(Baonghean) - Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã  hội, phòng cháy, chữa cháy và phòng chống bạo lực gia đình bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/12/2013. Trong đó, về bạo lực gia đình, những hành vi như vợ chồng đánh chửi nhau; con cái bất hiếu với cha mẹ; cấm thành viên ra khỏi nhà gặp gỡ người thân; ép tảo hôn; ép ly hôn, ngăn cản hôn nhân tự nguyện; lợi dụng các phương tiện thông tin để vu cáo, bôi nhọ nhau… đều bị xử phạt bằng tiền đang thu hút sự quan tâm của dư luận với những lời bình luận trái chiều.
 
Với những quy định trên, nhiều người cho rằng Nghị định 167 cũng dễ bị “xếp xó” như một số văn bản xử phạt hành chính gần đây mà thôi. Không chỉ ở các quán xá, vỉa hè người ta bàn luận mà trên các trang mạng xã hội, các báo điện tử còn đem chuyện này ra chế diễu và cho rằng những chuyện như vợ chồng đánh chửi nhau, con cái bị cha mẹ đánh là không thể xử phạt được. Vì các thành viên gia đình sẽ rất dễ chối và bao che hành vi vi phạm vì sợ mất… tiền phạt.
 
Thời gian qua, có một số nghị định, thông tư liên tịch hoặc một số văn bản cấp ngành quy định về xử phạt hành chính như cấm đốt vàng mã ở nơi công cộng; cấm hút thuốc lá ở khu vực đông người; thịt tươi sống chỉ được bán trong 8 tiếng đồng hồ sau khi giết mổ; rượu “cuốc lủi” phải đăng ký cấp phép… thiếu tính khả thi, không thực tế và “chết yểu” sau đó không lâu. Tuy nhiên, một xã hội đang xây dựng theo hướng công bằng, dân chủ, giàu mạnh và văn minh; một xã hội đang hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng thì rõ ràng Chính phủ ban hành Nghị định 167, trong đó quy định về những hành vi bạo lực gia đình cần xử phạt hành chính là cần thiết.
 
Theo một điều tra dư luận do Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Tổ chức Y thế  giới (WHO) tiến hành gần đây cho thấy ở nước ta, có 58% số chị em bị ít nhất 1 hình thức bạo hành gia đình. Trong đó, 34% số chị em có gia đình hoặc từng kết hôn bị chống bạo hành thể xác hoặc tình dục; 9% chị em chịu 1 trong 2 hình thức trên. Cũng theo một nghiên cứu về vấn đề trên cho thấy ở một số vùng của Việt Nam, cứ 10 phụ nữ thì có 4 người cho rằng gia đình không phải là nơi an toàn của bản thân; cứ 4 phụ nữ có con dưới 15 tuổi thì có 1 người cho biết con mình bị bạo hành nặng nề từ người cha. Đó là chưa nói rằng, gần đây báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng bạo hành, ngược đãi giữa những người trong gia đình kể cả chuyện vợ đánh chửi chồng, con đối xử bạc ác với cha mẹ  đang ở mức đáng lo ngại. Hiện tượng không hay trên xảy ra ở mọi thành phần xã hội, kể cả trong tầng lớp được gọi là có học. Bất cập là vậy nhưng những người gây ra bạo hành, thậm chí cả nạn nhân (vợ hoặc chồng, cha mẹ hoặc con cái) thì cho rằng đây là “chuyện gia đình” là “quyền” của họ.
 
Rõ ràng, từ nghiên cứu xã hội cho đến thực tế cho thấy, nạn bạo hành gia đình ở nước ta đang diễn ra đáng lo ngại, nó không chỉ trái với các quy định của pháp luật, trái với công ước quốc tế mà còn ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, đạo lý truyền thông của dân tộc. Và, Nghị định 167 được Chính phủ ban hành trong thời gian này không chỉ căn cứ vào các luật liên quan mà còn đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội. Tuy nhiên, để nghị định này đi vào cuộc sống không phải là điều đơn giản. Trước hết là người dân chưa quen với chuyện “nội bộ” gia đình bị chính quyền hay cơ quan chức năng can thiệp, nhất là bằng xử phạt hành chính. Tiếp theo, liệu cán bộ công an ở cấp cơ sở (được phép xử phạt) sẽ hành xử như thế nào khi được tin có bạo hành gia đình xảy ra trong khu vực…
 
 Tóm lại, xử phạt hành vi bạo hành gia đình được quy định tại Nghị định 167 có khả thi hay không, có đi vào cuộc sống hay không lại phụ thuộc ý thức trách nhiệm của cơ quan công an ở các địa phương và ý thức của người dân! Nhiều người cho rằng nghị định này mang tính răn đe nhiều hơn, tính khả thi chắc còn phải suy ngẫm và kiểm định qua thực tế.
 
Việt Long