Khởi nghiệp thì cần vốn đầu tư nhưng quan trọng nhất vẫn là khát vọng, là ý chí sáng tạo để tìm ra những lợi thế và giải quyết khó khăn khi khởi nghiệp.
Chiều 10.12, tại Hà Nội, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì diễn đàn: Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới, cùng dự còn có Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh; Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11, nhiệm kỳ 2017 - 2022 có sự tham gia diễn đàn của 150 đại biểu.
Trong ngành nông nghiệp, nhiều mặt hàng số lượng nhất, nhì thế giới nhưng bản chất nền nông nghiệp vẫn là năng suất lao động, năng suất kinh tế còn thấp so với 2 khu vực kinh tế khác cho nên hiệu quả kinh tế đến người dân thấp, thu nhập không cao.
Nền nông nghiệp dự trên quy mô hộ nhỏ lẻ. Việt Nam đang có khoảng 10 triệu hộ nông dân, 77 triệu miếng ruộng, đất đai manh mún mà đi lên sản xuất hiện đại rất khó khăn, giá thành sản xuất cao và khó quản trị về chất lượng.
Nông nghiệp Việt Nam đang hội nhập quốc tế, lợi thế là mở thị trường nhưng hàng hoá nước ngoài vào cũng nhiều nên cạnh tranh ban đầu rất gay gắt. “Chỉ tính trong năm 2014 - 2015, có những năm tới 350.000 con trong khi đàn bò chỉ có 5 triệu là áp lực rất lớn”, ông Cường nói.
Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thanh niên là lực lượng nòng cốt quan trọng, vừa là chủ thể vừa tham gia tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. “Thanh niên hãy quan tâm đến nông nghiệp nông thôn”, ông Cường khích lệ.
Người đầu tiên chia sẻ tại diễn đàn, anh Phan Thanh Sang (đại biểu Tỉnh đoàn Lâm Đồng), cho biết cá nhân khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên với mô hình trồng hoa lan. Cho đến nay, anh Sang đã mở được trang trại trồng hoa ở Ninh Thuận, nơi mà nhiều người luôn nghĩ khó có thể trồng hoa.
Qua kinh nghiệm thực tiễn, đại biểu Sang cho rằng, nông nghiệp truyền thống là nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Nhưng nông nghiệp ngày nay, giống phải là quan trọng hàng đầu. Khi có giống mới, giống tốt là đã có lợi thế cạnh tranh. Việt Nam là đất nước nông nghiệp nhưng ngành giống Việt Nam đang còn yếu, đi sau nhiều nước phát triển khi họ có nhiều tập đoàn giống từ hàng trăm năm. “Bộ NN - PTNT cần đặc biệt quan tâm đến giống và quy định nhập khẩu giống phải mất 3 - 5 năm như quy định hiện nay đang là rào cản cho sự phát triển ngành giống của nông nghiệp tại Việt Nam”, đại biểu Sang kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến này, ông Cường cho rằng, nhiều loại giống trong nông đang là vấn đề phải tập trung cải thiện mạnh mẽ, khi hiện nay nhiều loại giống rau, quả vẫn phải đi nhập từng hạt. Đối với các quy định nhập khẩu giống, thời gian tới khi Bộ NN - PTNT sẽ nghiên cứu để loại bỏ những quy định đang là rào sản của ngành này.
Đại biểu Vương Mạnh Phú, Bí thư Huyện đoàn Bát Xát, tỉnh Lào Cai đặt vấn đề tại diễn đàn, ở miền núi thanh niên chỉ có thể khởi nghiệp trong nông nghiệp nhưng vùng núi thì khó khăn về đất đai sản xuất, thiếu vốn để đầu tư. “Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ ra sao để giúp thanh niên khởi nghiệp trong nông nghiệp”, đại biểu Phú đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, từ khi có đường cao tốc Lào Cai đang có nhiều lợi thế. Đường về Hà Nội đã thuận lợi hơn, đặc biệt là giáp với Trung Quốc thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thanh niên có thể khởi nghiệp bằng các mô hình sản xuất, các hợp tác xã, doanh nghiệp trong nông nghiệp. Bất kể ở đâu, vùng đất hay khu vực nào đều có những mặt thuận lợi và bất lợi, vấn đề thanh niên phải tìm ra và khai thác lợi thế. “Thanh niên khởi nghiệp thì vốn là đầu tiên, tiền ở đâu vì làm gì cũng phải có tiền. Nhưng vốn không phải là tất cả, mà quan trọng hơn là khát vọng của tuổi trẻ, là ý tưởng sáng tạo, là khoa học kỹ thuật…Nếu có khát vọng, thanh niên sẽ tìm ra lợi thế và giải pháp giải quyết những khó khăn khi khởi nghiệp”, ông Cường nói.
Theo thanhnien.vn