Ế ẨM, THUA LỖ, HÀNG NGHÌN LAO ĐỘNG LÂM CẢNH "THẤT NGHIỆP"

bna_vang_khach5988577_1162021.jpgKhu vực bán quần áo ở chợ Sen (Nam Đàn) vắng hoe, không có người mua sắm. Ảnh: Thanh Phúc

Dù không thuộc lĩnh vực kinh doanh buộc phải đóng cửa nhưng chị Nguyễn Thị Loan, chủ ki-ốt chuyên bán túi xách, va-li ở chợ Ga Vinh cũng gặp nhiều khó khăn do hàng quán ế ẩm. Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh bùng phát, tiền lãi bán hàng không đủ đắp đổi các chi phí phải trang trải: tiền mặt bằng, tiền thuế, tiền lãi suất, tiền thuê nhân viên… buộc chị phải cho 2 nhân viên nghỉ việc, mỗi mình chị trụ lại bán hàng để tiết kiệm chi phí.

Chị Loan, tiểu thương kinh doanh chợ Ga Vinh cho biết: “Có khi cả tuần mới “mở hàng” bán được một vài thứ, ngày nào “đắt khách” nhất cũng chỉ có vài người hỏi mua. Dù bán được hay không thì để duy trì ki-ốt kinh doanh, mỗi ngày tôi phải chi trả 200.000 đồng tiền mặt bằng, tiền điện, tiền thuế… Từ ra Tết đến nay, kinh doanh ế ẩm, đi bán hàng không công còn phải bù lỗ. Nhưng giờ đóng cửa cũng sốt ruột, sợ tồn đọng hàng hóa lâu sẽ mốc, sẽ hư hỏng nên phải mở ốt may ra có người mua hàng…”.
Ế ẩm, chị Loan, tiểu thương chợ Ga Vinh buộc phải cho 2 nhân viên nghỉ việc, tự mình dọn hàng, bán hàng và ship hàng khi khách có nhu cầu. Ảnh: Thanh Phúc

Không riêng gì chị Loan mà hầu hết các tiểu thương đều gặp khó khăn khi kinh doanh ế ẩm do tác động của dịch Covid-19.

Ông Lê Vĩnh Hùng, Trưởng ban Quản lý chợ Ga Vinh cho biết: “Tính đến thời điểm hiện nay có đến 800/1.700 ki-ốt ở chợ Ga đóng cửa ngừng kinh do ế ẩm, thua lỗ, kéo theo đó là gần 2.000 lao động thất nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh phức tạp, người dân hạn chế đến chợ mua sắm, chợ thưa vắng người. Cũng vì dịch nên kinh tế khó khăn, không dư giả tiền bạc nên ngoài mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày thì hầu như gia đình nào cũng phải “thắt hầu bao”, tính toán, cân nhắc khi mua sắm các mặt hàng khác nếu không quá cần thiết. Mùa dịch này, duy trì, cầm cự được đã tốt chứ không nói đến chuyện phát triển”.

800/1.700 ki-ốt ở chợ Ga Vinh buộc phải đóng cửa do kinh doanh ế ẩm, tiểu thương thua lỗ. Ảnh: Thanh Phúc

Ở chợ Sa Nam (Nam Đàn), chỉ trừ các gian hàng lương thực, thực phẩm là đông người qua lại, mua sắm còn các gian hàng áo quần, giày dép, túi xách, mỹ phẩm… vắng hoe, các tiểu thương người thêu tranh, người nhặt rau, người lướt điện thoại cho hết buổi chợ.

Bà Phan Thị Hạ, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thời trang chợ Sa Nam cho biết: “Ế lắm, cả ngày không có khách vào hỏi. Sốt ruột vì hàng quần áo bán theo mùa, theo thị hiếu, nếu để qua mùa sẽ lỗi mốt, sẽ thành hàng tồn, hàng thanh lý thì lỗ vốn. Cũng không biết còn cầm cự đến bao giờ”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại các chợ dân sinh, tỷ lệ tiểu thương đóng ki-ốt kinh doanh do lâm vào cảnh ế ẩm, thua lỗ chiếm khoảng 50-70%; nhiều cửa hàng dọc các tuyến phố, trung tâm thị trấn, thị tứ cũng treo biển thanh lý hàng, đóng ốt kinh doanh, chuyển nhượng ki-ốt... Kéo theo đó là hàng chục nghìn lao động thất nghiệp, không có thu nhập.  

