(Baonghean) - Kể từ bài báo đầu tiên, đến nay tác giả Sỹ Thuần (Anh Sơn) đã có gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề cầm bút. 45 năm chiêm nghiệm, cần mẫn đi và viết, "gia sản" mà Sỹ Thuần giữ lại cho làng báo là hơn 8.000 tin bài với mọi thể loại...
Nhìn những bài báo được phô tô lại bằng giấy A4, rồi đóng gói cẩn thận theo từng năm, từng chủ đề của Sỹ Thuần, người được xem là làm báo chuyên nghiệp như tôi không khỏi ngượng ngùng. Trong làng báo Việt Nam có lẽ ít có ai đủ tâm huyết để lưu giữ các bài viết của mình như thế. Thói quen này, tác giả Sỹ Thuần đã tạo được gần 50 năm nay. Người dân ở nơi ông sống cũng đã quen với hình ảnh một người đàn ông trung niên sáng nào cũng lọc cọc đạp xe đến bưu điện, hỏi mượn những tờ báo mới, rồi chăm chú theo dõi các bài viết trên trang báo. Tờ báo nào có bài viết của mình ông đều mượn hoặc mua rồi phô tô để cất giữ lại. Chăm chỉ, cẩn thận như thế nên đến nay ông đã có gần 20 cuốn sách tự "xuất bản" như vậy. Chọn 3 cuốn sách tâm đắc nhất theo 3 chủ đề chính: Phong trào giáo dục ở Anh Sơn; Hoạt động công tác mặt trận các đoàn thể; bài viết về phê bình góp ý để giới thiệu với tôi, tác giả Sỹ Thuần không dấu nỗi niềm vui: "Bao nhiêu năm tâm nguyện của tôi cũng đã được hoàn thành. Chính quyền huyện Anh Sơn đã quyết định trích kinh phí để hỗ trợ cho tôi in một tập sách riêng. Tôi đang tập hợp để chọn những bài viết tâm đắc nhất để Ban Biên tập lựa chọn...".
Tác giả Sỹ Thuần bên những tác phẩm đã được gìn giữ 45 năm qua.
Ít có một ưu ái nào của chính quyền dành cho một cộng tác viên không chuyên như Sỹ Thuần. Tuy nhiên, nếu nhìn vào gia tài đồ sộ hơn 8.000 bài báo mà ông đã viết, trong đó hơn 2/3 là viết về huyện Anh Sơn mới hiểu vì sao lãnh đạo huyện lại quan tâm tới "con người đặc biệt" này. Gần nửa thế kỷ cầm bút, dường như không có một góc làng, ngõ xóm nào ở huyện Anh Sơn vắng bước chân của ông. Qua những chuyến đi như thế, mỗi bài báo của ông là một cái nhìn chân thực, dung dị và "nóng hổi" về cuộc sống, về bà con nông dân, về những vấn đề bức xúc của xã hội...
Các bài báo của Sỹ Thuần được gửi đi khắp nơi, nhưng gắn bó lâu nhất và lưu dấu ấn mạnh nhất chính là ở Báo Nghệ An. Trong đó, có không ít bài báo sau khi được đăng đã để lại những tiếng vang mạnh mẽ và có ý nghĩa xã hội rộng lớn như: "Người lang thang ấy là ai?", "Cần quan tâm đến đời sống giáo viên mầm non ở huyện Anh Sơn", "40 hộ dân xóm 1, Lạng Sơn (Anh Sơn) không có đất nông nghiệp, đất ở". Trong số báo đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Anh Sơn nhiệm kỳ 2005 - 2010, một mình ông phụ trách tất cả các bài viết tuyên truyền về huyện.
Nghề báo đến với ông tuy chỉ là tình cờ và là nghề tay trái nhưng ông xem đây mới chính là niềm đam mê của mình. Cũng bởi đam mê, nên ngay sau khi nghỉ hưu ở ngành Giáo dục, năm 1990 ông đã quyết định bán nhà ở xã Long Sơn rồi chuyển gia đình xuống Thị trấn Anh Sơn để tiện công việc.
Bản thân ông đi đến đâu cũng được bà con trìu mến bằng hai chữ "nhà báo" Sỹ Thuần. Cũng bởi cái tâm với nghề nghiệp và sự cống hiến không mệt mỏi nên Sỹ Thuần là một trong những cộng tác viên đầu tiên của tỉnh Nghệ An được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam. Bản thân ông đã nhiều lần đoạt các giải thưởng báo chí thông qua các bài viết trên Báo Nghệ An. Trong 3 năm gần đây ông liên tục được trao giấy khen là cộng tác viên tiêu biểu của Báo Nghệ An.
Nhớ về chặng đường gắn bó với Báo Nghệ An, Sỹ Thuần có nhiều kỷ niệm, nhiều bài viết thật sâu sắc. Tuy nhiên, ấn tượng sâu đậm nhất của ông vẫn là bài báo đầu tiên được in trong số báo ra ngày 10/5/1966. Khi đó, Sỹ Thuần vẫn đang là chàng thanh niên 31 tuổi, làm công tác mặt trận ở huyện Anh Sơn và được cử về cơ sở để kiểm tra phong trào các cụ phụ lão trồng cây và tham gia làm thủy lợi. Trước khí thế phấn khởi của các cụ phụ lão, ông đã viết bài "Phụ lão Anh Sơn hăng hái trồng cây, làm thủy lợi" và đã được đăng trang trọng ở chuyên mục "Khắp nơi lập thành tích mừng thọ Hồ Chủ tịch 76 tuổi". Báo vừa ra "các cụ địa phương chuyền tay nhau đọc. Còn tôi đi đến đâu cũng được mọi người chúc mừng "Sỹ Thuần đã có bài đăng báo rồi nhé" - Ông nhớ lại.
Bài báo được in bằng kỹ thuật ôpset đó đến nay vẫn được ông lưu giữ một cách cẩn thận bởi "Nó không chỉ có ý nghĩa động viên các cụ phụ lão thời điểm ấy mà còn là "đứa con tinh thần" đầu tiên của tôi, nhìn vào đó để tôi biết rằng nhiều nơi nhân dân còn rất cần mình, mong muốn mình giúp họ nói thay tiếng nói".