Khoảng một tuần nay, nông dân Phú Ninh (Quảng Nam) bước vào vụ thu hoạch dưa hấu. Tuy nhiên, người dân phải dán tem Trung Quốc lên dưa hấu mới xuất khẩu được sang thị trường này.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PNT Quảng Nam cho biết, đây là quy định mới của phía Trung Quốc khi nhập các mặt hàng nông sản.
Thực tế, hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện nhiều quy định khắt khe hơn đối với trái cây nhập khẩu nói chung, dưa hấu nói riêng.
Trước đó, vào ngày 5/4, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cũng đã có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam về việc thời hạn áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu của Trung Quốc.
Theo đó, từ 1/1/2019, các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc.
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản lưu ý: dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc.
Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây; chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc.
Từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái.
Ngoài ra, đối với mít yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc.
Còn đối với chuối, yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc).
Liên quan đến việc dán tem Trung Quốc cho dưa hấu, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, thông tin về sản phẩm trên bao bì (thùng hàng, hoặc trên trái cây) là do chính doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc và doanh nghiệp xuất khẩu của phía Việt Nam thỏa thuận.
Thông thường, thông tin về sản phẩm xuất khẩu sang nước nào thì các doanh nghiệp thường tự thỏa thuận là in bằng tiếng của nước nhập khẩu, có thể có thêm tiếng Anh hoặc chỉ dán tem tiếng Anh.
Theo Cục Bảo vệ thực vât từ năm 2018, việc xuất khẩu hàng hóa, nông sản sang Trung Quốc được thực hiện chính ngạch, loại bỏ dần xuất khẩu tiểu ngạch. Theo đó, nông sản, trái cây phải được đóng gói, ghi nhãn thông tin sản phẩm theo quy định. Đây cũng là yêu cầu theo thông lệ quốc tế.
Về mặt hàng trái cây, Trung Quốc đã áp dụng các yêu cầu về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc từ rất lâu đối với các nước khi xuất khẩu vào nước này, trong đó có các nước ASEAN.
Tuy nhiên đối với Việt Nam, do đặc thù về thương mại biên mậu lâu đời với Trung Quốc, nên việc áp dụng các quy định về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm muộn hơn so với các nước ASEAN.
Năm 2018, phía Trung Quốc mới chính thức có thông báo đề nghị việc bắt buộc phải đóng gói, dán nhãn thông tin truy xuất nguồn gốc các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo phụ lục hướng dẫn về tem nhãn truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc, dưa hấu cũng như 8 loại trái cây đã được xuất khẩu sang quốc gia này, trên thùng sản phẩm phải ghi những thông tin gồm: Tên đơn vị xuất khẩu; chủng loại hoa quả; tên nhà vườn hoặc số đăng ký (tức mã số vùng trồng); tên xưởng đóng gói hoặc số đăng ký (tức mã số cơ sở đóng gói).
Thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói (nơi trồng, diện tích, sản lượng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nơi đóng gói, thông tin liên hệ) thông qua mã số vùng trồng được các địa phương đăng ký lên được Cục Bảo vệ thực vật gửi sang cho phía Trung Quốc để đưa vào hệ thống dữ liệu hải quan.