(NAO) - Hơn 30 năm, chiến tranh đã lùi vào ký ức... Có một người lính từ ngục tù Mỹ-Ngụy đã chiến thắng trở về. Với đôi nạng gỗ, ngày ngày anh cần mẫn ở một góc chợ...   

762239_small_42978.jpg
Ở thị trấn Thái Hòa (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) hầu như ai cũng biết Đào Duy Trí. Điều đặc biệt đầu tiên là cái hình thể “lệch lạc” đến mức dị dạng của anh do bị tra tấn trong nhà tù Mỹ-Ngụy: Chân phải cụt trên đầu gối, chân trái cụt ngang mắt cá, tay trái bị cưa ngang khỉu, tay phải bị rút gân đến teo cơ hoàn toàn...
 
Tôi biết Đào Duy Trí thông qua một đồng đội nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 27 (Trung đoàn Xô Viết Nghệ Tĩnh). Người ta bảo rằng chị Lê Thị Liên, vợ anh là một người phụ nữ tuyệt vời, một phụ nữ dũng cảm, chị đã dành tuổi thanh xuân cho anh, gánh vác trọng trách gây dựng gia đình, nuôi 3 con khôn lớn trưởng thành. Tôi ra chợ Thái Hòa, tìm đến bãi gửi xe thì thấy cảnh tượng người xe tấp nập, Đào Duy Trí đang bươn bả trên đôi nạng gỗ để nhận và trả xe cho khách. Gặp tôi, anh cười, nụ cười thật đôn hậu ...
 
...Vào buổi sáng ngày 5/1/1970 đơn vị Đào Duy Trí là C3/D2/E27 tập kích lên điểm cao 161 Bắc Quảng Trị. Trong lúc tấn công, Đào Duy Trí bị thương vào chân không thể tiếp tục vận động cùng đơn vị. Đồng đội băng bó tạm và dấu anh vào một bụi rậm để tiếp tục đánh lên trận địa chốt của địch. Lúc quay lại thì không tìm được Đào Duy Trí nữa, sau đó họ mới biết là trong lúc đơn vị đánh lên phía trước thì trực thăng địch đổ quân phía sau và Đào Duy Trí đã bị địch phát hiện bắt đưa về Đông Hà.
 
Vì không chịu khai báo cho địch những bí mật của đơn vị nên Đào Duy Trí đã bị Mỹ -Ngụy dùng mọi cực hình tra tấn anh đến tàn phế. Đầu tiên là chúng xẻo thịt ở tay và chân. Chữa cho lành vết thương, chúng lại tháo khớp bàn chân trái, sau đó chúng lại cưa cụt chân phải. Chữa cho lành vết thương ở chân, chúng lại cắt cụt tay trái, rút gân làm teo cơ hoàn toàn tay phải cho đến lúc Đào Duy Trí gần như tàn tạ chúng mới thôi. Chúng giam anh ở các nhà tù Tống Duy Tân, trại Non Nước (Đà Nẵng). Năm 1972 chúng chuyển anh ra đảo Phú Quốc. Hồi đó (năm 1972) đơn vị tin chắc địch đã thủ tiêu Đào Duy Trí nên đã gửi giấy báo tử về cho địa phương và gia đình anh. Sau khi hiệp định Pari được ký kết (1973) Đào Duy Trí được trao trả và được đón về địa phương.
 
Một đồng đội cũ của Đào Duy trí nay là nhà báo Lê Bá Dương kể lại rằng: sau khi Đào Duy Trí bị địch bắt, đơn vị anh đã triển khai mọi biện pháp để đề phòng, nhưng qua theo dõi thì không có một nguồn tin nào, một đơn vị nào hay một vị trí trú quân nào của Trung đoàn bị lộ, chứng tỏ địch không moi được tin tức gì ở Đào Duy Trí. Cũng chính vì vậy mà sau ngày được trao trả, Đào Duy Trí rất tự hào và vô cùng hạnh phúc vì được sống trong sự tin cậy của đồng chí, đồng đội và gia đình, quê hương. 
 
Vợ chồng Đào Duy Trí, Lê Thị Liên.
Giờ đây, ở góc chợ thị trấn Thái Hòa, ngày ngày Đào Duy Trí vẫn quăng quật trên đôi nạng gỗ trông giữ hàng trăm chiếc xe đạp, xe máy. Bà con ở thị trấn ai cũng thương anh nên bãi gửi xe của anh không khi nào ngớt người gửi xe. Người ta bảo nhau tự xếp xe vào, lấy xe ra để giúp anh đỡ đi lại vất vả. Điều đặc biệt là mỗi buổi chợ có đến hàng trăm chiếc xe đạp, xe máy gửi cho anh mà không cần có vé; Người dân thị trấn đồn rằng Đào Duy Trí có một trí nhớ thật tuyệt vời, đã mười năm trông xe theo kiểu này mà chưa một lần có ai bị thất lạc hay mất xe.
 
Nhưng có một điều ít ai biết đến, đó là một người lính gan góc, anh hùng, đã chiến thắng trở về từ ngục tù của Mỹ - Ngụy.


Bài ảnh: Trần Cảnh Yên - Diễn Châu-Nghệ An