(Baonghean) - Đến hẹn lại lên, những ngày đầu năm mới Đinh Dậu, Báo Nghệ An tổ chức Hội nghị cộng tác viên năm 2017. Dịp này, tòa soạn trân trọng giới thiệu một số gương mặt CTV tiêu biểu - những “ cánh tay nối dài” đã góp phần làm nên “sức sống” của tờ báo đảng.
Khi được tiếp lửa đam mê
Từ một năm nay, độc giả báo Nghệ An đã khá quen thuộc với những phóng sự ảnh xã hội của tác giả Thành Cường. Đó là những chùm ảnh rất đa dạng, phản ánh sinh động muôn mặt cuộc sống từ thành thị, nông thôn đến miền núi, với những góc ảnh vừa chân thực, vừa mang tính nghệ thuật.
Thành Cường là bút danh của CTV Nguyễn Ngọc Cường, trú ở xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn. Năm 2008, tốt nghiệp khoa Hàng hải của Trường Đại học Thủy sản (nay là Trường Đại học Nha Trang), Cường cũng muốn bay nhảy với biển cả, nhưng sau khi bố mất, do là con trai một nên anh trở về quê. Sau một thời gian làm nhiều công việc khác nhau, Cường được một cơ quan chuyên ngành thủy sản gọi sang thử việc, rồi 1 tháng sau ký hợp đồng, từ đó làm việc ở tàu kiểm ngư. Nhưng vốn thích tự do không gò bó, cộng thêm nhiều lý do khác nên sau 5 năm, Cường xin nghỉ việc, tiếp tục ra làm tự do rồi bén duyên với Báo Nghệ An từ cuối tháng 4/2016.
Từ khi chuyển sang theo đuổi thể loại ảnh báo chí, Thành Cường có 4 tác phẩm được triển lãm ở hai cuộc thi: Việt Nam - Đất Nước - Con Người, và Sắc màu cuộc sống do CLB Ảnh báo chí Việt Nam tổ chức tại Hà Nội; giành giải Ba cuộc thi ảnh báo chí Khoảnh khắc vàng của Báo Nghệ An. Một số tác phẩm đáng chú ý của Cường là: “Tuyết rơi dày, bản làng Nghệ An trắng xóa như châu Âu”, “Cuộc sống ở Trung tâm điều dưỡng Thương binh tâm thần kinh Nghệ An”...
Tháng 8/2016, Cường trở thành cộng tác viên đặc biệt của Phòng phóng viên Văn xã Báo Nghệ An. “Là một cộng tác viên, các đề tài chủ động sáng tác nên khá linh động, tuy nhiên cũng vì đó nên phải chịu khó tìm tòi, chịu khó đi. Có khi đi mấy ngày không ra một đề tài. Vấn đề nữa là cộng tác viên nên khi tiếp cận thông tin cũng gặp một số khó khăn, cần hết sức khéo léo, cẩn trọng. Tuy nhiên, càng đi, càng chụp, càng yêu thể loại ảnh báo chí và mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho mảng ảnh của Báo Nghệ An” - Cường cho biết thêm.
Nơi tôi nhận được những bài học tử tế
Hương còn nhớ, bài thơ đầu tiên được đăng lên báo Nghệ An lúc ấy nhỏ xíu, bé hơn lòng bàn tay mà tôi đọc đi đọc lại suốt một buổi tối. Đọc trong một trạng thái háo hức. Lên tòa soạn nhận nhuận bút 20.000 đồng còn háo hức hơn. Mẹ khuyên trích 1/10 mua... quà vặt đãi các bạn, còn lại có thể mua bất cứ cuốn sách nào mình muốn. Cũng từ đó, Hương có niềm tự hào, háo hức khi được chia sẻ niềm vui, được tự sử dụng đồng tiền “mồ hôi nước mắt” mình kiếm được từ việc viết lách.
Sau này đi làm, Hương gặp toàn những lời kêu ca: nghề viết khổ lắm, cô đơn lắm, nhức đầu lắm... nhưng vẫn nhớ mãi lời chú biên tập viên đầu tiên mình gặp. Sướng hay khổ là do góc nhìn của mình mà thôi, vậy sao không chọn góc nhìn tươi vui lạc quan như chú đã dặn? Hương luôn trân trọng và coi chú ấy là người thầy đầu tiên dạy nghề viết, Báo Nghệ An là cánh cửa dẫn Hương theo nghề - Hương xem đó là một duyên may.
