(Baonghean) - Có hàng trăm bài báo đăng tải trên Báo Nghệ An đã đòi lại được quyền lợi cho hàng ngàn người dân. Tôi cũng có một bài báo có hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, nhiều hồi âm liên tục nhất kể từ hơn 10 năm nay. Bài báo nhỏ vượt qua biên giới Nghệ An, bảo vệ được quyền lợi cho hàng chục lao động là người dân tộc thiểu số ở Quế Phong, cũng như thu về số tiền đáng kể cho ngân sách Nhà nước...
Từ một lá đơn...
Chuyến ngược vùng rẻo cao Quế Phong hôm ấy đối với tôi và Thanh Lê - một phóng viên trẻ năng nổ, có một ý nghĩa "đặc biệt", mà dọc đường chúng tôi không muốn nói ra với ai, kể cả với Bí thư Huyện ủy Quế Phong. Bởi vì một lá đơn của một hộ đồng bào dân tộc thiểu số gửi về Toà soạn Báo Nghệ An, nhờ Báo bảo vệ quyền lợi cho mình do một công ty lừa ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội lấy mất 25 triệu đồng. Có không ít cấp chính quyền muốn quên đi, coi đó là việc nhỏ, chẳng đáng phải để tâm, giải quyết. Mình nói ra, không khéo người ta lại cho rằng "tìm kim đáy bể", báo chí rỗi hơi không có việc gì làm hay sao mà phải đi tận lên vùng biên hẻo lánh để tìm một việc cỏn con. Nhưng với tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo, sự nhạy bén của người làm báo, Tổng biên tập Phạm Thị Hồng Toan quyết định phải cử phóng viên điều tra cụ thể, mà hành trình đầu tiên là vượt hơn 200 km đến với Quế Phong, lên tận gia đình người bị hại, để từ đó bắt đầu tìm kiếm các công ty lừa.
Từ Quế Phong, chúng tôi phải vượt đường rừng với những dốc cua nguy hiểm vào các bản của xã Cắm Muộn, Nậm Nhóng - 2 xã chúng tôi chọn tác nghiệp sau khi đã biết không chỉ có bà Hà Thị Duyệt, bà Quang Thị Hương, mà còn nhiều hộ ở các xã khác cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Các xã này rất xa trung tâm huyện, đời sống cực kỳ khó khăn, trình độ dân trí thấp. Các công ty lừa đảo lợi dụng điều đó thuyết phục bà con điểm chỉ vào để họ lấy được tiền của ngân hàng chính sách.
...hiệu ứng của bài báo
Ngay sau khi bài báo đăng một ngày, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến động viên, khen ngợi từ bạn đọc, lên án các công ty lừa, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc. Ngay sau đó, chúng tôi mừng rơi nước mắt khi ông Hà Văn Xuyết - nạn nhân nêu tên trong bài báo đã được trả lại 25 triệu đồng từ bà Trần Thị Thu Hoài - Giám đốc Chi nhánh Hà Tĩnh của Công ty Xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa, người có dấu hiệu lừa đảo với nhiều lao động khác. Nói là được trả lại tiền, nhưng thực chất là trả lại cho ngân hàng. Vậy là công sức đi đòi lại tiền của ông Xuyết đã đạt được, dù trước đó ông đã phải bán mất con trâu mộng để đưa tiếp cho công ty lừa 8 triệu đồng nữa.
Tiếp sau đó, lại có thêm 7 người nữa được các công ty xuất khẩu lao động ở nhiều tỉnh như Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Tĩnh trả lại tiền. Trước đó, chúng tôi đã vào Hà Tĩnh, rồi làm việc với Công ty Xuất khẩu lao động Thanh Hóa để đối chất. Chúng tôi cũng liên lạc thường xuyên với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Quế Phong để tìm hiểu diễn tiến sự việc, thúc giục ngân hàng gia tăng các biện pháp thu hồi nợ. Ngày 24/8/2011, UBND tỉnh có Công văn số 4914 chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh báo cáo, giải trình, thu hồi tiền thất thoát và hồi âm cho báo. Tiếp đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước có Công văn yêu cầu Công ty Xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa giải trình vấn đề báo nêu.
Ngày 5/9/2011, Báo Nghệ An nhận được Công văn hồi âm của Công ty Xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa - đơn vị có nhiều dấu hiệu mờ ám trong xuất khẩu lao động tại Nghệ An - trả lời, cho rằng các lao động ở Quế Phong do Chi nhánh Hà Tĩnh của công ty tuyển dụng không xuất khẩu được là vì họ không chịu làm thủ tục bay. Nhưng khi phóng viên đối chất các tài liệu của công ty này thì thấy rằng công ty chưa hề có thông báo cho các lao động ở Quế Phong bay, mà chỉ có thông báo ra giải quyết sự việc sau khi Báo Nghệ An nêu. Công ty này cũng thông báo đã cách chức Giám đốc chi nhánh Hà Tĩnh do bà Hoài có nhiều sai phạm trong tuyển dụng lao động đi xuất khẩu.
Ngày 20/9/2011, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh có Công văn hồi âm cho Báo Nghệ An, báo cáo tình hình thu nợ xuất khẩu lao động và số người đã thu hồi được nợ, gồm 15 hộ, số tiền 350.190.000 đồng.
Tin vui chưa dừng lại, Báo Nghệ An lại nhận được Công văn số 302/PC.BĐ.BNA của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa gửi cho Toà soạn báo, thông báo về việc Công ty xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa đã thu tiền môi giới, tiền dịch vụ và tiền ký quỹ của lao động Lương Văn Công và Lương Văn Hải không đúng quy định, thu tiền vé máy bay và lệ phí vi-sa nhưng không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Vì vậy, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá yêu cầu Công ty CP dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa phải trả lại tiền cho người lao động ở Quế Phong - Nghệ An, kèm theo lãi suất của ngân hàng. Lại thêm 2 người nữa đòi được quyền lợi.
Như vậy, trong hai tháng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của Báo Nghệ An, một vấn đề không lớn nhưng khó khăn, nan giải, đã được giải quyết. Trước sự tận tụy, hết lòng vì người dân của Báo Nghệ An, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, chung tay giải quyết, phối hợp tìm kiếm kẻ lừa đảo, các công ty chiếm dụng vốn sai mục đích để thu lại tiền cho nhà nước, giải toả sự oan ức cho bà con.
Những người làm báo chúng tôi qua sự việc này cảm thấy vinh dự và ý thức được rằng: công việc nào mình hết lòng, làm việc chu đáo với cái tâm trong sáng và trách nhiệm của người cầm bút thì đều mang lại kết quả tốt đẹp.
Từ một bài báo, hơn 400 triệu đồng trả lại cho người bị hại
Châu Lan