NHANH VÀ ĐÚNG TRỌNG TÂM
Thời gian qua, truyền thông công đoàn truyền thống chưa được quan tâm đúng mức. Đoàn viên, người lao động muốn tiếp cận thông tin, chủ yếu phải dựa vào các phương tiện truyền thông truyền thống như báo in, tạp chí, phát thanh, truyền hình, panô, áp phích... và sẽ phải chờ một khoảng thời gian nhất định để các ấn phẩm này phát hành.
Hiện nay, với sự ra đời của Internet, thông tin được cập nhật nhanh chóng và người xem có thể tiếp cận một cách dễ dàng, mọi nơi, mọi thời điểm. Thông qua điện thoại thông minh và các mạng xã hội như Facebook, Zalo, ngay khi sự kiện đang diễn ra, các thông tin và hình ảnh đã được cán bộ công đoàn các cấp phát trực tiếp đến đông đảo công nhân, viên chức lao động.
Sự vào cuộc tích cực của các đoàn viên công đoàn trong việc truyền tải hình ảnh hoạt động của tổ chức công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động tạo nên sự lan tỏa lớn, đảm bảo tính chân thực. Tuy nhiên, một số ít lạm dụng mạng xã hội, dẫn đến thông tin còn chưa được chọn lọc, chưa đầy đủ và toàn diện, dẫn đến cái nhìn còn phiến diện về tổ chức công đoàn, cũng như phong trào CNVCLĐ.
Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi người làm truyền thông công đoàn phải biết cách thu thập thông tin, cập nhật liên tục tình hình. Có kiến thức về công nghệ, bám sát chức năng, nhiệm vụ của tổ chức sử dụng mạng xã hội thông minh để chọn lọc và kịp thời chia sẻ thông tin đến với công chúng là cán bộ, đoàn viên NLĐ, góp phần đưa hình ảnh của tổ chức công đoàn và phong trào CNVCLĐ đến gần hơn với người lao động.
Mỗi sản phẩm truyền thông khi được phát hành, không những phải đảm bảo tiếng nói của tổ chức, mà còn phải được quan tâm, phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo NLĐ.
Để thực hiện được điều này, cán bộ công đoàn làm công tác truyền thông phải nắm bắt, nhạy bén, hiểu về tổ chức mình, những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi của doanh nghiệp và người lao động. Các tác phẩm truyền thông của tổ chức công đoàn phản ánh, minh họa, làm rõ những chủ trương, chính sách hoạt động của đơn vị một cách kịp thời, đồng thời nói lên tiếng nói, suy nghĩ, tâm tư của người lao động trong việc triển khai thực hiện tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh việc phản ánh được các điểm nóng, những khâu khó, việc mới của hoạt động công đoàn và phong trào công nhân; đi sâu vào thực tế đời sống, việc làm của NLĐ còn có cả những bài mang tính đánh giá, dự báo để doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và NLĐ. Những bài viết nhìn nhận ra được nguy cơ, thách thức để có thể đề ra phương án ứng phó.
PHÙ HỢP VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG
Đối tượng mà truyền thông công đoàn hướng đến chủ yếu là CNLĐ. Do vậy, phương pháp, hình thức truyền thông phải phù hợp với từng đối tượng
Với đối tượng là công nhân lao động do thời gian làm việc chủ yếu theo ca kíp, trình độ nhận thức không đồng đều, do đó truyền thông cần ngắn gọn, dễ hiểu, cụ thể. Hình thức truyền thông có thể lựa chọn trực quan sinh động như pano, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, gửi tin nhắn SMS. Địa điểm có thể treo tại nơi công nhân dễ thấy như nhà ăn, phân xưởng, cổng ra vào, bản tin nội bộ của đơn vị, hoặc nhắn tin qua điện thoại, qua mạng xã hội Facebook, Zalo… Việc lựa chọn nội dung truyền thông cũng xuất phát từ nhu cầu của người lao động. Các vấn đề người lao động quan tâm như bảo hiểm, tiền lương, phòng chống dịch Covid-19…
Trong thời đại bùng nổ thông tin, người lao động có rất nhiều lựa chọn. Để thu hút sự quan tâm của đoàn viên người lao động thì yếu tố quan trọng là phải hấp dẫn, hay, lôi cuốn. Do đó, cán bộ công đoàn phải tìm tòi đổi mới để sản phẩm truyền thông đó phải sinh động, lôi cuốn kích thích sự tò mò, quan tâm chú ý của người xem. Ngoài những tin, bài chọn lọc đăng tải với nội dung thời sự mà người lao động quan tâm, cần làm mới sản phẩm bằng những video clip, những hình ảnh đẹp, hay dựng các Infographic, ấn phẩm poster, banner...
Trang Truyền hình công đoàn với thời lượng 30 phút phát sóng đều đặn trên sóng PT-TH tỉnh hàng tháng. Ngoài điểm tin hoạt động của tổ chức công đoàn, tư vấn pháp luật đã xây dựng và phát sóng 6 phóng sự với các nội dung: Chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động; không khí ra quân sản xuất những ngày đầu năm mới tại các doanh nghiệp; công tác chăm lo cho nữ CNVCLĐ trong các cấp công đoàn; Nghệ An hưởng ứng chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”; thực hiện Tháng Công nhân, Tháng An toàn vệ sinh lao động năm 2021 ở các đơn vị huyện, ngành.
Bà Thanh Thủy cho biết thêm: Để tăng tính hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã bám sát hoạt động trọng tâm của năm, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn dựng nhiều Infographic tuyên truyền nghị quyết, tuyên truyền về Tháng Công nhân, sáng tạo các khung đại diện, dựng các video clip với nhiều hình ảnh sinh động… được đoàn viên, người lao động đánh giá cao.
Trong bối cảnh dịch bệnh, tỉnh tập trung đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai trong CNVCLĐ tham gia các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đạt hiệu quả cao. Cuộc thi trực tuyến về bầu cử do Bộ Tư Pháp, Quốc hội tổ chức: Nghệ An được xếp trong tốp đầu toàn quốc, trong đó lực lượng tham gia chủ yếu là CNVCLĐ. Đoàn viên là Lê Văn Hùng (thuộc Công đoàn xã Nghĩa Hiếu, Liên đoàn Lao động huyện Nghĩa Đàn) đạt giải Nhất chung cuộc. Cuộc thi trực tuyến trực tuyến "Công nhân, viên chức, lao động với ngày hội toàn dân" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức: Nghệ An được xếp thứ 2 toàn quốc. Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo 3 đơn vị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp tổ chức cuộc thi trực tuyến ở cấp huyện. Các cuộc thi được tổ chức với hình thức online, để NLĐ tham gia một cách dễ dàng, thuận tiện, đảm bảo phòng chống dịch.
Nhấn mạnh về nhiệm vụ thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thu Nhi - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “LĐLĐ tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông theo hướng đa phương tiện, tận dụng tối đa các tiện ích của mạng xã hội trong truyền thông công đoàn, đồng thời tập trung tập huấn bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt viết tin bài, nâng cao chất lượng tin bài, hướng đến những sản phẩm truyền thông hiệu quả, dành cho người lao động”.