Giữa những ngày tháng 8-1945, Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh cử một số cán bộ lên Con Cuông và một số huyện miền núi khác để thực hiện công tác tập hợp và chỉ đạo lực lượng cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trên cơ sở đó, ngày 26-8 Mặt trận Việt Minh huyện Con Cuông được thành lập, công tác tập hợp quần chúng được tiến hành gấp rút, các đội thanh niên tiền tuyến được chuyển thành các đội tự vệ.

Trước đó, ngày 22/8, tại xã Môn Sơn, cơ sở Việt Minh xã chủ động phối hợp với Tổng uỷ Việt Minh Đặng Thượng (Anh Sơn) phát động đấu tranh, tịch thu thẻ bài, đồng triện của tổng lý và ngày hôm sau. Trong tiếng cồng chiêng rộn rã, cán bộ Việt Minh chỉ đạo quần chúng nhân dân đấu tranh chính trị, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Việc cách mạng giành được chính quyền ở xã Môn Sơn khiến bộ máy chính quyền khắp toàn huyện tỏ ra hoang mang cao độ. Nắm rõ tình hình, lực lượng cán bộ Việt Minh chủ động gặp gỡ, thuyết phục tri huyện Con Cuông chuyển giao chính quyền về tay cách mạng. Ngày 28-8, tại cuộc mít tinh lớn ở trung tâm huyện lỵ, đại diện Việt Minh tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân- phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Cả huyện Con Cuông ngập tràn trong niềm vui độc lập.

763298_small_57459.jpg
 Tiết mục văn nghệ chào mừng kỷ niệm 79 năm thành lập chi bộ Đảng Môn Sơn
(Con Cuông).     Ảnh: Công Kiên

65 năm đã đi qua, đời sống kinh tế- xã hội của huyện miền núi Con Cuông đã có nhiều khởi sắc. Từ một huyện nghèo, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, các thế hệ cán bộ và nhân dân huyện Con Cuông luôn nỗ lực trong công tác và sản xuất, góp phần làm đổi thay bộ mặt của quê hương. Vùng đất Môn Sơn- Mường Qụa, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của các huyện miền núi, nơi cờ đỏ búa liềm tung bay phấp phới trên cây đa Cồn Chùa và cũng là nơi đầu tiên của huyện giành được chính quyền vốn xa xôi cách trở, nước độc rừng thiêng nay trở thành một vùng quê với bao bản làng trù phú. Cánh đồng Mường Quạ giờ thẳng cánh cò bay, mỗi năm, vàng rộm hai vụ lúa. Con đường gồ ghề, trắc trở năm xưa giờ được Nhà nước đầu tư xây dựng, đường nhựa, đường bê tông đã đến hầu khắp các bản làng, niềm mơ ước tự bao đời đã trở thành hiện thực. Đồng bào Đan Lai, một tộc người với một quá khứ đau thương và bao kiếp đời khổ ải cuộc sống đã đang dần đổi thay, niềm tin và nụ cười đã hiện diện trên từng khuôn mặt. Nơi đây nổi tiếng với đại ngàn Pù Mát, với đặc sản "Cơm Mường Qụa, cá sông Giăng", với thác Khe Kèm hùng vĩ, đập Phà Lài thơ mộng cùng tiếng cồng chiêng rộn rã, tiếng thoi đưa lách cách đã "níu chân" bao du khách gần xa. Thị trấn Con Cuông và các xã Bồng Khê, Chi Khê đang trở mình mạnh mẽ để phôi thai một thị xã, một phố núi trong tương lai không xa. Vùng đất Khe Choăng (Châu Khê) hôm nay đã hiện hình một thị tứ khá sầm uất, là "bước đệm" để chuyển mình thành một thị trấn, trung tâm huyện lỵ sau này.
 
Với vùng quê bên tả ngạn dòng Lam, xưa kia đò giang cách trở, những con đò tròng trành mùa nước lũ luôn là nỗi ám ảnh của người dân trong vấn đề giao thương, qua lại. Nay hệ thống cầu treo (cầu Thanh Nam, Chôm Lôm, Cam Lâm, Khe Rạn) đã nối nhịp đôi bờ, đem lại niềm vui cho bà con vùng tả ngạn. Không chỉ thuận tiện trong đi lại, hệ thống cầu treo qua sông Lam còn tạo điều kiện cho bà con các xã Cam Lâm, Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn phát triển hàng hoá nông lâm sản, từng bước vươn lên thoát khỏi cuộc sống đói nghèo. Rồi tuyến đường Thị trấn Con Cuông đi xã Bình Chuẩn và một số tuyến phụ nối liền các xã trong vùng, sau bao lần "ách tắc" nay đang được thi công, người dân nơi đây thêm một cơ hội để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội. Đặc biệt, rồi đây xã Bình Chuẩn sẽ không còn là mảnh đất xa ngái, nơi từng được biết đến bởi những bản làng "ba không", nơi thực sự thử thách đối với những ai muốn đặt chân tới. Được đầu tư xây dựng và nâng cấp các tuyến đường, chắc chắn vùng đất tả ngạn Con Cuông sẽ được "thức tỉnh", trong tương lai không xa sẽ trở nên trù phú.
 
Với lợi thế về vốn rừng và đất lâm nghiệp, Con Cuông chọn cho mình hướng mở rộng và phát triển vốn rừng, đặc biệt là rừng nguyên liệu để tận dụng ưu thế về vốn đất, nguồn nhân lực cũng như thị trường tiêu thụ. Hiện tại, Nhà máy bột giấy Tân Hồng đóng chân trên địa bàn đã đi vào hoạt động và triển khai kế hoạch trồng hàng nghìn ha rừng nguyên liệu sẽ là một "điểm tựa" để nông dân Con Cuông tiếp tục ổn định cuộc sống. Cùng với việc trồng rừng, bà con nông dân còn chú ý phát triển một số cây nguyên liệu khác như mía, chè, tăng nhanh số lượng đàn gia súc, gia cầm để đáp ứng nhu cầu cải thiện cuộc sống, đồng thời góp phần tăng thu nhập. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung khai thác tiềm năng du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ, hướng tới cơ cấu kinh tế đa dạng và ổn định, xứng đáng với vị trí cửa ngõ của vùng Tây Nam tỉnh nhà.


Công Kiên