Từ ngày mai, 1/1/2014, hàng loạt quy định liên quan đến xử phạt vi phạm giao thông, tăng lương tối thiểu, tăng phí giao thông đường bộ… có hiệu lực.
 
Nghị định 171/2013 (Nghị định 171) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định mức xử phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm không tăng mà được giữ nguyên như các nghị định trước đây (Nghị định 34/2010 và Nghị định 71/2012).
 
Đặc biệt, Nghị định 171 đã giảm mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm. Trong đó, mức phạt đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ phương tiện giảm còn 100.000-200.000 đồng với mô tô, xe máy (mức phạt trước đây là 800.000 đến 1,2 triệu đồng) và 1-2 triệu đồng với ô tô (mức phạt trước đây là 6-10 triệu đồng). Thời điểm áp dụng xử phạt cụ thể: Từ ngày 1/1/2015 xử phạt đối với ô tô và từ 1/1/2017 đối với mô tô, xe máy. Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm chỉ thực hiện thông qua công tác điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và qua đăng ký xe chứ không kiểm tra phương tiện lưu thông trên đường.
 
Nghị định 171 cũng bổ sung một số hành vi vi phạm mới như phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với hành vi gây tai nạn giao thông mà người điều khiển phương tiện không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
 
images904359_xuphat_1.jpgVượt đèn đỏ, rẽ trái tại ngã tư Bà Triệu - Hai Bà Trưng. Ảnh : Hoàng Hà.
 
Thời gian tạm giữ phương tiện giảm xuống còn 7 ngày thay vì 10 ngày như trước đây và chỉ tạm giữ phương tiện đối với những vi phạm của người điều khiển có tính chất nguy hiểm, như điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ, đuổi nhau trên đường bộ…
 
Theo Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, kể từ ngày 1/1/2014 đến năm 2016, phí đường bộ sẽ tăng gấp 2-3,5 lần quy định chung.
 
Lãnh đạo Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho biết việc tăng phí đường bộ đối với các dự án giao thông hoàn vốn đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Theo đó, mức phí đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng sẽ có phí từ 15.000-52.000 đồng; xe từ 12-30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn sẽ trả phí từ 20.000-70.000 đồng...
 
Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng việc tăng phí đường bộ hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tế. Trước những bức xúc của dư luận xung quanh việc thu phí hoàn vốn các dự án đường giao thông, ông Trường khẳng định sẽ chỉ có những dự án hoàn thiện rồi mới được phép thu phí. Bộ GTVT sẽ rà soát các dự án để xem xét chứ không phải dự án nào cũng được áp dụng mức phí mới.
 
Theo Zing.vn