(Baonghean) - Với những lợi thế về đất đai, nguồn lao động dồi dào, đặc biệt với chủ trương kịp thời của Bộ NN& PTNT, Nghệ An đang sẵn sàng để xây dựng nhữngcánh đồng mẫu lớn, mang lại thu nhập cao cho người nông dân cũng như tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại.

 

Yên Thành hiệncó2.165 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 234 ha mía, trên 1.600 ha sắn, 246 gia trại, trang trại nông lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi. Các loại hình dịch vụ nông nghiệp, kinh tế hợp tác phát triển, giúp đẩy nhanh cơ khí hóa vào sản xuất. Ngoài các cánh đồng thu nhập cao, nhiều năm nay, từ Dự án "Cạnh tranh nông nghiệp", Yên Thành đã có những mô hình rất hiệu quả như: Liên minh sản xuất giống lúa lai F1 tại xã Phúc Thành, Liên minh sản xuất và tiêu thụ cam xã Minh Thành và Liên minh sản xuất lúa thuần xã Tân Thành. Bên cạnh đó, Yên Thành rất chú trọng đến vấn đề chuyển đổi ruộng đất, xây dựng những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Từ đó giúp người nông dân thay đổi tư duy, phát huy tính tự chủ trong đầu tư thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây con theo hướng sản xuất hàng hóa và tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

775358_small_73965.jpg

             Đưa máy gặt đập liên hợp vào đồng ruộng Hưng Nguyên.

Nghệ An là tỉnh có tiềm năngtrong xây dựng các cánh đồng mẫu lớn. Quỹ đất nông nghiệp rộng trên 19,5 vạn ha, trong đó có những vùng đồng bằng rộng lớn hiện đã bắt đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: lúa ở Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu..., lạc Diễn Châu, Nghi Lộc, rau màu chuyên canh ở Nam Đàn, Quỳnh Lưu... Cùng với đó làlực lượng lao động dồi dào,trình độ thâm canh cao. Ngoài đội ngũ cán bộ kỹ thuật của tỉnh, còn có sự góp mặt của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn như: Viện Khoa học Nông nghiệp, Viện Thủy sản, các trường đại học... là tiền đề để xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến.

Những năm qua, thực hiện chủ trương xây dựng các cánh đồng thu nhập cao, toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, diện tích các cánh đồng 30 triệu đồng, 50 triệu đồng, thậm chí là 100 triệu đồng ngày càng được mở rộng, với các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tạo được khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay,Dự án "Cạnh tranh nông nghiệp" với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới cùng nguồn vốn đối ứng của tỉnh, người dân và doang nghiệp, tổng nguồn vốn lên đến gần 8 triệu USD, đã thực sự tạo những thay đổi rõ nét trong tư duy cũng như cách làm của người nông dân, chính quyền và doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Lương- Phó Giám đốc BQL Dự án cạnh tranh nông nghiệp cho biết: Một trong những mục tiêu của dự án là nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản của các hộ nông dân sản xuất nhỏ, thông qua việc áp dụng các tiến bộ KHKT tiên tiến vào sản xuất và sự liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Được thực hiện tại Nghệ An từ 2009- 2013, bắt đầu bằng "Liên minh sản xuất giống lúa chất lượng cao AC5 tại Diễn Liên - Diễn Châu"; "Liên minh sản xuất và tiêu thụ lạc Diễn Thịnh - Diễn Châu" và "Liên minh sản xuất chè xanh chất lượng cao Thanh Mai - Thanh chương". Đến nay, dự án đã thu được những kết quả đáng mừng. Trong đó, rõ nét nhất là xây dựng được các vùng nguyên liệu tập trung sản xuất các sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao, áp dụng tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất."Liên minh sản xuất và tiêu thụ lạc Diễn Thịnh" giữa Doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng và HTX Nông nghiệp Bắc Thịnh, với sự tham gia của 703 hộ với diện tích sản xuất lạc 240 ha, sau 1 năm thực hiện, vì gặp thời tiết bất lợi nên năng suất chỉ đạt 3 tấn/ha,nhưng vẫn cao hơn sản xuất bình thường của nông dân ngoài liên minh 0,8 tấn/ha.

