Đặc biệt nghĩa là khác hẳn những trường hợp thông thường về tính chất, chức năng và mức độ. CTV đặc biệt cũng vậy. Trước hết về tính chất, CTV đặc biệt thường là những cây bút chuyên nghiệp về một lĩnh vực, mảng miếng nào đó được tòa soạn để ý, coi trọng và mời phụ trách chuyên mục riêng biệt.
Về chức năng, CTV đặc biệt không chỉ chủ động viết bài hoặc viết theo đơn đặt hàng mà còn được tham gia sâu hơn vào công việc của tòa soạn như là được tòa soạn tham vấn về định hướng tuyên truyền theo từng giai đoạn hay góp ý vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng tờ báo.
Về mức độ thì tần suất sử dụng bài viết nhiều hơn, sự xuất hiện trên mặt báo dày hơn. Và dĩ nhiên, thù lao của CTV đặc biệt cũng được trả cao hơn, đều hơn.
Cái “sướng” của CTV nói chung và của CTV đặc biệt có thể gói gọn trong mấy chữ là “được nói, được gói mang về”. Nói ở đây là được thể hiện, bày tỏ chính kiến về những việc, những vấn đề mà bản thân tâm đắc và quan tâm thông qua những bài viết cho tòa soạn và được chuyển tải đến bạn đọc qua các trang báo.
Thật ra, trong mỗi con người luôn tiềm ẩn nhu cầu được bộc lộ bản thân, được thể hiện những hiểu biết, những quan điểm về một vấn đề, một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống thường ngày trước “ba quân thiên hạ”. Vì người nói thì phải có kẻ nghe. Không có người nghe thì buồn, chán lắm. Tinh hoa không phát tiết ra ngoài được.
Đằng này, làm CTV đặc biệt vừa được thỏa mãn nhu cầu cá nhân là “được nói ra” vừa lại được trả tiền nữa thì cái sướng, dĩ nhiên là được nhân đôi lên. Chưa kể, làm CTV đặc biệt được tòa soạn quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần, được có khoản tiền bồi dưỡng hằng tháng ngoài thù lao nhuận bút. Mỗi khi có việc đi qua, về lại tòa soạn được bạn bè, đồng nghiệp chào đón, hỏi han rồi “chén thù, chén tạc” rất chi là thân tình.Đến kỳ họp CTV cuối năm thường được xướng tên trong danh sách những người có nhiều cống hiến, đóng góp cho báo trong năm qua. Vinh dự thật không để mô cho hết. Tóm lại, được làm CTV đặc biệt cho báo thì, nói như người Nghệ ta, là: sướng có kể!
Nhưng mà, nói đi rồi phải bàn lại. Vì được ưu ái, được sung sướng đủ bề như vậy cho nên tự mình thấy phải có trách nhiệm cao với báo. Đó là phải tìm tòi, lựa chọn những góc nhìn khác biệt, để phát hiện ra những vấn đề mới, lạ trong những vấn đề không mới, không lạ vốn đã được báo giới và cả mạng xã hội tập trung mổ xẻ nhiều rồi.
Và quan trọng hơn, cái mới, cái lạ đó phải đúng với bản chất sự việc, không trái với quan điểm, đường lối chung. Rồi khi có lời “nhờ vả” từ tòa soạn phải có ngay bài viết về những vấn đề đang “nước sôi, lửa bỏng” thì bận mấy thì bận, mắc chi thì mắc cũng cố thu xếp tìm hiểu để mà góp tiếng nói cho đúng lúc, đúng việc. Mần chi thì mần, nói chi thì nói, cuối cùng thì phải thể hiện mình xứng đáng với hai chữ đặc biệt.
Chính vì thế mà cũng có những nỗi niềm, những trăn trở. Đó là có những bài viết mà bản thân đọc “chưa thấy sướng trong con ngài” mà vẫn được tòa soạn cho đăng. Biết là người ta ưu ái, nên cũng ngại ngần, tự mình thấy xấu hổ. Rồi thì nhiều khi do yêu cầu tuyên truyền cho kịp thời sự nên có những bài thật sự là chưa xứng tầm nhưng rồi vẫn gửi đến cho bản báo.
Tuổi dần nhiều lên, sự nhạy bén, sắc sảo trong nhìn nhận vấn đề dần kém đi, cách dùng chữ dần thiếu linh hoạt. Vì thế, vừa cố gắng “giữ phong độ”, vừa mong có phóng viên trẻ nào đó có tư chất để truyền cái nghề viết chuyên mục như đã ấp ủ bấy lâu nay.
Có thể coi đây như những lời tự sự và chút tâm nguyện của một CTV đặc biệt và lâu năm.