(Baonghean) - Trong khi các đại biểu Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) thì Bộ Giao thông Vận tải đã có ngay hành động cụ thể và rất thiết thực là tuyên bố cắt giảm chi phí 15 nghìn tỷ đồng sau khi rà soát thiết kế kỹ thuật 3 dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành.
Xin nhắc lại là mười lăm nghìn tỷ chứ không phải mười lăm tỷ. Một con số mà nói theo ngôn ngữ của lớp trẻ bây giờ là: Quá khủng! Nhưng điều gợi lên nhiều suy nghĩ hơn cả là khi bộ đó khẳng định là việc cắt giảm một lượng tiền khá lớn đó không hề ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Vì đó là các hạng mục phụ trợ chưa cần thiết. Nghĩa là có hay không có các hạng mục đó thì công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn của đường cao tốc.
Điều đó chứng tỏ là khi thiết kế, người ta đã “quá cẩn thận” hoặc cố tình thêm thắt vào quá nhiều thứ không cần thiết hoặc chưa cần thiết, khiến chi phí đội lên một cách bất bình thường. Chuyện này không mới, bởi cách đây chưa lâu, cũng trong ngành Giao thông, khi rà soát lại thiết kế của một cây cầu, giảm từ dây văng đến không văng đã “tinh giảm” được một khoản tiền “được biên chế” sẵn trong thiết kế, sơ sơ là… 600 tỉ đồng. Đương nhiên sự cắt giảm đó đã làm mất đi danh hiệu là cây cầu dây văng có khẩu độ lớn nhất Đông Nam Á.
Đánh giá việc này, nhiều người cho là ta còn nghèo nhưng làm cái gì cũng thích cho to, cho hoành tráng; phải là nhất chỗ này, nhì khu vực nọ… Còn nhiều những câu chuyện lãng phí khác đang làm nóng dư luận. Câu chuyện 1.800 tỷ đồng nắn dòng chảy Sông Hồng và hiện Cục Đường thủy nội địa đang làm thủ tục xin thêm 1.600 tỷ đồng nữa để điều chỉnh dự án; mới đây Sở PCCC Hà Nội đã đưa ra con số 6.000 tỷ đồng xin Thành phố Hà Nội để trang bị thiết bị cho cảnh sát PCCC, hay như dự án 1.100 tỷ đồng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường xin Chính phủ để mua tàu điều tra tài nguyên môi trường biển…
Những con số nghìn tỷ được đưa ra trong thời buổi kinh tế khó khăn này đã nhận được nhiều ý kiến phản biện cho rằng lãng phí, không cần thiết khi đối chiếu vào hiệu quả thực tế sử dụng.
Ngạn ngữ có câu “thừa giấy vẽ voi”, nhưng với hoàn cảnh như hiện tại thì không những chúng ta chưa “thừa giấy” mà thậm chí là rất “thiếu giấy”, nhưng lại vẫn ham thích “vẽ voi”. Còn vì sao lại ham thích “vẽ voi” đến vậy thì có lẽ là do tính thích phô trương, hình thức; nặng lối nghĩ theo kiểu “tiền Nhà nước” nên không thấy xót, không thấy tiếc. Nhưng có lẽ căn nguyên sâu xa và có sức chi phối mạnh mẽ đến sở thích tốn kém đó hơn cả vẫn là lợi ích. Để cho dễ hình dung, chúng ta cứ so sánh với một việc rất đời thường là khi làm thịt một con voi phần thịt được chia chắc chắn sẽ nhiều hơn là làm thịt một con khỉ. Có lẽ vì thế mà khi thiết kế các công trình xây dựng hay lập các đề án, dự án có nguồn vốn từ công quỹ, người ta luôn ham thích “vẽ voi”.
Hoan nghênh Bộ Giao thông Vận tải đã có hành động kiên quyết ngăn chặn kịp thời “sở thích” vô cùng tốn kém đó. Và cũng mong các đại biểu Quốc hội dốc hết tâm huyết và trí tuệ để xây dựng được một bộ luật đủ mạnh để kịp thời chặn đứng sở thích “vẽ voi” đã và đang tiêu phí nguồn lực tài chính không nhỏ của đất nước.
Từ bỏ sở thích “vẽ voi”
Duy Hương