Nam Đàn tự hào là nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng những nhân vật kiệt xuất làm rạng rỡ truyền thống của quê hương đất nước như: Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX; và trước đó nữa, cách đây trên 1.300 năm là người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan- lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Đường ở thế kỷ thứ VIII.

762445_small_46227.jpgLễ hội đền Vua Mai.
Những di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể) gắn với Vua Mai và cuộc khởi nghĩa của ông trên đất Nam Đàn là vô cùng quí giá. Xác định rõ điều đó, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp với ngành Văn hóa và các cấp, các ngành liên quan, để gìn giữ và phát huy có hiệu quả những di sản đó.


Đối với các di sản văn hoá vật thể- khu di tích Đền thờ và Miếu mộ Vua Mai, huyện đã phối hợp với ngành Văn hóa để từng bước tu bổ, nâng cấp và phục hồi các hạng mục công trình của di tích. Năm 1996, Sở Văn hoá- Thông tin (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) lập hồ sơ khoa học di tích Đền thờ và Miếu mộ Vua Mai và được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia. Năm 2005, UBND tỉnh đầu tư kinh phí nhiều tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo và phục hồi khu di tích như hiện nay. Tại khu vực Đền thờ Vua Mai ở Thị trấn Nam Đàn, UBND huyện Nam Đàn đã tiến hành giải toả mở rộng khuôn viên, tạo không gian rộng rãi để thuận lợi trong việc bảo vệ và tổ chức các hoạt động lễ hội tại di tích. Khu Miếu mộ và đền thờ Vua ở Núi Đụn, xã Vân Diên cũng được tôn tạo, nâng cấp. Sau hậu cung là ngôi mộ Vua Mai được ốp đá, dựng bia, trên mộ phần là nhà che mộ theo kiểu thượng miếu hạ mộ. Để có không gian thoáng rộng tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao tại đây, cả một vùng thung lũng phía trước của di tích được cải tạo thành hồ nước và sân lễ hội, qui hoạch khuôn viên, xây kè bến sông phía trước, bảo vệ và trồng thêm nhiều cây xanh, cây ăn quả vùng đồi núi xung quanh, tạo thành một quần thể di tích - danh thắng gắn với du lịch sinh thái.


Tại khu vực núi Giẻ - nơi có khu mộ Thân mẫu Vua Mai, năm 2000, huyện Nam Đàn đã cho xây lăng thay cho ngôi mộ trước đây được đắp bằng đất, trên ghép đá. Năm 2004, khu mộ được tạo khuôn viên đẹp đẽ như hiện nay. Đây cũng là một điểm du lịch văn hoá- sinh thái khá hấp dẫn với nhân dân và du khách.


Đối với các di sản văn hoá phi vật thể, huyện rất quan tâm đến việc phục hồi và phát triển lễ hội tại di tích. Từ năm 2000, trên cơ sở những nét văn hoá truyền thống, những hoạt động văn hoá dân gian đã ăn sâu vào tiềm thức, những phong tục truyền thống của lễ hội được phục hồi và từng bước phát triển.


Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành ở tỉnh và Trung ương Lễ hội đền Vua Mai được nâng lên một bước với nội dung ngày càng phong phú hơn, có sức lan toả lớn. Để nâng cao chất lượng Lễ hội đền Vua Mai, ngành Văn hoá - Thông tin và Chính quyền địa phương đã bảo tồn và phát triển theo hướng chọn lọc các giá trị văn hoá truyền thống, đặc sắc trong lễ hội, chú trọng đề cao các giá trị văn hoá tâm linh, ổn định các nghi thức tế lễ, loại bỏ dần các yếu tố lạc hậu và xây dựng thêm các yếu tố văn hoá mới phù hợp, bổ sung và đổi mới các hoạt động hội bám sát theo các tích diễn, trò chơi dân gian liên quan đến nhân vật Mai Hắc Đế và gắn với các giá trị văn hoá truyền thống ở địa phương như: hội vật, leo núi, thi hát dân ca, văn nghệ quần chúng, hội trại, thi nấu ăn đặc sản quê hương, thi người đẹp Sa Nam, thi đấu các môn thể thao (bóng đá, bóng chuyền); hội đua thuyền gần đây thu hút được nhiều huyện lân cận như Hưng Nguyên, Thanh Chương, và thị xã Cửa Lò cùng tham gia. Đặc biệt vào đêm Rằm tháng Giêng năm 2006, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu tại sân đền đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khách thơ và công chúng yêu thơ...


Công tác tuyên truyền, cổ động, quảng bá và giới thiệu về Lễ hội đền Vua Mai, về sản phẩm của địa phương trong dịp lễ hội được đẩy mạnh. Các ấn phẩm văn hoá được in và phát hành rộng rãi. Từ năm 2005, Ngành Văn hoá Thông tin thực hiện giao quyền chủ động cho Chính quyền địa phương và nhân dân Nam Đàn tổ chức lễ hội, chỉ thực hiện việc quản lý nhà nước, tham gia chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ. Công tác xã hội hoá các hoạt động lễ hội được quan tâm thực hiện, khuyến khích việc huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho các hoạt động lễ hội; thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền và từng người dân trong việc tham gia các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, xây dựng nếp sống văn hoá trong lễ hội. Cơ sở vật chất được tăng cường, các công trình của di tích được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp, mở rộng không gian, chỉnh trang cảnh quan môi trường, xây dựng sân lễ hội mới tại khu Miếu mộ; mua sắm trang thiết bị phục vụ lễ hội như: trang phục tế lễ và đồ tế khí. Gắn lễ hội với việc giới thiệu hệ thống các di tích - danh thắng trong địa bàn- một vùng non nước địa linh nhân kiệt như: Khu di tích Kim Liên, Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, Mộ đồng chí Lê Hồng Sơn, bến Sa Nam, Thành lục niên và khu di tích La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp... để hướng tới một lễ hội văn hoá lịch sử, làm cho Lễ hội đền Vua Mai ngày càng có những hình thức, nội dung hấp dẫn du khách.


Thời gian tới, cần xem xét và nâng cấp Lễ hội đền Vua Mai thành lễ hội cấp tỉnh để nhân dân các địa phương trong và ngoài tỉnh hiểu rõ và mãi mãi biết ơn và tôn vinh công tích hiển hách và sự hi sinh cao cả của Mai Thúc Loan và các dũng tướng của ông cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.


Ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch cần phối hợp với Nam Đàn hình thành tuyến du lịch sinh thái; đồng thời cần đa dạng hoá các hoạt động khai thác, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hoá trong vùng để thoả mãn nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hoá của nhân dân và du khách, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, của tỉnh.


Phạm Xuân Quang