L.T.S:Đâu đó trong xã hội ngày nay, người vùng cao vẫn duy trì tập tục “trộm vợ”. Ngoài một số câu chuyện trộm vợ theo kiểu “bắt cóc” rất hiếm gặp, thì về căn bản, đấy là một tập tục đẹp và nhân văn. Chuyên trang DT-MN, Báo Nghệ An xin giới thiệu chuyên đề “về tục trộm vợ” giúp bạn đọc có những hình dung chân thực hơn về một hiện tượng trong tục cưới của người vùng cao…
Bài 1: “Trộm phép” mẹ cha
Tháng mười một, tháng chạp (âl), người Thái Mường Chai (xã Chi Khê - Con Cuông ngày nay) sẽ bước vào mùa cưới. Trong màn mưa dầm dề, chúng tôi tìm đến ông Lương Võ trú bản Liên Đình, nghe kể chuyện tục “trộm vợ”. Cụ năm nay đã qua tuổi 85, còn nhớ không thiếu chuyện gì kể từ ngày biết nhận ra mặt người trong bản đến giờ...
“Thật ra thì chuyện trộm vợ có gì lạ đâu”, ông Võ bắt đầu câu chuyện với vẻ bình thản của người già lão, sống lâu biết nhiều. Người Thái mình từ ngày xưa đến giờ vẫn tự do tìm hiểu. Nhà có con gái lớn rồi kiểu gì ban đêm cũng có con trai đến nhà ngồi tâm sự. Khi thân thiết hơn thì có thể nằm chung chăn. Một buổi sáng nọ, không nghe thấy tiếng giã gạo dưới sàn nhà, người cha chột dạ ra ngoài bàn thờ tổ tiên thấy một cơi trầu, chai rượu và ít tiền để lại, thì biết trong nhà có con gái đã bị người ta “trộm” đi rồi. Người trai nào đó khi đang đêm đến bỏ trầu, rượu xin với tổ tiên cho “trộm” con gái mình đi rồi, chẳng phải đi lạc, hay đi chơi đâu, chẳng cần phải tìm làm gì nữa.
Nói là “trộm”, nhưng cô con gái đã ưng bụng người trai, rồi mới trộm phép cha mẹ đi làm dâu nhà người. Trước đó họ đã là những đôi trai gái yêu nhau. Những đôi ấy thường lâm vào những hoàn cảnh éo le. Ví như, có một đôi nọ yêu nhau say đắm, thế nhưng, cha mẹ cô gái chê nhà chàng trai nghèo khó mà cả quyết không ưng, ép gả cho nhà khác. Thế là chàng trai bảo: “Hay là ta cùng trộm phép mẹ cha đi em?”. Chỉ cần cô gái gật đầu, thế là vụ “trộm” xảy ra. Cũng có những trường hợp cha mẹ cô gái thách cưới qua cao, nhà trai không chấp thuận được nên tổ chức trộm dâu về.
Một nguyên nhân phổ biến chính là tục ở rể và nhà trai phải đi “thăm” nhà gái nhiều lần, trải dài những 3 năm, khiến nhà trai mất kiên nhẫn mà tổ chức trộm vợ. Ông Võ kể rằng, tục cưới của người Mường Chai ngày trước nhiêu khê vô cùng. Ngay khi đám hỏi lần đầu, người con trai phải về nhà gái ở rể 3 năm để trả công ơn cho cha mẹ vợ. Trong khi đó, cha mẹ và ông bà mối mỗi năm phải đi thăm nhà gái những 5 lần, lần đầu tiên mang 20 chiếc bánh chưng sừng trâu, 20 ống cơm lam, 20 xâu trầu cau, 1 vò rượu 2 người khiêng. Lần thăm tiếp theo là 40 chiếc bánh chưng sừng trâu, 40 ống cơm lam, 40 xâu trầu cau, 1 vò rượu. Cứ vậy đến lần thứ 5, thì số bánh sừng trâu, cơm lam và trầu cau nhà trai phải mang sang nhà gái mỗi thứ tròn 100 chiếc cùng với một vò rượu cần. Phong tục này hiện nay không còn nữa!
Một vụ trộm vợ thường được tổ chức rất kỹ càng. Khi cô gái đã chấp nhận cho nhà trai “trộm” mình về làm vợ, chàng trai thông qua gia đình nhờ người làm ông mối, và chuẩn bị một mâm cúng mà người Thái vùng Chi Khê - Con Cuông gọi là “mâm tơ hồng”. Mâm cúng này là thủ tục quyết định cho người con gái trở thành nàng dâu trong nhà. Sau đó, những người tổ chức vụ trộm cùng nhau đến nhà cô gái trong vai những người đến “tìm hiểu”. Nhân lúc cha mẹ đã ngủ say và cũng đã đến giờ đẹp, nhà trai mới mang 10 lá trầu, 10 miếng cau đặt lên chiếc đĩa, phải do chính tay cô gái mang trong nhà ra coi như là bằng chứng sự đồng ý để nhà trai “trộm” về làm dâu. Thủ tục này có ý nghĩa báo với tổ tiên, để gia đình khi nhìn thấy là biết rằng con gái đi làm dâu rồi, chẳng phải đi tìm nữa.
