Đi từ phía Bắc, qua bến xe Vinh vào chợ Vinh là con đường mang tên 2 danh nhân, hai vị tướng được đặt tên cho một con đường dưới 2 thời đại. Một của thời dân tộc ta còn trong vòng nô lệ, một của thời độc lập dân chủ và XHCN. Đó là đường Marêsal Phốc (Maréchal Foch)-Thống chế Phốc (người có tinh thần dân tộc cùng nhân dân Pháp chống lại đế quốc Phổ cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18), nay mang tên người anh hùng áo vải: Quang Trung - Nguyễn Huệ.

762437_small_45910.jpgĐường Quang Trung hôm nay.
Đây là một phần của con đường quốc lộ huyết mạch, đường 1A, cũng là một phần tuyến đường chính của TP. Vinh ngày nay. Năm 1946, sau Cách mạng tháng Tám thành công, để đối phó với đế quốc đang lăm le xâm chiếm nước ta một lần nữa, Đảng và Chính phủ đã có chính sách tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống, trường kỳ kháng chiến. Thành phố Vinh tự tay ta phá, chỉ còn trơ lại những đống gạch vụn để Tây vào không còn chỗ ở.


Lúc đó, chúng tôi mới 15 tuổi nhưng còn nhớ rất rõ đại lộ Quang Trung (tính từ bến xe Vinh đến chợ Vinh) đã có những công trình khá lớn. Mặc dầu đến bây giờ thì chẳng ăn thua gì, như Trường Quốc học (Collège Vinh), nằm ở khu vực bến xe Vinh bây giờ, dẫu chỉ hai tầng thôi, nhưng với con mắt lúc bấy giờ thì đã là lớn lắm. Trường có 2 dãy nhà 2 tầng, cửa ngõ rộng rãi đủ cho mỗi lớp khoảng 40-50 học sinh từ lớp Đồng Âu đến lớp Đệ tứ. Nối liền hai khu nhà có hai dãy hành lang thoáng rộng và 2 nhà chơi có phòng rộng để chơi những lúc trời mưa. Một phòng dành cho lớp học sinh thiếu niên, một nữa dành cho học sinh lớn. Trường nằm trong khuôn viên khá rộng, có sân bóng "mini", có sân chơi và tập thể dục vào một số buổi chiều nhất định. Đặc biệt trường có rất nhiều cây phượng hoa đỏ rực khi hè vào. Ký túc xá của trường cũng khá sạch sẽ, kỷ luật rất nghiêm, ăn và học, ngủ và dậy đều theo giờ giấc chặt chẽ, có thầy quản lý, giám sát thường xuyên. Ai vi phạm bất kỳ điều gì đều phải phạt, nhổ cỏ, quét sân.


Qua Trường Quốc học Vinh, ta gặp một ngôi chùa khá to và đẹp, đó chính là Chùa Diệc, được xem như ngôi chùa to nhất Vinh thời bấy giờ. Trước cổng chùa có hồ sen to, quanh hồ trồng nhiều cây si, cây sung cổ thụ, tạo cho chùa một phong cảnh nghiêm uy, trầm mặc. Cổng chùa cao 3 tầng với tháp chuông, cung cách kiến trúc tinh xảo. Chúng tôi còn nhớ, chùa có 2 dãy dọc, 3 dãy ngang, có lẽ giống như cung cách của nhiều chùa khác lúc bấy giờ. Là ngôi chùa thờ Phật, nhưng đây cũng là một công trình văn hoá tâm linh, nhiều giá trị về kiến trúc, lịch sử cần phải bảo tồn và tôn tạo. Nhưng tiếc thay, sau hoà bình về thăm quê, tôi ngơ ngác tìm lại một phần kỷ niệm thời ấu thơ, thời còn là cậu học sinh Quốc học Vinh, chùa Diệc xưa đã bị phá, chỉ còn lại trơ lại cổng chùa dãi dầu cùng rêu mốc và mưa nắng thời gian.


Đi vào trung tâm là Ga Vinh, nằm gần khu vực Rạp chiếu bóng 12/9 bây giờ. Tuy là ga chính nhưng chỉ nhỏ như một ga xép phố huyện bây giờ. Ga Vinh có kiến trúc khá đẹp với phong cách gô-tích cổ kính, ngăn nắp. Lối ra vào được phân định rõ ràng, quầy bán vé sạch sẽ, đủ sáng.


Nằm tiếp trên con đường này ở phía Đông, dãy số lẻ, có những cửa hàng to đẹp, sáng sủa. Như hiệu vẽ gương kính của ông Nguyễn Đức Phiên, hiệu bán đồ thánh, tượng thánh của bà Tham Tý, bà có cô em tên Ngọc-cô Ngọc, hoa khôi một thời của Thành Vinh. Vào ra hiệu này có cả người ta lẫn người Tây, hầu hết đều không phải để mua tượng thánh, mà chủ yếu để ngắm và... tán cô Ngọc. 


Quá đó là hiệu may Tây "Tân Hải", mang số nhà 95, chuyên bán hàng tạp hoá và may áo "tân thời" cho các bà tú, bà cử của Vinh ngày ấy. Ông chủ hiệu tên là Nguyễn Trung Quế, người gốc Yên Dũng (nay là phường Hưng Dũng). Rồi đến cửa hàng sản xuất và bán đồ chạm khảm, sập gụ tủ chè, cửa hàng nước mắm Vạn Phần, hiệu bách hoá Bạch Hưng Nghiêm có ngôi nhà 2 tầng khá đẹp, hiệu sách tổng hợp, hiệu vàng Bảo Nguyên (hiệu vàng lớn nhất ở Vinh lúc bấy giờ). Người ta nhớ hiệu vàng Bảo Nguyên có lẽ không hẳn vì chuyện kinh doanh, mà nhờ có cô Khanh, Bảo Nguyên Khanh, cũng là một trong những hoa khôi của Vinh với mối tình hiếm thấy. Thời đó, cô Khanh yêu và lấy một kỹ sư luyện kim, Việt kiều Pháp, được Bác Hồ đưa về nước sau Hội nghị Fontainerblau. Ông tên là Võ Quý Huân, đã mất trong chiến tranh.


