Nhiều đại biểu Quốc hội trông đợi phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này sẽ sôi nổi, nội dung cặn kẽ, sâu sát hơn.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV diễn ra trong 3 ngày, sẽ bắt đầu từ ngày 16/11 đến hết ngày 18/11, với phần trả lời của các Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Dự kiến, chiều 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ có trọn một buổi làm việc để trực tiếp trao đổi, trả lời chất vấn của đại biểu. 

Từ trái qua phải: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng; Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trả lời các nhóm vấn đề về công tác quản lý thuế, giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, đảm bảo nền tài chính an toàn bền vững, quản lý nợ công hiệu quả. Còn những vấn đề liên quan điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động của ngân hàng yếu kém và giải pháp an toàn cho cả hệ thống ngân hàng sẽ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời làm rõ.

Lần đầu tiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn sẽ giải đáp các thắc mắc về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, quản lý báo chí, các giải pháp kiểm soát thông tin xấu, độc trên mạng xã hội... Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhân sự, hành chính nâng cao năng lực công chức ngành toà án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp…

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho biết, có những đại biểu nói tại sao không đưa BOT vào hay đưa lĩnh vực Y tế vào chất vấn. Thực ra những lĩnh vực này đã có giải trình. Không đưa vào chất vấn tại hội trường không có nghĩa là bỏ và không quan tâm. Đại biểu có thể gửi câu chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và nhận câu trả lời văn bản về báo cáo cử tri. Nếu làm sớm thì hết kỳ họp đại biểu có thể nhận câu trả lời để báo cáo cử tri sau kỳ họp Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.

Thường xuyên đặt câu hỏi chất vấn và theo đuổi đến cùng nội dung trả lời của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng: “Những đại biểu chất vấn và tranh luận lại phải là người hiểu biết thực sự, còn bênh vực theo ngành, tập trung xử lý vấn đề cá nhân, thậm chí nói dối thì hiệu ứng ra ngoài đánh giá mới khủng khiếp. Thứ hai, chủ tọa phải hết sức linh hoạt. Các cuộc chất vấn như lần trước chủ tịch điều hành rất linh hoạt và phải giữ nguyên tắc”.

Khác với các phiên chất vấn trước đây, tại kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội dành gần trọn một buổi để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trước đây, khi danh sách các đại biểu Quốc hội muốn chất vấn Thủ tướng kéo rất dài mà hầu hết không có thời gian để lãnh đạo Chính phủ trả lời, thường phải dành để giải đáp bằng văn bản thì đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ có trọn 2,5 giờ làm việc để trực tiếp trao đổi, trả lời chất vấn của đại biểu. Nhiều đại biểu Quốc hội trông đợi phiên chất vấn với Thủ tướng lần này sẽ sôi nổi, nội dung cặn kẽ, sâu sát hơn.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) kỳ vọng: “Các kỳ chất vấn, Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tất cả mọi vấn đề chung. Đương nhiên các Tổng tư lệnh ngành theo trình tự cũng đã trình bày những vấn đề trọng yếu của ngành. Thủ tướng sẽ trả lời những vấn đề chung nhất, về cơ chế chính sách, đường hướng, đặc biệt khắc phục khiếm khuyết giai đoạn trước và triển khai giai đoạn sau. Việc đó dẫn tới những định hướng Chính phủ triển khai tiếp trong thời gian tới”.

Đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai), các phiên chất vấn, thời lượng có hạn nhưng mang lại hiệu ứng thông tin, quan trọng hơn là tìm ra giải pháp và từ giải pháp tìm ra hậu chất vấn, xem giải pháp đó thực hiện đến đâu. Qua chất vấn người dân có quyền giám sát lời hứa của các “tư lệnh ngành”. Đây là điều kiện để nhân dân giám sát, bên cạnh giám sát của Quốc hội thì giám sát của xã hội rất quan trọng, nhất là thế giới thông tin lớn, không thể không tạo ra áp lực đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành:

“Chất vấn mang lại cho đất nước cái gì, sự nhận thức và chuyển động phải thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn và có giám sát trên cơ sở chia sẻ của cử tri chứ không một chiều. Hiệu quả cuối cùng trên diễn đàn chính là sự chia sẻ chứ không phải đối lập với nhau. Ngược lại không nên dùng “bị chất vấn” mà coi đây là “được chất vấn” vì đây là  cơ hội các vị có trách nhiệm nói trước công chúng, khẳng định những đóng góp và nhận ra sai lầm của mình , đồng thời tìm ra giải pháp tốt nhất mà chính đại biểu Quốc hội thúc đẩy, tạo môi trường” – đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ kỳ vọng, việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng sẽ làm hài lòng đại biểu và cử tri cả nước. Không khí của phiên chất vấn phải là phiên tranh luận, đối thoại giữa các Bộ trưởng và đại biểu Quốc hội. Các Bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm trả lời chất vấn phải gọn, đúng trọng tâm, giải đáp những băn khoăn và đưa ra giải pháp, định hướng để triển khai trong thời gian tới./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN