Phải nói chính xác U22 Việt Nam vô địch SEA Games 30 lần này đầy thuyết phục, ngay cả các cổ động viên Indonesia, Thái Lan - những “bại tướng” của ông Park cũng cho rằng, nếu Việt Nam không vô địch thì chả ai xứng đáng hơn.

Kết thúc 1 chiến dịch hoàn hảo

Bản thân HLV Sjafri trước trận đấu cho rằng: “Chúa đứng về phía U22 Việt Nam” nhưng sau trận đấu đã thừa nhận nếu U22 Indonesia lên “ngôi vương” thì cũng là chức vô địch không trọn vẹn khi họ đã từng thua U22 Việt Nam tại vòng bảng.

Thầy trò ông Park Hang-seo đã có một chiến thắng toàn diện. Chiến thắng về kết quả cụ thể trên sân. Chiến thắng về thế trận, khả năng tận dụng tình huống trên sân. Chiến thắng về bản lĩnh trên sân cỏ (khi bị thủng lưới trước) và cuối cùng là chiến thắng về tầm vóc (chiều cao).

583713581_12122019.jpgQuang Hải quá tải là điều được cảnh báo từ lâu. Ảnh VFF.
Chức vô địch SEA Games 30 là kết quả tất yếu của một quá trình chuẩn bị hoàn hảo, tổng lực của nhiều cá nhân, tập thể liên quan. Nhưng sau khi thành công tại Philippines để chinh phục những mục tiêu mới cũng là lúc bóng đá Việt Nam phải có những tư duy mới.
Với tư cách là nhà vô địch AFF Cup, SEA Games, làn sóng cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu sẽ ngày càng nhiều. Không phải lúc nào chúng ta cũng tìm được CLB như SC Heerenveen, sẵn sàng nhả quân về tham dự SEA Games. Ngay cả Văn Hậu tại SC Heerenveen, nếu SEA Games 31 tới đây khi đã lọt vào đội hình đá chính, mọi việc cũng khó khăn hơn nhiều.
Nên nhớ tại SEA Games 30 chúng ta đã đưa tới Philippines 8 cầu thủ đã và đang là tuyển thủ quốc gia. Một đội hình mạnh nhất trong 11 đội tham dự giải và mạnh nhất trong 15 kỳ tham dự SEA Games của chính chúng ta. Đây là điều đang trái lại quy tắc làm bóng đá chuyên nghiệp, ngoại trừ đấu trường Olympic, không mấy khi người ta đưa cầu thủ đội tuyển quốc gia xuống thi đấu sân chơi đội tuyển trẻ.
Không phải người Anh không coi trọng World Cup U20, nhưng họ vẫn quyết định không gọi các tuyển thủ Dele Alli, Rashford tham gia tuyển U20 Anh quốc. Đơn giản, sân chơi ấy phải dành cho các cầu thủ khác nhằm phát hiện nhân tài cho đội tuyển quốc gia. Bản thân các đội tuyển trẻ, nếu sử dụng các tuyển thủ quốc gia thì dẫu vô địch cũng không được đối thủ dành cho sự kính nể.
Khi bóng đá Việt Nam chuyển mình, các CLB V.League sẽ có điều kiện đi sâu hơn tại các giải bóng đá khu vực và châu lục. Việc phân phối sức lực cho cầu thủ như thế nào để tránh trường hợp đáng tiếc như Quang Hải là điều cần phải được VFF và các CLB tính toán. Rõ ràng, sức vóc của các cầu thủ Việt Nam khó lòng đảm bảo thi đấu 60 trận/năm.
Câu chuyện sử dụng Quang Hải như thế nào là điều được các nhà chuyên môn cảnh báo từ lâu. Thực tế, chỉ va chạm khá nhẹ cũng khiến Quang Hải sớm rời cuộc chơi, không đóng góp được nhiều cho U22 Việt Nam tại SEA Games lần này.
Nhìn tới tương lai

Việc dồn toàn lực của nền bóng đá để đạt được danh hiệu vô địch SEA Games như vừa qua là điều nên làm, cần làm. Nhưng khi đã làm được rồi, mục tiêu hoàn thành, sứ mệnh trọn vẹn, chúng ta có tiếp tục duy trì cách làm ấy hay không là điều cần cân nhắc.

Đã đến lúc phải “quy hoạch” các trụ Quang Hải, Văn Hậu, Hùng Dũng, Trọng Hoàng… nên tham gia những giải đấu gì? Ảnh: VFF
So với giấc mơ World Cup thì chức vô địch SEA Games trở nên quá nhỏ bé, nhìn Thái Lan đã 15 lần vô địch trong 30 kỳ tổ chức vẫn đang trầy trật thì đủ hiểu. Dù chúng ta đang dẫn đầu 1 bảng đấu vòng loại thứ 2 World cup 2020 khu vực châu Á, nhưng để đi tiếp mọi việc không dễ dàng.
Khó khăn là thế, nhưng nếu như tiếp tục tung những cầu thủ trụ cột như Quang Hải, Văn Hậu, Hùng Dũng, Trọng Hoàng vào những đấu trường giải trẻ để vướng phải chấn thương hay bị bào mòn thể lực thì không biết đến bao giờ mới thực hiện được mục tiêu World cup.
Dốc toàn lực để thống trị SEA Games hay AFF Cup hay tính toán phân phối nguồn lực để có mặt ở những đấu trường danh giá là bài toán mà các nhà quản lý bóng đá Việt Nam phải tính.