Sự kiện đáng chú ý
Cuối cùng thì “món quà Giáng sinh” đã không tới như tuyên bố của Triều Tiên, trong khi động thái nhượng bộ của Mỹ trước các lời đe dọa của Triều Triên cũng chẳng xuất hiện. Chưa có thêm tiến triển nào đối với Bán đảo Triều Tiên vào những ngày cuối cùng của năm 2019. Thay vào đó là một cuộc họp bất thường của Trung ương đảng Lao động Triều Tiên để thảo luận về “các chính sách quan trọng cho chiến thắng mới trong cuộc cách mạng”.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chủ trì cuộc họp trong ngày 28/12. KCNA cho biết thêm: “Xác định hướng đi của đảng Lao động Triều Tiên cũng như của đất nước và các chính sách quan trọng cho chiến thắng mới trong cuộc cách mạng của chúng ta trong tình hình hiện nay là những nội dung được đưa ra thảo luận trong ngày họp đầu tiên”. KCNA không cho biết thông tin cụ thể nào khác thêm nhưng khẳng định cuộc họp sẽ tiếp tục diễn ra. Theo đánh giá, nhiều khả năng kỳ họp lần này có thể kéo dài nhiều ngày.
Cuộc họp được xem là động thái đáng chú ý mới nhất của Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng hồi đầu tháng này thông báo sẽ tổ chức họp để quyết định về “các vấn đề quan trọng”. Điều này cũng làm dấy lên những đánh giá cho rằng Bình Nhưỡng có khả năng đưa ra các quyết định về chính sách, có thể liên quan tới quá trình đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ với Mỹ. Hiện cũng có quan ngại rằng Bình Nhưỡng có thể nối lại các hành động leo thang quân sự như phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Triều Tiên đã đưa ra thời hạn chót cuối năm nay Mỹ phải đưa ra đề xuất mới để thúc đẩy đàm phán hạt nhân đang bế tắc. Tuần trước, Triều Tiên cảnh báo thời hạn chót đang đến gần và việc Mỹ sẽ nhận được “món quà Giáng sinh” gì từ Bình Nhưỡng là tùy thuộc vào quyết định của Washington. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện không lo ngại về cảnh báo "món quà Giáng sinh" của Triều Tiên, khẳng định Mỹ sẽ "đối phó thành công" việc này.
Triều Tiên còn đủ kiên trì?
Có thể thấy, những lo ngại về khả năng leo thang căng thẳng tới mức đổ vỡ sau những tuyên bố cứng rắn của Triều Tiên có thể tạm đặt sang một bên. Giờ là lúc cần phải dự báo xem chiến lược sắp tới của Bình Nhưỡng là gì? Họ có sẵn lòng để lại ngồi vào bàn đàm phán và kiên trì để đi tới mục tiêu của mình hay không?
Tin vui là khả năng Triều Tiên để dành thêm thời gian cho hòa bình là rất cao. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin giấu tên hồi tuần cho biết Triều Tiên có lý do để tiếp tục đàm phán hạt nhân với Mỹ, nhưng nước này có thể xem xét thời điểm dựa trên đánh giá về vận mệnh chính trị của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn đang phải đối mặt với phiên tòa luận tội.
Theo nguồn tin, mặc dù phiên xét xử ở Thượng viện Mỹ được cho là sẽ dẫn đến việc tuyên trắng án đối với Tổng thống Mỹ về các cáo buộc cản trở Quốc hội và lạm quyền, nhưng Triều Tiên có thể đợi cho đến khi nền tảng chính trị của chính quyền Tổng thống Trump trở nên vững chắc hơn mới tiếp tục đàm phán.
Bình Nhưỡng đã lo ngại rằng việc đưa ra danh sách về các vũ khí hạt nhân, vật liệu và các địa điểm liên quan của nước này - một bước phi hạt nhân hóa quan trọng mà Mỹ từng yêu cầu - có thể đồng nghĩa với việc biến chúng thành mục tiêu của các cuộc tấn công tiềm ẩn mà không nhận được sự đảm bảo an ninh rõ ràng từ Mỹ. Nguồn tin này chỉ ra rằng việc thực hiện một bước như thế khi số phận của Chính phủ Mỹ đương nhiệm vẫn chưa rõ ràng sẽ là mối quan ngại chính của Bình Nhưỡng.
Yếu tố nào quyết định sự thành công?
Việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ các loại vũ khí hạt nhân để đổi lấy giải tỏa các lệnh cấm vận kinh tế là nội dung cốt lõi của các cuộc đàm phán hạt nhân. Tuy nhiên, cần nhắc lại rằng phát triển kinh tế là cần thiết nhưng không phải là yếu tố quyết định cái gật đầu của Bình Nhưỡng. Bằng chứng là tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên hồi tháng 2 tại Hà Nội, mọi điều kiện đã gần như hoàn hảo để đôi bên kết thúc nhiều thập kỷ đối đầu và đe dọa hạt nhân. Nhưng rốt cục, mọi việc đã đổ bể trong sự giận dữ và thất vọng. Dư luận lên tiếng chỉ trích Triều Tiên không muốn từ bỏ hạt nhân mà chỉ trông chờ Mỹ ngừng cấm vận. Thực tế là phía Mỹ cũng có lỗi trong chuyện này.
Tổng thống Donald Trump đã mắc ít nhất 2 sai lầm chính ở Singapore trong cuộc gặp song phương năm 2018. Ông không yêu cầu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un định nghĩa rõ ràng “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”. Mỹ cho rằng cụm này có nghĩa là Triều Tiên đơn phương phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, Triều Tiên cho rằng trước hết Mỹ cần loại bỏ “mối đe dọa hạt nhân” đối với đất nước họ. Bất đồng này kéo dài sang năm 2019 và là mấu chốt của sự đình trệ hiện tại.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng cam kết chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, lời hứa mà quân đội của ông không thể thực hiện. Các cuộc tập trận được thu nhỏ quy mô nhưng không bị xóa bỏ hoàn toàn, bởi liên quân Mỹ - Hàn cần thực hiện chúng để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đó là nguyên nhân chính khiến Triều Tiên cảm thấy bị phản bội và không còn bắt buộc phải giữ lời hứa. Việc tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa hẹn về “một tương lai tươi sáng” cho Triều Tiên, tức triển vọng hợp tác kinh tế, chỉ khi họ từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân, cũng vẫn là chưa đủ. Cốt lõi trong lợi ích của Triều Tiên vẫn là an ninh và điều này phải được kiểm chứng. Chừng nào chưa tạo ra được sự đảm bảo nào rõ ràng, lời hứa của Washington về “các giao dịch lớn”, và những khoản đầu tư sẽ vẫn chỉ là canh bạc mơ hồ và nhiều rủi ro trong mắt Bình Nhưỡng.