Rẽ sang phía Tây, một phố trong Ngã tư chợ Vinh có hiệu thuốc Bắc nổi tiếng khắp miền Trung, hiệu Vĩnh Hưng Tường. Ngoài phía Bắc đại lộ cũng có các hiệu vàng lớn như Quảng Thành, Phú Nguyên, Đại Nguyên. Qua kho bạc với kiến trúc kiên cố là nhà in Vương Đình Châu, anh em công nhân ở đây đã giác ngộ cách mạng từ rất sớm, có tham gia in ấn nhiều tài liệu quan trọng cho Đảng ta. Kề bên là hiệu thuốc Sinh Huy, cũng ít người nhắc đến chất lượng, giá cả của thuốc ở đây nhưng cứ nhắc đến cô Quang, Quang Sinh Huy là anh em nam sinh collège Vinh và mấy chú nhóc của trường Cao Xuân Dục là ai cũng nhớ. Nghe nói cô Quang sau này ra bán thuốc tại một cửa hàng lớn ở Hàng Khay (Hà Nội).


Đến nữa là cửa hàng cắt tóc Vĩnh Khang, lớn nhất ở Vinh, đêm nào cũng sáng rực đèn. Tiếng đồn lại rằng, ở đây có hiệu ảnh Bình Minh, một cơ sở hoạt động bí mật của Đảng ta. Ông Phương, chủ hiệu tên thật là Nguyễn Duy Hai và ông Vinh Thiệu, phụ trách cả 2 việc, chụp ảnh và hoạt động cách mạng. Tiếp đó là cổng thành Cửa Tả, phía bên phải có khách sạn Liên Hương, tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, không như nhà trọ quanh bến xe Vinh bây giờ. Ngày ấy đã dùng từ khách sạn là sang và an toàn lắm.


Vinh xưa, đơn sơ mà quyến rũ. Vinh một thời gọn gàng, phong quang, ngăn nắp lắm. Tuy nhỏ thôi, nhưng thành phố cũng đã có dáng nét hiện đại, văn minh, trên vỉa hè không có hàng quán lấn chiếm, đường sá thảnh thơi trong tiếng nhạc ngựa kính coong. Chiều chiều nắng nhạt, các cô tiểu thư áo dài tân thời cổ cao, tay xách ví đầm thướt tha trên hè phố bên mấy chàng trai tập quyền Anh ngực nở, đầu bốc hoặc bên mấy cậu tú, cậu cử nho nhã. Họ đi nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự. Thi thoảng có cô cậu trích một vài câu văn hay nào đó của nhà văn Pháp thay cho ý nghĩ "khó diễn và kín đáo" của mình với bạn đi cùng. Vinh ngày ấy chỉ có dăm ba cái ô tô, xe đạp chỉ tính số chục, xe môtô thì hầu như vắng bóng. Trên vỉa hè mọi người đi lại trật tự và êm ả. Các ông cu-lít (cảnh sát) đi lại lững thững vì không có việc để làm. Đấy là Vinh ngày ấy. Còn Vinh hôm nay, như Bác Hồ đã dặn là phải "gấp mười ngày nay" (năm 1966). Ta đã làm như Bác bảo, nhưng mới chỉ to, rộng, chưa thực sự được văn minh, trật tự như Bác muốn.


Đại lộ Quang Trung đã rộng gấp cả chục lần so với đường Maréchall Foch xa xưa, đã có nhiều khách sạn cao tầng, lắm sao. Hàng hoá tràn ngập, đầy đủ, từ cái kẹo cu-đơ truyền thống đến những salon ôtô đời mới bóng lộn. Người dân thành Vinh đã chạy những chiếc xe trị giá hàng trăm ngàn Mỹ kim. Quảng trường, vườn hoa cũng đã mọc lên làm Vinh thêm hiện đại, chuyện này cũng chưa có trong giấc mơ của các vị thượng thư một thủa, ngay với các quan Tây cũng chỉ là ảo vọng. Tuy vậy cũng thành thật mà nói thì đại lộ Quang Trung bây giờ còn thiếu nhiều cây xanh cho một thành phố nhiều gió, lắm nắng. Hình như ngày Bác Hồ về thăm quê cũng đã ân cần dặn kỹ điều này, và Bác còn gửi cả hạt giống cây xanh về cho thành phố nữa thì phải? Thế mà Quang Trung nói riêng và Vinh nói chung vẫn thiếu nhiều bóng mát cho khách nghèo đi bộ.


Vinh còn đẹp, còn to hơn nhiều nữa nếu Vinh tận dụng mọi vẻ đẹp của thiên nhiên. Sông Lam, Bến Thuỷ, Cửa Hội, Cửa Lò, núi Quyết, Hòn Ngư....đâu cũng đẹp, cũng thơ. Tôi tưởng đến một dãy phố ven sông Lam xuôi ngược những chuyến đò, vẳng tiếng đò đưa toả dài, vấn vít theo làn nước biếc, hay một đoạn phố biển rộn rã, khoáng đạt Cửa Hội nối Cửa Lò, khu phố du lịch dành cho bạn bốn phương. Tôi mơ thế, chắc không phải là viễn tưởng?!v

 

(Ghi theo lời kể của ông Phạm Trung Liên, người gốc Vinh, nghỉ hưu tại Tập thểBộ VH-TT, Hà Nội)


Trần Hải