Duyên may nữa, sau gần 10 năm gắn bó, cộng tác với Báo Nghệ An, Hương vẫn có thể chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với những biên tập viên của Báo. Có chị lớn hơn vài tuổi, lại có em nhỏ hơn. Nhưng gặp nhau từ niềm vui nỗi buồn trên trang viết cho tới chuyện đời, chuyện nghề.
Hương tâm sự: Đôi khi, thật tình cờ, tôi và họ cùng có thể gặp nhau ở những cảm xúc trong từng bài viết, câu chuyện muốn chia sẻ tới độc giả, và có thể “bắt tay nhau” để có những bài viết chất hơn, đầy đặn hơn. Hoặc cũng có khi, bài viết của tôi chưa được hoàn thiện như mong muốn nhưng khi “đẩy” về phía người biên tập có nghề, hiểu mình thì được “nâng cấp”, đọc “đã” hơn hẳn. Tôi nghĩ sự gắn bó giữa CTV và tờ báo không phải là nhuận bút cao - thấp mà chính ở những điều bình dị như thế.
Là CTV ở xa, đồng thời là độc giả “trung thành” của báo Nghệ An điện tử. Hương xem đây là kênh thông tin gần gũi nhất, nhanh chóng và thuận tiện để bạn ấy có thể tìm đọc thông tin về quê nhà và nhiều điều gần gũi với đời sống mà mình quan tâm.
Hồn nhiên... vượt khó!
Một năm trở lại đây, trên báo Nghệ An điện tử và các ấn phẩm khác của Báo Nghệ An xuất hiện khá nhiều bài viết của tác giả Lữ Phú. Những tin, bài về địa bàn huyện Kỳ Sơn trên baonghean.vn là những nét đẹp của đời sống văn hóa, các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo của các cộng đồng dân tộc địa phương được tác giả này thực hiện phong phú, đa dạng, hấp dẫn.
Lữ Phú là bút danh của phóng viên Lữ Đình Phú của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Kỳ Sơn. Công tác trên địa bàn thuộc 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, sự vất vả “thường trực” đối với anh trong suốt 4 năm theo nghề. Anh phóng viên đài huyện trẻ tuổi với chiếc máy quay kềnh càng ấy đã là hình ảnh quen thuộc đối với bà con các xã xa xôi nhất Nghệ An như Na Ngoi, Keng Đu, Bảo Thắng... Lữ Phú chia sẻ rằng, nhờ vẻ ngoài của một “trai bản” mà anh dễ dàng tiếp cận với hiện trường vụ án.
Không chỉ hoàn thành tốt công việc của “nhà đài”, anh đã có những bản tin, bài viết, phóng sự ảnh cộng tác trên 2 ấn phẩm của Báo Nghệ An. Qua bạn đọc báo phần nào hình dung được những khó khăn trong công tác tuyên truyền đấu tranh chống tội phạm ma túy, tội phạm buôn người cũng như bài trừ những hủ tục ở vùng đất biên viễn rẻo cao Kỳ Sơn. Ở những bài viết của anh, bạn đọc cũng hình dung được nhịp sống đang ngày một sôi động hơn với những hoạt động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo của các cộng đồng dân tộc nơi đây.
Tiếp xúc với Lữ Phú, thấy ở anh toát lên sự hồn nhiên và tình yêu công việc. Chính sự hồn nhiên, chân chất của một “trai bản” giúp Lữ Phú vượt qua những khó khăn về phương tiện tác nghiệp còn thô sơ, hay những chuyến luồn rừng, lội bộ suốt hàng ngày trời để vào địa bàn tác nghiệp. Phương tiện tác nghiệp chính của anh dành cho Báo Nghệ An là chiếc điện thoại thông minh. Nghe có vẻ “nghiệp dư”, nhưng đối với anh lại là lợi thế đối với những phóng viên tác nghiệp ở vùng cao.
Hiệu quả cộng tác của Lữ Phú đã được Ban Biên tập Báo Nghệ An ghi nhận tặng Giấy khen vì những đóng góp xuất sắc trong năm 2016.
Nhóm PV - CTV