(Baonghean.vn) - Đây là thực trạng được Trường THCS Yên Na, xã Yên Na, huyện Tương Dương phản ánh với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa Xã hội, HĐND tỉnh việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện này và chiều 16/11.

1510830750110.jpgĐoàn công tác khảo sát cơ sở vật chất của bếp ăn cho học sinh bán trú tại Trường THCS Yên Na, Tương Dương. Ảnh: Hoài Thu

Đoàn công tác do bà Nguyễn Thị Lan - Phó Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, khảo sát tại 2 trường THCS Yên Na và Lưu Kiền của huyện Tương Dương. Đây là 2 trường thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của huyện và nằm trong danh sách huyện Tương Dương đề nghị bổ sung xây dựng thành trường phổ thông dân tộc bán trú.

Năm học 2017 - 2018, quy mô Trường THCS Yên Na là 8 lớp và 248 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó học sinh đồng bào Khơ mú chiếm 1/3. Yên Na có 9 bản thì có 6 bản cách trường trên 7km và đi qua nhiều đập tràn, mùa mưa học sinh đi học rất nguy hiểm.

Hiệu trưởng Trường THCS Yên Na Hoàng Liên Sơn cho biết, vài năm trở lại đây có ngày càng nhiều học sinh mong muốn được bán trú nên trường xin bổ sung chuyển đổi mô hình trường lớp.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là xây dựng cơ sở vật chất. Qua một thời gian vận động ủng hộ của người dân và các cấp cùng tập thể giáo viên trường đã xây dựng được 4 phòng bán trú và 1 bếp ăn phục vụ học sinh.

Thầy Hoàng Liên Sơn cũng cho biết: “Hiện 1 dãy nhà 8 phòng học đã xuống cấp trầm trọng nên không thể sử dụng. So với diện tích hiện có của trường nếu đáp ứng đủ yêu cầu thì cần xây phòng học cao tầng để tiết kiệm diện tích. Trường có 94 học sinh ở nội trú trong 4 phòng nên rất chật chội. Theo số liệu phổ cập giáo dục thì đến năm học 2020 - 2021 dự kiến có 308 học sinh các khối lớp nên việc quy hoạch trường lớp, xây dựng trường bán trú là rất cần thiết”.

Học sinh Trường THCS Yên Na lao động dọn dẹp vệ sinh trường lớp. Ảnh: Hoài Thu

Tại Trường THCS Lưu Kiền, theo đề nghị của UBND huyện Tương Dương thì đây là trường có nhu cầu bổ sung vào danh sách trường bán trú của huyện.

Báo cáo với đoàn công tác, hiệu trưởng Trường THCS Lưu Kiền Đinh Xuân Hồng cho biết, mỗi năm học, trường có 8 lớp với trên 200 học sinh.

Xã Lưu Kiền có 6 bản thì có 3 bản cách xa trường, đường sá đi lại khó khăn nên hầu hết học sinh đều có nhu cầu ở bán trú để học tập, vì thế trường đã xây dựng “Đề án thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền” và đã được UBDN huyện phê duyệt. Hiện trường có 132/228 học sinh đang ở bán trú tại trường.

Tuy nhiên, khuôn viên hiện tại của trường quá nhỏ nên chỉ đủ phòng cho 42 học sinh của bản xa nhất ở bán trú, còn lại 90 em đang phải làm lán ở tạm hoăc thuê ở khu vực gần trường.

Ông La Văn Bống - Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền cho biết thêm, xã và huyện đã phê duyệt quy hoạch xây dựng và khi có kinh phí sẽ ưu tiên xây dựng nhà bán trú cho học sinh trước tiên.

Đoàn công tác thăm các nhà tạm của học sinh Trường THCS Lưu Kiền thuê trọ gần trường. Ảnh: Hoài Thu

Tại các cuộc làm việc, bà Nguyễn Thị Lan - Phó Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận những phản ánh của cơ sở và cho biết qua khảo sát thực tế đoàn sẽ tổng hợp trình lên các cấp có thẩm quyền để hoàn chỉnh nội dung chuẩn bị cho việc báo cáo trước kỳ họp HĐND tỉnh về vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh.

Tại các cuộc làm việc, đoàn công tác cũng đã tặng hoa và quà chúc mừng tập thể cán bộ giáo viên các nhà trường nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Hoài Thu 

TIN LIÊN QUAN