thời kỳ mới. Có thể Hùng Dũng không chơi hết trận vì còn để dành vốn liếng cho trận gặp ĐT Trung Quốc. Người chơi cặp tiền vệ trung tâm là Hoàng Đức, dù cầu thủ này vừa trở lại sau khi dính Covid-19. Vấn đề đặt ra là Văn Đức sẽ được bố trí chơi tiền vệ lệch trái, người đối diện là Quang Hải hay ông Park sẽ đẩy Văn Đức lên chơi như một tiền đạo bên cạnh Công Phượng?
Hai cầu thủ gốc Nghệ này từng phối hợp tốt với nhau trong quá khứ là cơ sở để ông Park tìm sự lựa chọn thích hợp nhất cho vị trí của cả Văn Đức và Công Phượng. Nhưng trong thế trận bị áp đặt, đối thủ sẽ chơi tấn công để giành lợi thế và kiếm tối đa 3 điểm, chắc chắn đội hình ĐT Việt Nam sẽ bị ép xuống thấp và nhiệm vụ đặt ra cho Văn Đức khi phòng ngự là không hề nhẹ.
Khi có cơ hội chuyển trạng thái, Văn Đức tiếp tục được kỳ vọng trong những tình huống phản công chớp nhoáng. Ai ai cũng biết, lý thuyết là thế nhưng thực tế sẽ khó khăn vô cùng. Khi đối thủ chơi bóng bổng, nhịp độ nhanh, việc ngăn chặn đã khó nói gì đến tổ chức phản công mà không bị chặn đứng hoặc vô hiệu từ trong trứng nước.
Cũng rất khó để lấy kết quả trận lượt đi trên sân Mỹ Đình (0-1) để nói rằng đối thủ không hơn kém thầy trò ông Park bao nhiêu? Nên nhớ, cũng trên sân Mỹ Đình, ĐT Nhật Bản cũng chỉ thắng sát nút đội chủ nhà vỏn vẹn một bàn thắng, từ một pha tăng tốc không thể đeo bám của Minamino để Ito dứt điểm gọn ghẽ. Và chừng ấy là đủ, là có 3 điểm làm vốn. Đó là cách vận hành của các đội bóng chuyên nghiệp cao, đẳng cấp cao, không cần tung quá nhiều sức lực cho những điều không cần thiết vì phần lớn họ sẽ trở về CLB để thi đấu tiếp tục và giảm thiểu mọi ảnh hưởng từ quá trình tập trung thi đấu cho đội tuyển quốc gia.
Từ đó, có thể trên sân nhà, ĐT Australia sẽ thi đấu “nhiệt” hơn, tìm kiếm nhiều bàn thắng hơn nhưng dù sao tính chuyên nghiệp là điều sẵn có trong mỗi cầu thủ và HLV của họ nên mọi việc luôn được lập trình, định sẵn. Trừ khi ĐT Việt Nam có một trận đấu quật khởi, bùng nổ khiến mọi việc đi theo một chiều hướng khác, bất lợi cho đội chủ nhà thì sẽ có nhiều điều vượt ra khỏi thông lệ lâu nay của những đội bóng hàng đầu châu lục.
Rất khó để mong ĐT Việt Nam có một trận đấu 3 điểm trong điều kiện lực lượng bị xáo trộn trầm trọng. Nhưng không khó để mong các cầu thủ, trong đó có những người góp mặt từ SLNA thi đấu với ý chí ngoan cường, không khuất phục và cố gắng để lại một dấu ấn nào đó trong trận đấu này. Nguyên Mạnh từ ngày trở lại bắt chính ghi được những điểm cộng quý giá trong mắt đồng đội và ban huấn luyện. Văn Đức vẫn không lùi bước khi phía trước ngày một khó khăn. Xuân Mạnh chưa để lại dấu ấn gì vì thời gian vào sân quá ít, vậy nên hy vọng còn nguyên vẹn, còn nhiều cơ hội để khám phá và phát huy năng lực vốn có của mình.