Cụ thể, năm 2021, với việc tỉnh thu hút khoảng 20-25 dự án, trong đó có các dự án điện tử và dệt may lớn dự kiến nửa cuối năm đi vào hoạt động nên rất cần và thiếu nhiều lao động. Điển hình là dự án Luxshare - ICT KCN VSIP Hưng Nguyên đã tuyển được 5 nghìn lao động nhưng trong năm cần tới 20 nghìn lao động; dự án sản xuất linh kiện điện tử tại Everwin USA cần gần 1.000 lao động; dự án may xuất khẩu Sang woo Việt Nam cần tuyển 1.000 lao động, dự án may Mareep tại KCN Nam Cấm cần tuyển 1.500 lao động, dự án sản xuất linh kiện điện tử Goertek Vina cần gần 1.000 lao động.
Cùng với các dự án trong KCN, các dự án ngoài cũng cần bổ sung lao động vào nguồn lao động của mình cùng với nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất cũng cần khoảng 3-4 ngàn lao động. Cụ thể là Công ty may Nam Thuận tại Diễn Mỹ (Diễn Châu) cần thêm 1.000 lao động; Công ty may Namsung Vina Diễn Kỷ cần 300 - 500 lao động, Công ty may Minh Anh Tân Kỳ cần 1.000 lao động…
Ngoài nhu cầu khoảng 11 nghìn công nhân từ nay đến cuối năm, bắt đầu từ năm 2022, do tín hiệu tích cực về thu hút đầu tư và có nhiều dự án mới đi vào hoạt động, nhu cầu lao động trên địa bàn sẽ thiếu nhiều hơn, dự kiến mỗi năm cần khoảng 12-15 nghìn lao động và đến năm 2025 cần khoảng 55-60 nghìn công nhân. Chính vì vậy, cùng với tăng cường năng lực đào tạo, cần có chính sách cải thiện thu nhập cho công nhân để giữ chân và thu hút lao động ngoại tỉnh về.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện một số Trường đào tạo nghề cho biết: Nhu cầu lao động hiện nay của các doanh nghiệp đang rất cấp thiết và để tuyển dụng lao động không hề dễ nên các doanh nghiệp/nhà đầu tư cùng với làm các thủ tục đầu tư, lắp đặt công nghệ thiết bị máy móc thì phải có các văn bản ký kết cụ thể với các nhà trường để đào tạo mới kịp. Hàng năm các trường nghề như Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Trường Cao đẳng Việt - Đức, Trung cấp nghề Bắc Nghệ An... đều làm khá tốt việc này.
Ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động TBXH tỉnh Nghệ An cho biết: Mỗi năm UBND tỉnh Nghệ An giao chỉ tiêu đào tạo nghề từ 10-11 nghìn lao động từ hệ sơ cấp đến cao đẳng trên nhiều lĩnh vực ngành nghề. Phần lớn lao động sau khi đào tạo đi làm rất nhiều nghề, trong đó nhiều nhất là xuất khẩu lao động hoặc vào làm việc phía Nam. Vì vậy, nếu muốn chủ động nhân lực, các doanh nghiệp cần chủ động đặt vấn đề với tỉnh sau đó tiếp cận, phối hợp với các nhà trường trong quá trình đào tạo. Phải kết nối để sau khi lao động được đào tạo cơ bản xong thì bắt tay vào thực hành, làm quen với trang thiết bị máy móc, dây chuyền; nếu doanh nghiệp có thể hỗ trợ cơ sở đào tạo nghề thì việc đào tạo, chuẩn bị nguồn lao động sẽ hiệu quả hơn.
Tại buổi góp ý vào xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh đến năm 2025 chiều 9/6, ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các sở ngành, nhất là Sở Lao động -TB&XH cần tích cực hơn, cập nhật, tính toán lại số liệu nhu cầu lao động để tham mưu cho UBND tính chỉ đạo triển khai các kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực ngay khi các doanh nghiệp, dự án lớn đi vào hoạt động.