Đã có may mắn đi qua nhiều miền đất lạ, nhưng trong tôi vẫn luôn nhớ về miền sơn cước một thời "cắm " bản. Nơi sơn cùng thuỷ tận ấy buồn, khổ nhiều hơn vui. Nhất là dịp vào Thu, tôi lại nhớ mùa măng đắng ở Na Con Phen địa danh của một bản người Khơ Mú, thoạt mới nghe như tên Tây, nằm chênh vênh đơn lẻ, heo hút cuối trời tây xứ Nghệ. Món măng đắng gắn với câu chuyện truyền thuyết bi thương của hai bàcháu.
Chuyện kể rằng, ngày ấy xa lắm rồi, bỗng mất mùa, người dân các vùng bản này đã trải qua một trận đói khủng khiếp. Chết dần vì đói chỉ còn sót lại hai bà cháu ở bản Na Con Phen. Dù đói lả nhưng hai bà cháu vẫn cố bò lết ngược theo con khe Chà Lạt cho đến lúc ngất lịm đi. Tỉnh dậy hai bà cháu thấy ngay cạnh mình có một ủ đất nhô lên một mầm lớn. Đói kiệt sức nhưng hai bà cháu vẫn đem hết sức bình sinh cố moi đất bẻ mầm đưa vào miệng nhai. Kỳ lạ thay cái gốc mầm có vị ngọt ấy làm hai bà cháu tỉnh lại và cứu hai bà cháu qua khỏi cơn đói khát... Từ đó, cây măng đắng, gốc có vị ngọt, lên khỏi mặt đất lại có vị đắng ấy không chỉ trở thành vị cứu tinh hai bà cháu mà còn trở thành món khoái khẩu của người miền núi!
Còn tôi nhớ đồ mồi "tốn rượu" là măng đắng nướng chấm với chẻo cá, hay cá ghé, loại cá da trơn, con nặng nhất tới vài chục ký sống ở sông Nậm Nơn, thịt vàng như nghệ tươi, nấu thuôn với măng đắng thả lá lốt rừng.
Khi nghe nói món măng đắng, anh bạn cán bộ huyện đi học lớp chính trị cao cấp ở Hà Nội bảo, vào mùa Thu ở Thủ đô cũng luôn nhớ và thèm cái món mồi "tốn rượu" ấy lắm. Nghe nói vậy, tôi lại nhớ ngày trước khi thuyền máy chưa thịnh hành, ngược Nậm Nơn lên mường Lằm đi bộ những mấy ngày đường, rã chân. Có lần vừa ngồi nghỉ đã thấy ẩn hiện dưới lòng suối một tốp phụ nữ ngực trần, da màu đồng hun gùi sau lưng bế măng đắng nặng trĩu. Hai "quả mướp" đong đưa theo nhịp bước. Ông chủ tịch xã đi cùng cho biết, đó là các chị người Khơ Mú, thường để ngực trần vậy. Họ là người bản Na Con Phen, bế măng ra đổi gạo với người Thái bản Xiềng Lằm, Xốp Lằm... Đi tìm, đào bới cả ngày mới được một bế măng đổi hơn 1,5kg gạo!
Giờ trở lại vùng này, con dốc đầu phố núi đã được hạ thấp, láng nhựa phẳng lì. Dọc hai bên đường, nhà cao tầng mọc lên san sát. Phố huyện không còn đìu hiu, quạnh vắng gây nỗi buồn cô quạnh và nỗi nhớ đến cồn cào cho những ai lần đầu tiên đi xa nhà. Không chỉ riêng cán bộ, người buôn bán..., người Thái, người Khơ Mú, người Mông bây giờ nườm nượp đi xe máy xuống phố, điện thoại cầm tay "alô" nom oách lắm. Thì ra vùng đất heo hút này đã thực sự thay da đổi thịt.
Tình cờ gặp ông cán bộ xã Xiềng Lằm, giờ đã trở thành cán bộ huyện. Vừa bắt tay ông trách vui: "Giờ mất dạy thành nhà báo, rồi đi miết tận phương nào mà không về thăm lại mường Lằm? Mà quên mường Lằm cũng phải thôi, giờ rừng chò, mỏ tôm, rừng măng đắng Na Con Phen đã nằm dưới đáy của lòng hồ thuỷ điện rồi ". Dù vậy, với tôi cái tên Na Con Phen cùng câu chuyện bi thương vẫn tươi rói, vẹn nguyên trong ký ức.