 

 TIỂU THƯƠNG CẦN SỰ ĐỒNG HÀNH, SẺ CHIA KHÓ KHĂN

Chị Nguyễn Hương, tiểu thương chợ Sen (Nam Đàn) chuyển sang bán hàng online song lượng khách giảm đến 80% so với trước khi dịch diễn biến phức tạp. Ảnh: Thanh Phúc

Không thể ngồi chờ dịch bệnh đi qua, nhiều tiểu thương đã năng động chuyển đổi phương thức kinh doanh, từ bán hàng trực tiếp sang kinh doanh online nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng, phù hợp với điều kiện hiện tại.

Chị Nguyễn Hương, chủ shop quần áo, mỹ phẩm ở Trung tâm Thương mại chợ Sen (Nam Đàn) cho biết: “Dịch bệnh còn phức tạp, chưa biết bao giờ mới trở lại “trạng thái bình thường”. Do đó, nếu chỉ trông chờ vào lượt khách đến tận nơi để xem và mua hàng thì chắc chắn rằng hàng hóa sẽ ùn ứ, tồn đọng. Trong khi đó, đặc tính của hàng may mặc thời trang là bán theo mùa, theo thị hiếu, mỹ phẩm để lâu thì sẽ hết hạn, hư hỏng. Trong tình thế này, tôi tập trung bán hàng online,  hướng đến những sản phẩm với giá cả hợp lý, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng”.  

Một số tiểu thương khác, bên cạnh bán online, ship hàng tận nơi còn tung các chương trình khuyến mãi, giảm giá kích cầu khách hàng mua sắm bằng nhiều hình thức như: mua com-bo (2-3 sản phẩm trở lên) được tặng quà; đơn hàng 500.000 đồng trở lên được bốc thăm trúng thưởng… Đồng thời cắt giảm nhân sự, tiết kiệm điện, nước; thương lượng với chủ nhà giảm giá mặt bằng nhằm tiết kiệm chi phí, chật vật trụ lại trong mùa dịch.

Trung tâm mua sắm chợ Sen (Nam Đàn) trước đây sầm uất, đông đúc nhộn nhịp thì nay vắng vẻ, hàng quán vẫn mở bán nhưng không có khách mua. Ảnh: Thanh Phúc

Theo phản ánh của các tiểu thương, đối với những ngành hàng không thiết yếu, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sức mua giảm mạnh. Kinh doanh ngày càng khó khăn, trong khi dịch Covid-19 liên tục tái diễn khiến nhiều tiểu thương thua lỗ, ít có cơ hội thu hồi vốn đầu tư, chưa nói đến lợi nhuận. Mong muốn của các tiểu thương là được giảm giá mặt bằng, miễn tiền thuê mặt bằng trong những tháng buộc phải nghỉ kinh doanh. Đồng thời, mong muốn ngành Thuế rà soát, xem xét gia hạn việc nộp thuế, tiền thuê đất; ngân hàng có chính sách giảm lãi suất, giãn nợ… để họ xoay xở bám trụ lại trong điều kiện dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Đồng chí Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương động viên, chia sẻ khó khăn với các tiểu thương chợ Sen (Nam Đàn). Ảnh: Thanh Phúc

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kinh doanh ế ẩm, thua lỗ khiến các tiểu thương phải gánh chịu nhiều thiệt hại về kinh tế. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực tìm cách xoay xở của các tiểu thương thì rất cần sự vào cuộc, quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành để họ vừa ổn định kinh doanh vừa đảm bảo phòng chống dịch, giúp họ trụ vững, nắm bắt thời cơ mới để hồi phục, phát triển…

Thực tế cho thấy, sức mua tại các chợ truyền thống có xu hướng ngày càng giảm, tiểu thương gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Chúng tôi rất chia sẻ khó khăn với các tiểu thương, tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi chưa có chính sách hỗ trợ thì các tiểu thương cần năng động chuyển đổi phương thức kinh doanh, linh hoạt mở rộng cách tiếp cận đối tượng khách hàng bằng nhiều kênh khác nhau để duy trì kinh doanh, duy trì thu nhập. Sở sẽ bám, nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của các tiểu thương để có sự phản ánh, đề xuất kịp thời các phương án hỗ trợ đến các cấp, ngành chức năng.

Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương