Khi vượt qua vòng 2, dù có trận thua sát nút 2-3 trước UAE, ĐT Việt Nam vẫn mang đầy đủ sự háo hức và niềm tin về một quá trình đi lên trước các đối thủ hàng đầu châu lục.
Nhưng rồi qua từng trận đấu, các mục tiêu lần lượt được rút xuống, khi đẳng cấp, thực lực là một câu chuyện có thật, không thể dễ dàng vượt qua trong ngày một ngày hai và đó không thể là câu chuyện của ý chí và niềm tin đơn thuần.
Qua 5 trận đấu ở vòng 3, đồng nghĩa với việc ĐT Việt Nam đối đầu với đủ 5 đối thủ ở bảng B, mục tiêu “kiếm điểm chưa bao giờ khó khăn đến thế” như lời của ông Park Hang-seo cho thấy vị thế không thể khác của đội bóng đại diện khu vực Đông Nam Á.
Đẳng cấp của các đối thủ hàng đầu châu lục thể hiện ở chỗ khi đối thủ áp đặt thế trận, chơi nhanh, tìm đúng chỗ yếu để khai thác thì ngay lập tức họ có bàn thắng, như trong trận đấu nhàn nhã của ĐT Australia trên sân Mỹ Đình.
Cũng trên sân Mỹ Đình được coi là lợi thế của ĐT Việt Nam, chỉ cần 2 cầu thủ Nhật Bản tăng tốc là Minamino và Ito là đội khách có bàn thắng. Tương tự, cũng chỉ 2 cầu thủ của Arabia Saudi trong vòng cấm, hàng hậu vệ ĐT Việt Nam đủ quân nhưng vẫn chịu thua từ một cú đoạt, chuyền bổng và cú đánh đầu điệu nghệ của Al Shehri là có được kết quả cần thiết để chủ động giữ nhịp cả trận đấu sau đó của đội khách.
Ngay cả trước ĐT Trung Quốc, đội bóng láng giềng được xem là ít chênh lệch đẳng cấp nhất trong số 5 đội cùng bảng đấu, ĐT Việt Nam cũng dễ dàng rơi vào bẫy của đối thủ khi dâng cao hoặc không thể phá được các đường chuyền bổng để tiền đạo số 1 Wu Lei làm nên chuyện.
Vấn đề của ĐT Việt Nam sau 6 trận thua (thực chất là 7 trận thua liên tiếp) là nhận ra rõ ràng mình đang ở đâu và không để sụp đổ dây chuyền diễn ra. Thậm chí, qua từng trận thua sát nút, đội bóng đã có được nhiều kinh nghiệm bổ ích, thể hiện sự tiến bộ qua từng trận. Đội tuyển vẫn chơi phòng ngự-phản công nhưng không hề thụ động, bị động, bị ép chặt như thời kỳ đầu.
Đáng tiếc là những nhân tố nổi trội lúc này không nhiều để có thể làm nên một điều gì đó. Quang Hải chắc chắn là người giữ được phong độ ổn định nhất, tự tin nhất khi cầm bóng, xử lý bóng trong chân với nhãn quan chiến thuật có tầm vóc, gây được bất ngờ cho đối thủ, đồng thời tạo thuận lợi cho đồng đội khi nhận và xử lý bóng. Hoàng Đức chơi trận hay, trận dở. Đáng tiếc là trận gặp Arabia Saudi, tiền vệ trung tâm này thường xuyên bị vây ráp nên tỏ ra bối rối và kém linh hoạt hẳn, rất ít có cơ hội để chuyển trạng thái và làm ngòi nổ cho tấn công.
Người xem phần lớn tỏ ra sốt ruột khi gần như ông Park giữ nguyên bộ khung ra sân của ĐT Việt Nam từ lâu nay. Tất nhiên, đó là những trụ cột tốt nhất hiện có của đoàn quân áo đỏ. Tiếc rằng, đội ngũ dự bị còn có khoảng cách nên chiều sâu đội hình là vấn đề lớn gây nên cơn đau đầu khó chịu của ĐT Việt Nam.
Thành Chung được vào sân 3 lần trong số 7 trận vừa qua và may mắn cầu thủ này chơi tốt trong cả 2 trận gặp ĐT Nhật Bản và ĐT Arabia Saudi, sẽ là nhân tố quan trọng bù đắp cho sự quá tải của Tiến Dũng hoặc Duy Mạnh. Tấn Tài chơi xuất sắc trong 2 trận gặp ĐT Oman và ĐT Trung Quốc nhưng non về phòng ngự nên không có mặt ở 2 trận trên sân nhà gần đây? Đây hiện là câu hỏi với ông Park khi ông “bỏ” Tấn Tài, vẫn tin dùng Hồng Duy, nguyên cớ của các bàn thua liên tiếp của ĐT Việt Nam?
Đáng nói là Văn Đức sau thời gian liên tục được đá chính đã phải lùi về dự bị trong 3 trận gần nhất. 25 phút cuối trong trận gặp ĐT Arabia Saudi cho thấy nếu được cho phép chơi dâng cao như sở trường, cầu thủ SLNA chắc chắn sẽ trở lại “lợi hại hơn xưa”?
Đáng tiếc là sau những thử nghiệm với Thanh Bình, Tấn Tài, Thành Chung… ông Park đã dừng sớm nên cơ hội thử lửa của những cầu thủ khác cũng tắt ngấm. Dĩ nhiên, ở AFF Cup tới đây, ông Park chắc chắn không thử nghiệm cầu thủ vì nhiều lẽ. Rõ ràng, không thể vừa hy vọng ĐT Việt Nam chơi tốt ở vòng loại thứ 3, lại vừa là nơi rèn dũa cho các nhân tố mới?
Đi qua 6-7 trận đấu với đối thủ đẳng cấp cao hơn, không có gì phải thất vọng về việc ĐT Việt Nam bại trận liên tục. Trái lại, việc đội tuyển ngày một đoàn kết hơn, quyết tâm hơn, ít phạm lỗi sơ đẳng hơn, càng thi đấu càng sáng nước hơn… lại là những tín hiệu mừng gửi đến các đối thủ trong khu vực ở kỳ AFF Cup trong ít ngày tới. Đây là mục tiêu mới, vừa tầm, đủ khả năng làm được và người hâm mộ đặt trọn niềm tin vào ĐT Việt Nam – bảo vệ thành công ngôi vô địch AFF Cúp 2018!
Tất nhiên, ngay cả mục tiêu này cũng không phải cứ ra sân là lấy được Cup, giữ được Cup vàng. Vẫn phải là quyết tâm mới, hành động mới, bài vở mới khi đối thủ đang răm rắp tìm cách lấy lại ngôi vua, không chỉ ĐT Thái Lan mà cả ĐT Malaysia hay ĐT Indonesia.
Vì vậy, vòng 3 World Cup là một “cữ dượt” thực sự, thua trận là để học hỏi, hoàn thiện mình nhằm chứng minh một lần nữa vị thế, ngôi đầu của ĐT Việt Nam trong khu vực.