Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ngân sách quốc phòng Mỹ cho năm tài chính 2019 với số tiền khoảng 716 tỷ USD, nhiều hơn 3% ngân sách quốc phòng năm 2018  (20 tỷ). PGS.TS - Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược khoa học Bộ Công an có cuộc trao đổi với Báo Nghệ An về vấn đề này.
2ed9625231_2082018.jpgVới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn Đạo luật ủy nhiệm quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2019 (từ ngày 1/10/2018 - 30/9/2019) ngân sách quốc phòng của nước Mỹ đã tăng lên con số cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây với con số hơn 716 tỉ USD. Nguồn ảnh: Internet

PV: Thưa Thiếu tướng Lê Văn Cương, ông có thể cho biết tại sao chính quyền Donald Trump lại tăng ngân sách quốc phòng lên 716 tỷ USD trong bối cảnh hiện nay?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ngân sách quốc phòng Mỹ cho năm tài chính 2019 với số tiền khoảng 716 tỷ USD, nhiều hơn 3% ngân sách quốc phòng năm 2018, chiếm 35% ngân sách quốc phòng toàn cầu. Đây là một ngân sách khổng lồ về quốc phòng và lớn nhất từ trước đến nay.

Trong chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump công bố tháng 12/2017 và chiến lược quốc phòng tháng 1/2018, chính quyền Donald Trump lần đầu tiên xác định Trung Quốc và Nga là những đối thủ cạnh tranh chủ yếu, bởi các nước này đang đe dọa tới lợi ích và an ninh quốc gia của Mỹ trên phạm vi toàn cầu cũng như các khu vực trọng điểm, chiến lược của Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ngân sách quốc phòng Mỹ cho năm tài chính 2019 với số tiền khoảng 716 tỷ USD, nhiều hơn 3% ngân sách quốc phòng năm 2018 (20 tỷ). Nguồn: Quân đội Mỹ
Theo quan điểm của chính quyền Donald Trump, Trung Quốc và Nga hiện nay đã trở thành đối thủ tác chiến chủ yếu của quân đội Mỹ. Lý giải cho điều này là vì, tại châu Âu - Đại Tây Dương, Nga là kẻ thù chủ yếu của Mỹ và Liên minh châu Âu, còn ở châu Á - Thái Bình Dương thì Trung Quốc là lực lượng đối trọng chủ yếu của Mỹ và các đồng minh. Mặt khác, trong các kỳ báo cáo quốc phòng hàng quý của chính quyền Donald Trump nói rằng: Trung Quốc đang phát triển những công nghệ vệ tinh phá vệ tinh của Mỹ, Bắc Kinh cũng phát triển phương tiện chiến tranh hiện đại đe dọa lợi ích của Mỹ và Thái Bình Dương.
Cũng theo công bố của Lầu Năm Góc, trong năm tài khóa 2019 Quân đội Mỹ sẽ nâng cấp và đưa vào trang bị mới hàng nghìn phương tiện bọc thép mới trong đó có 135 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEP V2/3 Abrams, đây cũng là cấu hình mạnh nhất của dòng xe tăng này. Nguồn ảnh: Quân đội Mỹ.

Về phía Nga, cuộc xung đột ở Donbass phía Đông của Ukraine cùng chiến trường Syria, chứng tỏ Nga là một đối thủ quân sự chủ yếu của Mỹ ở khu vực Châu Âu - Đại Tây Dương.

Theo tôi đây là nguyên nhân trực tiếp, là cơ sở để chính quyền Donlad Trump thuyết phục quốc hội thông qua việc tăng ngân sách quốc phòng khổng lồ 716 tỷ USD nhằm đối phó với Trung Quốc và Nga.


