Trong 1 trận đấu chung kết mà U22 Việt Nam chuẩn bị kỹ lưỡng, không cho đối thủ hở từng xăng-ti-mét, tổ chức đánh chặn khắp mặt sân, thi đấu với cường độ cao suốt 90 phút thì đúng là U22 Indonesia không có cửa ghi bàn. Nhưng để làm được điều đó, không đơn thuần là một sớm, một chiều.

1.Chia sẻ, thấu hiểu

Ban đầu cả ông Park Hang-seo lẫn HLV trưởng tuyển U22 Thái Lan Akira Nishino đều không hiểu được tầm quan trọng của chức vô địch SEA Games. Với những người đã từng tham gia World Cup thì vòng loại World Cup 2020 hay VCK U23 châu Á 2020 mới là các giải đấu đáng được quan tâm. Khi SEA Games 30 cận kề vòng loại World Cup 2020 thì việc các ông thầy chỉ cử trợ lý cầm quân là điều dễ hiểu. Bản thân ông thầy người Nhật Bản Akira Nishino khi đến Thái Lan làm việc mới biết đến giải đấu này.

Rõ ràng, việc Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện làm việc với thầy Park để ông thay đổi quyết định thân chinh cầm quân là điều cần thiết, kịp thời. Liên đoàn bóng đá Thái Lan cũng có động thái này nhưng quỹ thời gian của HLV Akira Nishino không còn và kết quả thế nào là điều mọi người đã thấy.

12023337495_11122019.jpgÔng Park, người đứng cạnh mọi thành công của bóng đá Việt Nam 2 năm qua. Ảnh: SP5

2. Kế hoạch dài hạn

Nhìn kế hoạch tập luyện 10 tháng của ông Park thì người ta mới hiểu vì sao phải mất 60 năm chúng ta mới có chức vô địch SEA Games. Nếu tính từ năm 1991, sau 14 kỳ SEA Games chúng ta chỉ có 4 lần không thua ở vòng đấu bảng.

Khi hiểu được tầm quan trọng của chức vô địch SEA Games, ông Park đã có kế hoạch chuẩn bị dài hơi, chi tiết từ thành phần BHL, cầu thủ, giáo án tập luyện. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì cũng chưa có đội tuyển nào có số lượng cầu thủ được gọi, thời gian tập luyện kéo dài đến thế. Nhưng điều đó lại được cho là phù hợp khi phần lớn các cầu thủ U22 Việt Nam không được thường xuyên ra sân ở CLB.

3. Linh hoạt điều chỉnh

 Đây là giải đấu mà ông Park đã sử dụng hết 20 cầu thủ đem sang Philippines, 7 trận đấu là 7 đội hình khác nhau với 3 sơ đồ chiến thuật 3-4-3, 3-4-1-2, 4-4-2. Quang Hải là cầu thủ quan trọng nhất của U22 Việt Nam nhưng khi tiền vệ số 19 này chấn thương, phương án dự bị Trọng Hùng còn bị chấn thương trước đó, nhưng ông Park vẫn có cách điều chỉnh linh hoạt.

Việc thay người tại SEA Games lần này được coi là đúng người, đúng thời điểm. Ông Park kết hợp cả việc hoán đổi vị trí trên sân lẫn thay nghỉ rất hài hòa, nhân văn. Việc bố trí Trọng Hùng vào sân vài phút cuối được coi là quyết định tinh tế. Nhưng việc đưa Tấn Tài ra sân sau 18 phút trên sân lại được đánh giá là dứt khoát, kịp thời.

Việc lựa chọn ra 21 cầu thủ đưa sang Philippines từ 71 cầu thủ sơ tuyển của BHL U22 Việt Nam được coi là một kỳ công. Ảnh: VFF

4. Chọn điểm rơi tốt

Ông Park đã tỏ ra cao tay khi chọn điểm rơi cho Tiến Linh, Đức Chinh và toàn thể U22 Việt Nam cực tốt. Việc tại SEA Games lần này chúng ta có 24 bàn thắng, nhưng lần nào đối thủ cũng gặp bất ngờ về nhân sự ghi bàn, cách thức ghi bàn.

Sau hiệp 1 trận bán kết với U22 Campuchia, dường như ông Park đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho trận chung kết. Nếu Thanh Tịnh không chấn thương khi khởi động thì đội hình ra sân đúng như đối thủ dự đoán, nhưng miếng đánh thì chắc chắn HLV Indra Sjafri và các học trò hoàn toàn mù tịt.

Khi đã tạo thế trận tốt, thì việc ghi bàn có chăng chỉ là cái duyên dành cho cá nhân cụ thể nào. Bản thân ngay khi thủ môn Văn Toản lỡ trớn thì bóng từ chân cầu thủ Indonesia lại tìm đến cái đầu của Thành Chung. Một trận đấu chặt chẽ về mặt đấu pháp mà chính ông thầy Indra Sjafri thừa nhận: “Khi thua đến bàn thứ 2 thì tôi hiểu cơ hội dành cho U22 Indonesia đã hết”.

Khi đã có đủ 4 yếu tố trên, thì chỉ cần có thêm chút may mắn là chức vô địch đã nằm gọn trong tay thầy trò HLV Park Hang-seo. Một chức vô địch có phần muộn mằn nhưng hoàn toàn xứng đáng với bóng đá Việt Nam. Quan trọng hơn là sau cúp vàng AFF nó là cột mốc xác nhận bóng đá Việt Nam đã chính thức bước sang trang mới./.