Cũng theo phong tục này, vào ngày hôm sau, nhà trai sẽ mang một chai rượu, một cơi trầu cùng với một đôi gà làm mâm cơm tạ lỗi với nhà gái vì lỡ “trộm” đi con gái người ta. Nhà gái thường đưa ra một hình phạt bằng bạc nén hoặc tiền mặt, còn nhà trai thì đưa lời xin lỗi để nhà gái châm chước. Thông thường, những việc “xử phạt” này chỉ làm cho có lệ và để đề cao “cái giá” của con gái nhà mình. Cha mẹ nhà gái thường phải chấp nhận sự đã rồi. Con gái khi đã về ăn mâm tơ hồng nhà người, coi như đã có chồng, trở về cũng không ai muốn lấy nữa. Cũng có trường hợp cha mẹ cô gái kiên quyết đòi lại con gái, thế nhưng, hành động này thường chỉ để lại hậu quả đau lòng. Cô gái vẫn nhất quyết về nhà chồng hoặc đi ăn lá ngón tự vẫn.
Có những vụ trộm vợ theo kiểu như A Sử bắt cóc cô Mị trong truyện “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Người con gái không yêu, nhưng nhà trai tổ chức “bắt” vợ ngay trên đường, lúc đang đêm hay trên nương rẫy, rồi về nhốt vào buồng kín, sau đó người nhà tự tổ chức mâm cúng. Hôm sau mới đi báo với nhà gái. Ông Võ cho biết, trong đời chỉ chứng kiến 2 trường hợp như vậy, nhưng rốt cục những cặp bắt ép thường không thể chung sống hạnh phúc. Đơn giản là không được xây dựng bằng tình yêu.
Tục “trộm vợ” của người Thái ở Quỳ Hợp (Nghệ An) cũng có những nguyên nhân tương tự. Tuy nhiên, về cách tổ chức “trộm vợ” có phần khác biệt so với người Thái ở Con Cuông. Khi đã đưa vợ mới về đến nhà, người con trai dẫn vào một căn buồng bí mật, không cho ai biết. Có người đưa vợ về ở tạm một nhà khác là anh em trong họ cùng bản để tránh người nhà tìm đến bắt con gái trở về. Sáng ra, gia đình nhà trai nhanh chóng làm thủ tục “ăn cơm, uống rượu chung” và tục búi tóc lên đỉnh đầu. Sau đó người ta trải một cái nệm mới và mắc màn đen, bỏ vào trong 2 cái gối nhồi bông lau và một tấm chăn thêu mới. Cho dù chưa được “đồng sàng”, nhưng về mặt tâm linh, lúc này coi như trai đã có vợ, gái đã có chồng. Mặc dù nhà gái chưa biết, nhà trai đã nhận con dâu, tổ tiên và Thén Na (tức ông Trời) đã nhìn thấy. Nhưng chưa vị nào công nhận cho cô gái thành người “sống nhà chồng nuôi, chết nhà chồng chôn”. Muốn được thế thì dứt khoát phải làm đám cưới.
Tục “phạt” khi trộm vợ của người Thái Quỳ Hợp cũng khá cụ thể. Thứ nhất, nhà trai bị phạt 1 nén bạc vì “ăn không thưa, lấy không hỏi”, một đôi vòng bạc vì dẫn con gái ra khỏi nhà mà không được phép, 1 con trâu đực vì tội làm lễ búi tóc và uống rượu chung, mắc màn đen nằm cùng làm cô con gái bị “mất giá”. Tất nhiên, sau đó nhà trai cũng phải đứng ra đàm phán để được giảm nhẹ hình phạt. Thường thì nhà gái chấp thuận. Bên nhà gái sau khi nhận tiền phạt sẽ cho phép nhà trai khiêng rượu cần lên nhà. Chum rượu ra, bắc cần lên rồi thì mọi sự đã êm đẹp. Cuộc “trộm vợ” thành công và con đường “đi tắt” của chàng trai và cô gái coi như đã đến nơi. Mọi rào cản xung quanh cuộc hôn nhân này được gỡ bỏ. Nhà trai bắt đầu thủ tục đám cưới như dự định và hạnh phúc thực sự mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ.
Đối với người Mông (Kỳ Sơn), khi tổ chức “trộm vợ”, nhà trai mang đi một chiếc khăn thêu, một ít tiền đến nhờ người già làng uy tín nhất trong bản giúp đỡ sau đó mới đến nhà cô gái lặng lẽ dẫn đi. Đó là trường hợp “trộm vợ” được sự ưng thuận của cô gái. Khi vụ “trộm” diễn ra êm xuôi mà không bị phát hiện, ngay trong đêm ấy, già bản đến gõ cửa nhà gái để báo lại. Già làng thường có tiếng nói quyết định trong cuộc hôn sự theo kiểu “trộm” như vậy. Khi đã nhận khăn và tiền đến để nói chuyện với gia đình nhà gái rồi thì già làng đã chấp nhận cho hai bên trai gái về với nhau. Bằng uy của mình, già bản sẽ có cách để thuyết phục nhà gái chấp thuận. Sau cuộc trộm vợ 3 ngày, nhà trai sẽ đến nhà gái để “chịu lỗi” và định ngày cưới. Đám cưới sẽ diễn ra chỉ một thời gian sau đó theo đúng phong tục của người Mông...
(Còn tiếp)
Hữu Vi - Thái Tâm