Giá bán cũng như lợi nhuận đều tăng, đặc biệt tỷ lệ bán trong liên minh đã đạt 100%, đảm bảo vấn đề tiêu thụ cho nông dân, lợi nhuận đạt 38 triệu đồng/ha, vượt 15 triệu đồng so với kế hoạch. 703 lượt người đã được tập huấn về các tiến bộ KHKT. Hay "Liên minh sản xuất chè xanh chất lượng cao Thanh Mai - Thanh Chương" giữa Công ty TNHH XNK Trường Thịnh và Tổ hợp tác trồng chè xã Thanh Mai với 254 hộ tham gia trên diện tích 300 ha. Sau một năm thực hiện, với giá bán, lợi nhuận... đều tăng, liên minh đã mở ra triển vọng về nhân rộng các liên kết giữa các doanh nghiệp và tổ chức nông dân trồng chè nhằm tạo sự ổn định về giá cả; thông qua đó, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững cho những người trồng chè cũng như cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh...


Thực tế, qua gần 3 năm thực hiện, các liên minh thuộc Dự án Cạnh tranh nông nghiệp sản xuất giống ngô, lúa, lạc chất lượng cao, đến những liên minh SX và tiêu thụ cam, dâu tằm tơ... đều có những nét tương đồng với những tiêu chí do Bộ NN &PTNT đưa ra về xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Qua thực hiện dự án, doanh nghiệp có cơ hội mở rộng kinh doanh,kịp thời nắm bắt cơ hội thị trường, tạo hiệu quả kinh tế;nông dân được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật và ổn định đầu ra, có thể chủ động thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro phát sinh trong quá trình SX và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời có kế hoạch ứng phó với các nguy cơ tiềm ẩn phát sinh.


Từ những tiền đề thuận lợi đó, cùng chủ trương của Bộ NN&PTNT, Nghệ An đang chuẩn bị để xây dựng các cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn toàn tỉnh, với các yêu cầu như: phải sử dụng các giống mới, tiến bộ do ngành Nông nghiệp quy định, đầu tư đủ, đúng, kịp thời theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, an toàn với môi trường.

Theo dự kiến, trong năm nay sẽ tập trung xây dựng trên 4 đối tượng cây trồng chính là cây lúa nước, lạc, mía và ngô, tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu,Yên Thành, Nghi Lộc, Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợpvà TX Thái Hòa, với tổng diện tích trên 2.500 ha, quy mô tối thiểu mỗi cánh đồng từ 30 đến 40 ha. Việc xây dựng các cánh đồng mẫu này sẽ được thực hiện trên cây lúa từ vụ hè thu, cây lạc từ vụ xuân, cây ngô từ vụ đông năm 2012 và cây mía từ vụ ép 2012-2013. Từ đó, việc cần làm trước mắt là tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa, thực hiện chính sách để nông dân cho doanh nghiệp và nhà đầu tư thuê đất.


Theo ông Nguyễn Văn Lập- Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, để thực hiện thành công chương trình này, cần phải có những nguyên tắc nhất định. Với những vùng SX cánh đồng mẫu công nghệ cao đối với vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, bắt buộc phải có hợp đồng ký kết mua bán sản phẩm giữa người SX, chế biến và nhà tiêu thụ. Những sản phẩm không phải qua chế biến nhưng SX hàng hóa thì cần có sự tham gia của doanh nghiệp trong đảm bảo đầu ra sản phẩm. Ngoài sự tham gia của doanh nghiệp, trong xây dựng các cánh đồng mẫu lớn cũng rất cần sự tham gia của các tổ chức chuyển giao KHKT hoặc hệ thống khuyến nông. Bởi vậy, tỉnh rất cần có các cơ chế, chính sách hợp lý trong quá trình triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn.


Phú Hương