(Baonghean) - Đảng bộ huyện Yên Thành trước đây có tên gọi là Đảng bộ Phan Đăng Lưu. Chi bộ Đảng xã Giai Lạc quê tôi (bao gồm xã Hậu Thành, Phúc Thành, Đồng Thành ngày nay) lấy tên là Chi bộ Hùng.
Mỗi lần sinh hoạt Chi bộ Hùng, chúng tôi thường được nghe đồng chí Phạm Thăng, Bí thư chi bộ (đương chức Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Giai Lạc) tuyên truyền về tấm gương đấu tranh cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu như: viết câu đối đả kích tên Tổng đốc Nghệ An, trong nhà tù thì kêu gọi bạn tù đấu tranh, tổ chức viết báo để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê Nin... Đồng chí Phạm Thăng yêu cầu: "Mỗi đảng viên của chi bộ Hùng phải phấn đấu học tập, rèn luyện tư cách đạo đức để xứng đáng với nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu". Những lần nghe đồng chí Phạm Thăng nói đến tấm gương Phan Đăng Lưu, các đảng viên trong Chi bộ Hùng chúng tôi đều im lặng, ghi vào tim óc những lời giảng giải ấy.
Vào năm 1947- 1948 , khi mới 17 - 18 tuổi, tôi là một thanh niên ngoài Đảng, nhưng được đồng chí Phạm Thăng chỉ định làm Văn phòng của chi bộ. Khi viết báo cáo của Chi bộ Hùng gửi về huyện, tôi đều nắn nót dòng chữ: "Kính gửi Huyện ủy Phan Đăng Lưu".Đêm 22/12/1948, trong đình làng Hương cổ kính, cả Chi bộ Hùng (lúc đó có khoảng trên 30 đảng viên) đã chỉnh tề đứng dậy nghe đồng chí Phạm Thăng đọc quyết định của Huyện ủy Phan Đăng Lưu kết nạp tôi vào Đảng. Tôi đã nghiêm chỉnh đứng dậy trong bộ quần áo bà ba màu nâu, giơ tay thề quyết tâm phấn đấu xứng đáng là đảng viên của Đảng bộ mang tên Phan Đăng Lưu.
Tháng 6 năm 1949, mới 19 tuổi, tôi vinh dự được Huyện ủy Phan Đăng Lưu điều lên nhận công tác Văn phòng trưởng của Huyện ủy (sau này là Chánh Văn phòng. Đồng chí Nguyễn Đức Thiệng, Bí thư Huyện ủy lúc bấy giờ, sau khi giao trách nhiệm mới mẻ ấy cho tôi đã thân mật nói: "Chúng ta là những thanh niên, học sinh cũng như anh Phan Đăng Lưu hồi trước, anh ấy là học sinh trường canh nông nhưng sớm giác ngộ cách mạng, trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng. Anh Phan Đăng Lưu hoạt động rất khó khăn vì mật thám rình mò, vì bọn Tây áp bức. Nay ta có chính quyền rồi, khó khăn mấy cũng không bằng thời anh Phan Đăng Lưu. Chúng ta phải xứng đáng với người lãnh đạo tiền bối ấy". Lời căn dặn của đồng chí Nguyễn Đức Thiệng động viên tôi rất nhiều.
Ngày hôm sau, tôi vác ba lô, đi bộ từ cơ quan Huyện ủy Yên Thành (lúc này đóng ở làng Kẻ Gám, xã Xuân Thành) ra xã Quỳnh Phương, nơi cơ quan Huyện ủy Quỳnh Lưu đóng, đường dài 40 cây số, để nhờ anh Vũ Văn Nho, Văn phòng trưởng và các anh ở Huyện ủy Quỳnh Lưu chỉ bảo những nghiệp vụ cần thiết về công tác văn phòng.
Sau 5 ngày học bạn, tôi lại vác ba lô, đi bộ về cơ quan Huyện ủy Yên Thành. Đêm hôm đó, tại nhà cụ Vân ở làng Kẻ Gám, cơ quan Huyện ủy bầu tôi làm Bíthư. Quá xúc động và bất ngờ! Tháng 10 năm 1949, Đại hội lần thứ tư Đảng bộ huyện Phan Đăng Lưu họp tại đình làng Liên Trì (xã Liên Thành ngày nay), tôi lại vinh dự được bầu vào Huyện ủy. Nghĩ lại những tháng năm ngắn ngủi công tác ở cơ quan Huyện ủy thời kháng chiến chống Pháp đầy gian nan, cái tên Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập sao mà thiêng liêng vậy. Cái tên ấy là niềm tự hào to lớn và thầm lặng của lớp đảng viên hồi bấy giờ. Cái tên ấy đã hun nóng trái tim và nâng bước chúng tôi vững vàng trên con đường cách mạng của Đảng.