PV: Thưa thiếu tướng, việc Hoa Kỳ tăng ngân sách quốc phòng như vậy có ảnh hưởng gì đến mối quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung Quốc và có kích thích cuộc chạy đua vũ trang sắp tới không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc Mỹ tăng ngân sách quốc phòng khổng lồ 716 tỷ trong đó sẽ dành 616,9 tỷ USD cho ngân sách của Lầu Năm Góc, 69 tỷ USD cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài và 21,9 tỷ USD cho các chương trình vũ khí hạt nhân. NDAA (Luật Ủy quyền Quốc phòng) cho phép chi 7,6 tỷ USD mua 77 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 của tập đoàn Lockheed Martin.

Mỹ sẽ chi 69 tỉ USD cho các chiến dịch quân sự bất thường ở nước ngoài và gần 617 tỷ cho các hoạt động cơ bản của Lầu Năm Góc, cùng với đó là việc bổ sung thêm 15.600 quân và tăng 2.6% lương cho binh sĩ của nước này...Nguồn ảnh: Quân đội Mỹ.

Cộng thêm vào đó là khoản ngân sách dành cho đóng mới 13 tàu chiến mới, 1 tàu ngầm, 6 tàu phá băng và 3 tàu chiến duyên hải… Như vậy quyết định tăng ngân sách quốc phòng vào lĩnh vực và địa bàn trọng điểm này có thể ngầm hiểu rằng, Mỹ mục đích đang hướng đến Trung Quốc và Nga.

Tất nhiên, Trung Quốc và nhiều đối trọng khác của Mỹ, trong đó có Nga ngay lập tức đã phản ứng đặc biệt gay gắt với đạo luật Quốc phòng của Mỹ. Chỉ một ngày sau khi Luật Ngân sách Quốc phòng Mỹ 2019 được thông qua, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối đạo luật và cho rằng nó nhằm “chống lại” Trung Quốc. Đồng thời kêu gọi Mỹ từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh cũng như khách quan xem xét lại quan hệ với Trung Quốc khi người phát ngôn của Bộ quốc phòng Trung Quốc cũng cho rằng: “Mỹ đang khơi dậy một tư tưởng chiến tranh lạnh trong thời kỳ mới”.

Trung Quốc và Nga đều phản đối việc tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ, bởi theo họ việc này không mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ và đi ngược lại với xu thế chủ yếu của thế giới là hòa bình, hợp tác, phát triển.
NDAA 2019 cũng đánh dấu việc Washington đầu tư mạnh trở lại cho lực lượng hải quân với 24.1 tỷ USD dành cho việc mua sắm 13 tàu chiến mới, trong đó có cả các tàu sân bay thế hệ mới lớp Gerald R. Ford cũng như khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường Arleigh Burke. Nguồn ảnh: Quân đội Mỹ.
Ngoài ra, NDAA 2019 còn phân bổ 7,6 tỉ USD để mua 77 chiếc F-35 dòng chiến đấu cơ tàng hình mới nhất của Mỹ đồng thời cũng đánh dấu việc Lầu Năm Góc chấp nhập đưa F-35 vào trang bị hàng loạt. Nguồn ảnh: Quân đội Mỹ.

Trước bối cảnh đó, Trung Quốc và Nga có chịu “ngồi yên” hay không là điều chưa ai dự đoán được. Theo giới phân tích, không sớm thì muộn, Trung Quốc và Nga cũng sẽ có những bước đi mới nhằm điều chỉnh chính sách an ninh - quốc phòng của mình để ứng phó với Mỹ. Vì Trung Quốc có nguồn tài chính khổng lồ, có dự trữ ngoại tệ là 3112 tỷ USD và họ có thể sẵn sàng chi thêm hàng chục tỷ USD để nghiên cứu sản xuất, mua sắm cho phương tiện chiến tranh hiện đại.

