(Baonghean) - Anh Long gọi điện nói với tôi và “xiều” về “rừng người” ở phố. Đó là cuộc thoại ngắn ngủi cuối cùng liên hệ với “thế giới văn minh” trước cửa rừng già dưới chân Phuxailaileng...
 
…Thành phố gấp gáp, ào ạt mọc lên các khu đô thị mới và các cao ốc hiện đại đã tạo cảm giác quá mạnh bạo so với hiện thực. Có khi bẵng đi một tháng chợt làm một “cuốc” lang thang phố, tôi choáng váng với những khối, những mảng của không gian và sắc màu. Cao – thấp, tươi mới – cũ xám là cảm giác nổi trội của tôi với phố. Tôi dạn dĩ hơn khi đối diện với chính mình. Phố càng ngày cho tôi càng nhiều, nhưng hình như đã tước bỏ của tôi nỗi sợ sệt mất đi những rung cảm.

763455_small_59814.jpg
 Mở đường lên chân Phuxailaileng.

Tôi nhận thấy có nhà thơ từng rung cảm viết với một tình yêu phố Vinh đặng đừng, nay đã ẩn vào những thi vần thân phận người ở phố; tôi nhận thấy vắng đi nhạc phẩm khả dĩ viết về Thành phố Đỏ; tôi nhận thấy đồng nghiệp (làm báo) dần đắn đo trước một bài viết cho phố; tôi nhận thấy phố thôi thúc sống nhưng tôi hoài nghi sự thôi thúc khát vọng lãng mạn…
 
Vùn vụt cảm giác, vùn vụt những khối - mảng không gian và sắc màu, vùn vụt nhịp sống muôn mặt người ở phố. Kiến trúc sư Long bỗng nhiên nhạt đam mê những khối – mảng không gian và sắc màu của vùn vụt phố hôm nay để vùi vào “giấc mơ con” thú chơi bát đĩa sành sứ cổ! Anh gọi điện  nói với tôi và “xiều” về “rừng người” ở phố. Cuộc thoại ngắn ngủi cuối cùng liên hệ với “thế giới văn minh” trước cửa rừng già dưới chân Phuxailaileng sao nỗi niềm thế?
 
Chiếc xe con 2 cầu gầm gừ như tự trấn an nỗi sợ hãi của một mãnh  thú cô độc giữa tịch mịch tuyệt đối của rừng già. Nắng “đổ nghiêng chiều”. Nắng là khối là tảng vụt rơi xuống những triền rừng rồi biến mất, rồi vụt hiện ra sau mỗi tầng dốc, khuỷu dốc, bởi chợt cũng là khối là tảng của những mây mù và bóng tối tương phản của rừng già với những thân gỗ thẳng ken dày cũng sau mỗi tầng dốc, khuỷu dốc đột ngột úp chụp xuống.


 Lưu niệm ở độ cao ngót 2.500m so mực nước biển, trên đường biên với nước bạn Lào.

Gió không khua động lá rừng mà nương vào mây mù, thành làn thành dải luồn qua thân mộc thả nghiêng xuống vấn vít lấy những khối, những tảng nắng xanh. Nắng xanh; tương phản bóng tối xanh; sương gió xanh! Lớn dậy nỗi cô độc mơ hồ, xâm chiếm một cảm giác bồng bềnh trong cảm nhận thiên nhiên đơn sắc.

A! Còn là một không gian nghiêng!
 
Vì ta đang được nhích dần lên với Phuxailaileng hùng vỹ, Phuxailaileng huyền thoại. Vì để lên với Phuxailaileng, ta không thể không ngửng đầu ngước thẳng lên một niềm tự hào chinh phục không cưỡng được. Cảm giác “ganh tỵ” vì có Thảo, có Hằng, có “xiều”… bên cạnh. Thảo, Hằng và “xiều” nữa kiêu hãnh tạo thành một nỗi cô độc lớn hơn ta, để ta cảm giác sợ hãi rằng thiên nhiên tối thượng này sẽ đón nhận Thảo, Hằng và “xiều” trước ta…

Chưa ai nói chính xác với tôi rừng già dưới chân Phuxailaileng thuộc họ loài nào. Nhưng là tuyền một loại cây thân mộc cao lớn vươn thẳng tạo nên một vẻ đẹp riêng của rừng nhiệt đới. Thân mộc ken dày, vươn thẳng tăm tắp khiến cảm giác như rừng không có lớp thực bì nguyên sinh rậm rịt. Rừng duyên dáng với cơ man là lan trên những thân, những cành đan thành vầng, thành chuỗi. Lan mọc thành vỉa trên các vách núi đá. Nắng – gió – sương mù và khí lạnh của độ cao càng làm tăng thêm vẻ tịch mịch kỳ lạ của rừng già.


 Tịch mịch rrừng già Na Ngoi – Kỳ Sơn.

….Đột ngột vỡ òa tiếng gầm rú dữ tợn của loài quái thú. Nắng xanh và tương phản bóng tối vỡ vụn rơi lả tả. Cánh tay khổng lồ hung tợn vục xuống vách núi. Rừng núi rung chuyển, đất đá bị xới tung, từng khối đá lớn hùng hục lăn xuống vực sâu làm bật tung lên những mảng rừng già. Đó là đơn độc một chiếc máy xúc đang mở đường lên chân Phuxailaileng. Đại tá Vi Hiểu giải thích, thi công con đường này là phải dựa trên lối mòn vượt núi bao đời của bào Mông Na Ngoi. Địa hình khó khăn nên đơn vị thi công chỉ có thể bố trí phương án thi công đơn giản, “cục bộ” như thế. Quả vậy, vượt qua đoạn dốc núi đang thi công, chỉ sau một “cú” vuốt vô-lăng của tài xế, rừng già lại trở về với sự tịch mịch muôn thuở. 
 
Nắng gió, sương mù và tương phản của bóng tối như đậm đặc hơn. Độ cao  đã “chinh phục” chút nỗ lực háo hức cuối cùng của Hằng và Thảo. Khí lạnh luồn theo từng hơi thở, tinh quái như muôn vàn mũi kim lách vào quần áo sau mỗi cử động. Lạnh như đóng băng lồng ngực, nhưng lại làm tỉnh táo trí não để cảm nhận được rõ hơn sự chi phối của sức mạnh rừng già. Bước chân chạm lên tột cùng của eo núi ngay dưới chân Phuxailaileng cũng là  chân cột mốc L1 trên đường biên với nước bạn Lào, cũng là khi ta gần như lả đi trong niềm sung sướng, tự hào đã chạm vào “nóc nhà” Bắc Trung bộ kỳ vỹ. Ở đây, trong tương lai có thể sẽ là một cửa ngõ “thông quan” với nước bạn Lào...
 
Hằng và Thảo nhanh chóng “hồi sức” trong ngôi lán của tổ “tiền trạm” thuộc đơn vị thi công đường lên Phuxailaileng để lại tung tăng trong nắng gió vượt tầng mây. Nắng trở về với màu vàng rực rỡ, gió hát trên những tán rừng chót vót chạm trời. Ao ước gom được một chút nắng, chút gió trên độ cao ngót 2.500 mét so mực nước biển này để cất giữ mãi bên mình…
 
Tôi chợt nghĩ, cố nghĩ tới lời nhắc về “rừng người” ở phố của anh Long.

(còn nữa)


Đình Sâm