(Baonghean) - Dù chưa chính thức, nhưng toàn văn dự thảo phương án thi THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố với những nội dung rất cụ thể, chi tiết.
Theo đó, những hạn chế, bất cập bộc lộ trong kỳ thi và xét tuyển đại học, cao đẳng vừa rồi như chưa bảo đảm về tính khách quan và công bằng giữa các cụm thi khi mà đề thi, hình thức thi của một số môn thi vẫn có thể tạo ra cơ hội cho những học sinh học tủ, học lệch, quay cóp bài trong khi thi; số ngày thi kéo dài gây khó khăn trong công tác tổ chức thi, vất vả cho thí sinh; phương thức thi, đề thi, chấm thi chưa khách quan triệt để; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức thi và xét tuyển chưa triệt để, tỉ lệ thí sinh ảo trong tuyển sinh cao, gây khó khăn cho các trường... đã được chỉ rõ.
Và, để khắc phục những khiếm khuyết đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung công sức xây dựng phương án điều chỉnh đồng bộ từ phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy cho đến nhiệm vụ của ngành, của địa phương và của các trường một cách cụ thể, chi tiết. Đúng người nào, việc nấy. Việc tổ chức rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời việc thi cử là rất đáng quý, đáng hoan nghênh. Nhưng mà lại làm gợn lên một nỗi lo. Liệu đó có phải là một biểu hiện rõ nét về bản chất thật của nền giáo dục nước nhà là dạy và học chỉ để đi thi. Vì lẽ, đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đã được thông qua từ lâu, tới nay chưa thấy chuyển động gì đáng kể, ngoài việc tập trung vào vấn đề thi cử.
Trong khi đó, mục tiêu của đề án là nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác giáo dục, đào tạo như chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo ở nước ta còn thấp so với yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục - đào tạo ở nước ta còn bị khép kín, thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục - đào tạo, còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, với sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường, dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ.
Chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống và kỹ năng, phương pháp làm việc… Và giải pháp quan trọng để thực hiện được các mục tiêu trên là: Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục - đào tạo theo hướng coi trọng phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Thực hiện tốt phương châm mới: Dạy người, dạy chữ và dạy nghề.
Như vậy là đã rõ, mục tiêu của đổi mới giáo dục là trang bị kiến thức cho người học để trở thành người tốt, việc tốt chứ không phải là dạy và học để đi thi. Nếu không sớm từ bỏ tư tưởng, tâm lý lấy thi cử, đỗ đạt làm đầu. Thì việc đổi mới sẽ không thể toàn diện mà vẫn chỉ phiến diện, một mặt là đổi mới thi cử mà thôi.
Để đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đạt được mục đích đề ra thì điều cần nhất là phải tránh phiến diện, một mặt.
Duy Hương