(Baonghean)- Một việc, vừa mới xảy ra ở tỉnh Ninh Thuận, nhỏ thôi, không gây hại gì cho xã hội. Ấy thế mà cứ gợi lên trong lòng sự lo ngại, tuy mơ hồ, nhưng lại khiến người ta liên tưởng tới những chuyện khác, việc khác, to lớn hơn, chứa đựng trong sự việc nhỏ đó.
Đó là ở Ninh Thuận, như người dân sở tại nhận xét, thì các cơ quan chức năng nơi đây đang áp dụng một thứ “luật” lạ đời: Người bán vé số không đúng tuyến bị coi là vi phạm, bị xử phạt hành chính và tịch thu vé số. Cụ thể là vào ngày 1/9, trước cổng chợ Phan Rang thuộc thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở Tài chính Ninh Thuận làm trưởng đoàn đã giữ một người bán vé số dạo đang cầm 8 tờ vé số do Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bình Thuận phát hành, đi bán dạo. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ vé số của người bán dạo này vì cho rằng, vé số do các tỉnh khu vực phía Nam phát hành, không được bán ở khu vực các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận! Sự việc đúng là nhỏ, nhưng gợi cho người ta nhớ lại một thời ngăn sông, cấm chợ của thời kỳ trước đổi mới. Khi đó, mỗi tỉnh, mỗi huyện như một pháo đài, người ta chỉ được làm ăn, buôn bán trong phạm vi của địa phương mình, không được vươn ra ngoài và các địa phương bên ngoài không được vươn vào trong, gây nên sự tù hãm, bí bức về mọi mặt. Không chỉ cản trở sự phát triển mà làm kéo lùi lịch sử như cỗ máy vượt thời gian trở về với thời trung cổ mông muội. Công cuộc đổi mới đã phá tan sự tù hãm đó. Đất nước vươn mình trỗi dậy như có phép lạ. Làm thay đổi hẳn mọi thứ từ suy nghĩ đến hành động, cách thức làm ăn. Những tưởng lối tư duy kiểu “ngăn sông, cấm chợ” trước đây sẽ mãi mãi là dĩ vãng. Vậy mà, giờ đây lại đang có nguy cơ trỗi dậy.
Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao lại có hiện tượng này? Bản chất của nó là gì? Câu trả lời không khó. Bởi ai cũng dễ dàng nhận thấy là do lợi ích cục bộ địa phương. Chặn những tấm vé số từ bên ngoài vào là để không bị mất thị phần của vé số trong tỉnh. Để vé số trong tỉnh thoải mái tung hoành, làm mưa làm gió trên địa bàn. Cái lợi trước mắt là doanh nghiệp xổ số của tỉnh dễ dàng thu lợi mà không phải lao tâm, khổ trí để cạnh tranh với các đối thủ khác đến từ bên ngoài. Không cạnh tranh thì sẽ triệt tiêu động lực vươn lên và sức cạnh tranh cũng bị triệt tiêu luôn. Như thế thì sẽ mãi ở chốn ao tù, nước đọng, không đủ sức, đủ tài để vươn ra biển lớn được. Nguy hiểm là vậy, nhưng vì cái lợi trước mắt người ta vẫn sẵn sàng làm. Bất chấp hậu quả về sau thế nào. Thật ra, cái tư duy cục bộ kiểu này rất phổ biến. Bởi người đứng đầu Chính phủ đã từng lên tiếng than phiền rằng 63 tỉnh thành là 63 nền kinh tế. Nghĩa là chẳng nơi nào chịu liên kết, sẻ chia với nơi khác về bất cứ thứ gì. Địa phương nào cũng đòi có đủ sân bay, cảng biển, trường đại học... chẳng ai chịu dùng chung với ai để vừa tiết kiệm nguồn lực vừa tránh lãng phí. Đã không tiết kiệm lại còn phung phí nữa thì lấy đâu ra nguồn lực để mà phát triển, để mà cạnh tranh với bên ngoài. 63 nền kinh tế nhỏ yếu kém gộp lại thì thành ra một nền kinh tế lớn mà ọp ẹp thôi. Điều đó cho thấy, đổi mới đã có một quá trình dài 30 năm rồi, nhưng tư duy, nếp nghĩ vẫn chưa đổi mới hết. Vẫn bo bo cái lối nghĩ, lối sống “đèn nhà ai nấy rạng”. Chả nhìn, chả ngó tới xung quanh để biết mình cần gì, thiếu gì và người có gì để mà phối hợp, bổ sung cho nhau, tăng thêm sức mạnh cho nhau để cùng vươn cao, vươn xa ra biển lớn để cạnh tranh ngang ngửa với bên ngoài.
Đất nước ngày càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta phải cạnh tranh với cả thế giới ngay trên sân nhà nếu không biết hợp lực cùng nhau mà chỉ biết thủ lợi, giữ chân, giữ miếng với nhau vì lợi ích cục bộ, nhỏ nhen, ích kỷ mà kìm hãm chính mình và kìm hãm nhau thì chỉ có lợi cho bên ngoài mà thôi. Muốn phát triển nhanh, phát triển mạnh để bắt kịp với đà tiến chung của khu vực và thế giới cần phải có một tìm nhìn rộng mở trong một không gian phát triển mới dài rộng, thoáng đãng, cởi mở, cạnh tranh sôi nổi và bình đẳng. Chứ cứ mãi cúi đầu chăm chắm nhìn vào cái nồi cơm nhà mình thì chẳng ngẩng lên cao nhìn trời được. Cứ giữ mãi tư duy cũ thì không thể có một không gian mới.
Bụt Sơn