Còn về phía Nga, dù khó khăn kinh tế nhưng cũng không để Mỹ đe dọa và chính quyền Putin chắc chắn sẽ chi thêm ngân sách, trang bị vũ khí hiện đại. Đặc biệt, Nga sở hữu tên lửa siêu thanh với tốc độ bay 10.000km/h mà toàn bộ lực lượng tác chiến của Anh hay của Mỹ cũng không có khả năng để ngăn chặn tên lửa này.

Tên lửa siêu thanh Kinzhal lắp dưới bụng máy bay đánh chặn MiG-31K. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Cũng còn một yếu tố nữa phải tính đến, đó là khả năng cuộc đua vũ trang giữa các cường quốc lại trở lại sau quyết định tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục của Mỹ. Theo tôi căn cứ vào tiêu chí chạy đua vũ trang, có thể nói rằng việc tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn chưa dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang công khai và quy mô lớn. Nhưng thực chất giữa 3 cường quốc hàng đầu thế giới này họ đang “âm thầm” chạy đua với nhau, cho nên cũng lôi kéo nhiều quốc gia ở các khu vực  "âm thầm" mua sắm, trang bị thêm vũ khí...

PV: Theo ông, việc chính quyền Donald Trump tăng ngân sách quốc phòng như vậy có tác động gì đến an ninh khu vực châu Á -  Thái Bình Dương?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chính quyền Donald Trump tăng ngân sách quốc phòng lên 716 tỷ USD thì buộc Hàn Quốc, Nhật Bản…và các đồng minh của Mỹ cũng phải tăng theo. Qua đó sẽ dẫn đến bức tranh châu Á - Thái Bình Dương cả Mỹ và Trung Quốc hay các cường quốc khu vực đều phải tăng ngân sách quốc phòng. Điều này làm cho lòng tin giữa Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, các nước trong khu vực suy giảm, dẫn tới tình trạng chính trị an ninh khu vực ngày càng phức tạp, căng thẳng và khó kiểm soát.

Lầu Năm Góc còn rót thêm tiền cho chương trình phát triển máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ mới B-21, tuy nhiên ngân sách được cấp thêm cho chương trình này lại không được công bố. Nguồn ảnh: Quân đội Mỹ.

PV: Mỹ có quan hệ tất cả các điểm nóng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như chương trình hạt nhân tên lửa Triều Tiên, eo biển Đài Loan, Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là biển Đông. Mỹ tăng ngân sách quân sự như vậy có tác động như thế nào đến việc tranh chấp giữa các điểm nóng này, đặc biệt Biển Đông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tại bán đảo Triều Tiên, khi chính quyền quân sự Mỹ tăng ngân sách quân sự khổng lồ như vậy thì chính quyền Kim Jong-un chắc chắn suy giảm lòng tin đối với chính quyền Donald Trump. Đích thân ông Kim Jong-un cho rằng những cam kết của Donald Trump 12/6 tại Singapore không đáng tin cậy. Chính sách tăng ngân sách quốc phòng này sẽ khoét sâu thêm lòng tin chiến lược giữa Mỹ và Triều Tiên, nguy cơ làm cho quan hệ Mỹ và Triều Tiên lại trở lại căng thẳng. 

Cùng với xe tăng Abrams là 60 xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley, 197 xe thiết giáp đa nhiệm, 38 phương tiện cơ giới cải tiến và 3.390 xe tác chiến hạng nhẹ JLTV. Nguồn ảnh: Quân đội Mỹ.

Với các điểm nóng khác, Trung Quốc nghi ngờ Mỹ nhiều hơn và tác động đến biển Đông. Theo đó Trung Quốc lấy cớ Mỹ tăng ngân sách quốc phòng để tăng cường lực lượng hải quân, tiếp tục khống chế và quân sự hóa biển Đông.

Tôi cho rằng tăng phản ứng dây chuyền trong quá trình giải quyết các điểm nóng khu vực sẽ làm cho việc giải quyết điểm nóng này ngày càng khó khăn phức tạp trên nền tảng giảm lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực.

PV: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Kỹ thuật: Hữu Quân