Virus “phủ sóng” rộng khắp
Kể từ khi lần đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, nằm ở miền Trung Trung Quốc, đến nay Covid-19 đã lan tới mọi châu lục, chỉ ngoại trừ châu Nam Cực. Các nhân viên y tế hiện đang phải chống chọi với những ổ dịch gây chết người tại Hàn Quốc, Iran và Italy, trong khi các nước khác cũng đang không kém phần gấp rút nỗ lực nhằm tránh rơi vào số phận tương tự thông qua việc chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở y tế công cộng, cảnh báo công dân nâng cao cảnh giác đồng thời áp các lệnh hạn chế đi lại đến các khu vực có dịch.
Đến thời điểm ngày 3/3, bên ngoài Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 172 ca tử vong do Covid-19, nâng số người chết trên toàn cầu do virus này lên 3.115.
Một số quốc gia đã ghi nhận các ca nhiễm hiện đang rốt ráo áp dụng các biện pháp hạn chế lây lan dịch bệnh, tiêu biểu như cho các trường học tạm nghỉ, khuyến khích người lao động làm việc từ xa và hủy bỏ hoặc giảm quy mô các sự kiện đông người… Tuy rằng WHO đến nay vẫn chưa phân loại sự việc nghiêm trọng do Covid-19 gây ra là một dịch bệnh toàn cầu, nhưng đã thẳng thắn cảnh báo rằng, đó là một khả năng hoàn toàn có thể xảy đến trong tương lai gần.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc của cơ quan giám sát y tế toàn cầu này đã đăng tải trên trang cá nhân Twitter hôm 3/3 nội dung: “Nhận thức và hiểu rõ một dịch bệnh là bước đầu tiên tiến đến việc đánh bại nó. Chúng ta đang ở trong một vùng lãnh thổ chưa khai phá với Covid-19. Trước đây chúng ta chưa từng chứng kiến một mầm bệnh đường hô hấp có khả năng lây nhiễm cộng đồng như hiện nay, nhưng nó vẫn có thể được kiềm chế bằng những biện pháp đúng đắn”.
Các nhà đầu tư cũng đang tính đến nguy cơ sự lây lan của Covid-19 có thể đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Điều này là khả dĩ, bởi dịch lan rộng tại Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới đồng thời là một nhà sản xuất lớn, đã dẫn tới nhiều nhà máy bị đóng cửa, tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo cập nhật mới nhất, tối thiểu 80.151 ca nhiễm đã được xác nhận tại Trung Quốc đại lục, khiến 2.943 người tử vong. Tuy nhiên, những tác động kinh tế của loại virus chết chóc này vượt xa khỏi phạm vi quốc gia tỷ dân, và hiện virus đang ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh và hành vi tiêu dùng trên toàn thế giới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hôm 2/3 đã cảnh báo rằng, virus Corona đã “ném” nền kinh tế thế giới vào “hố” sụt giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, và tăng trưởng có thể mất đi một nửa nếu dịch bệnh tiếp tục không có dấu hiệu suy giảm.
Những địa bàn phức tạp
Một điều đáng chú ý trong vài ngày qua, đó là dịch do virus Corona đang có dấu hiệu được kiểm soát ổn định ở nhiều khu vực của Trung Quốc sau nhiều tuần lễ áp đặt các biện pháp khẩn cấp và hạn chế đi lại, trong khi ở ngoài lãnh thổ nước này, các ca bệnh có vẻ như đang lan với tốc độ nhanh hơn nhiều. Trong ngày 2/3, WHO ghi nhận trong vòng 24 giờ đồng hồ, số ca mắc Covid-19 ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc cao gấp 9 lần so với số ca nhiễm mới phát hiện tại nước này. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc, ngày 2/3 xác nhận có thêm 125 ca nhiễm mới, trong đó 114 ca ở Hồ Bắc, nơi có “tâm dịch” là thành phố Vũ Hán. Ngoài Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Iran và Italy là những cái tên đang phải đối diện với các ổ dịch nghiêm trọng nhất.
Ngày 3/3, giới chức tại Seoul nói rằng hơn 4.800 ca nhiễm đã được xác định, khiến 28 người tử vong. Giới chức Italy cũng đã thông báo ít nhất 1.835 bệnh nhận bị nhiễm virus và 52 trường hợp tử vong. Còn Iran thông báo tối thiểu 1.500 ca và 66 ca tử vong, trong đó bao gồm một người là cố vấn của nhà lãnh đạo tối cao nước này Ayatollah Ali Khamenei.
Phản ứng trước thông tin đáng quan ngại này, một số láng giềng của Iran đã có động thái nhằm tránh lây lan dịch, bao gồm cả đóng cửa biên giới với nước này. Giới chức lục địa già cũng đang tiến hành các biện pháp phòng ngừa sớm. Một số chính phủ đang ngăn cấm các cuộc tụ tập đông người nhằm ứng phó với khả năng lây nhiễm cộng đồng, cũng như đóng cửa các khu vực công cộng chẳng hạn bảo tàng Louvre ở Paris hay nhà hát La Scala ở Milan. Các sự kiện đông người như chạy bán marathon ở Paris đã bị hủy bỏ, và một quan chức Pháp đã khuyến cáo không duy trì thói quen chào hỏi lâu đời của người dân xứ này là hôn 2 bên má nhằm tránh tiếp xúc gần tạo cơ hội cho lây truyền virus.
Đầu tuần này, tại cuộc họp báo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) đã nâng mức cảnh báo đối với chủng mới virus Corona từ trung bình lên mức cao, thể hiện quan ngại trước thực tế đã xác nhận hơn 2.000 ca nhiễm tại EU, trong đó đa số là ở Italy.
Tại Mỹ, số ca nhiễm cũng có xu hướng tăng lên, hiện đã có hơn 100 ca được xác nhận sau đợt tăng bệnh nhân mới ở bang Washington, nơi có 6 trường hợp đã tử vong. 4 trong số những trường hợp tử vong này cư ngụ tại một cơ sở ở Kirkland, ngoại ô Seattle, xóa bỏ quan ngại rằng virus đã lây lan khắp Washington trong vài tuần hoặc vài ngày trở lại đây. Đến thời điểm hiện tại, Washington vẫn là bang duy nhất của nước Mỹ có trường hợp ca mắc Covid-19 dẫn đến tử vong.
Tại các doanh nghiệp, các ca bệnh mới cũng thôi thúc họ có biện pháp chủ động của riêng mình. Chẳng hạn, Twitter đang đề nghị người lao động làm việc tại nhà, hãng vận tải Carnival Cruise đang thay đổi một số hành trình và Hiệp hội Bóng rổ Mỹ NBA lại đề nghị các cầu thủ tránh nhận quà từ người hâm mộ để ký tặng và khuyến cáo người lạ nên chào hỏi nhau bằng cách cụng nắm đấm thay vì đập tay nhau như trước. Dẫu vậy, các cơ quan chức năng y tế công liên bang của Mỹ đã phát đi một số kêu gọi bình tĩnh, chớ nên hoang mang lo sợ.
Hôm thứ Hai, Tổng thống Donald Trump cho biết ông vẫn đang cân nhắc tăng cường bổ sung các biện pháp hạn chế đi lại từ các quốc gia có các ổ dịch bùng phát nghiêm trọng. Phó Thủ tướng nước này Mike Pence, người được chỉ định đứng đầu lực lượng ứng phó với Corona của Mỹ, nói rằng các khuyến cáo đi lại mới đã được áp với Italy và Hàn Quốc, và bất kỳ ai đến Mỹ trên chuyến bay từ 2 nước này sẽ phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra rà soát trước khi đến được xứ cờ hoa. Ông cũng lưu ý người dân Mỹ rằng virus không hẳn là một mối đe dọa lớn, sau khi tham vấn giới chuyên gia đã đi đến nhận định rằng nguy cơ đặt ra đối với họ vẫn đang ở mức thấp.
Tóm lại, dù không thể và không nên quá hoảng sợ trước tình hình dịch virus Corona như hiện nay, song chủ quan và lơi là là những từ không thể nằm trong từ điển của thế giới trước Covid-19. Chỉ một động thái nhỏ của một vài quốc gia, vùng lãnh thổ cũng mang tính quyết định liệu có đẩy nhân loại đến lằn ranh “dịch bệnh toàn cầu”, và cũng định đoạt liệu chúng ta có chế ngự được “vùng lãnh thổ chưa khai phá” do Covid-19 hay không?