Trong những năm qua, cùng với sự đổi mới mạnh mẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, Công đoàn Nghệ An đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho CNVCLĐ qua việc góp ý xây dựng, bổ sung các chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của CNVCLĐ thông qua việc góp ý các dự thảo Luật.
Đó là chỉ đạo công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp tiến hành đối thoại, tổ chức hội nghị người lao động với chủ doanh nghiệp tại nơi làm việc theo Nghị định 60 của Chính phủ (đạt tỷ lệ 69%); tiến hành giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị tại các doanh nghiệp; phối hợp với các cấp, các ngành giải quyết các cuộc đình công trên địa bàn, qua đó đã giúp cho công nhân, lao động đòi được quyền lợi, vừa giúp cho doanh nghiệp đi vào sản xuất ổn định, tạo được mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, tạo được niềm tin với các nhà đầu tư; phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với CBCC và người lao động được đổi mới theo hướng đối thoại trực tiếp về chính sách tại doanh nghiệp và tuyên truyền trực tiếp tại doanh nghiêp và tại khu nhà trọ của công nhân, lao động... Công đoàn các cấp đã kịp thời tham gia giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, tạo được niềm tin của người lao động đối với tổ chức công đoàn...
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Khu Kinh tế Đông Nam và các KCN tỉnh đã thu hút được 9 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án, tổng vốn đăng ký và điều chỉnh tăng thêm đạt 6.349 tỷ đồng... Lũy kế đến tháng 6/2021, các KCN tỉnh Nghệ An đã thu hút được 253 dư án, tổng vốn đăng ký 69.857 tỷ đồng. Việc thu hút các dự án đầu tư sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nhưng cũng đặt ra cho tổ chức công đoàn nhiều thách thức lớn trong lĩnh vực quan hệ lao động cần quan tâm.
Đó là: Việc chuyển tư duy hoạt động công đoàn mang tính hành chính với đặc trưng tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, quản lý doanh nghiệp, tổ chức các phong trào thi đua, thăm hỏi hiếu, hỷ... của nhiều thập kỷ qua sang hoạt động theo đúng chức năng “bẩm sinh” của tổ chức công đoàn mà trong đó nhiệm vụ cơ bản, cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động cần phải được thực hiện với quyết tâm cao của toàn hệ thống để tránh tình trạng hoạt động công đoàn hình thức, tốn kém, không đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.
Sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo cam kết của nước ta trong các hiệp định tự do thế hệ mới, cũng đồng nghĩa với việc Công đoàn Việt Nam sẽ có “đối thủ cạnh tranh” bình đẳng để giành được sự thừa nhận, tham gia của người lao động. Một loạt vấn đề đặt ra mà tổ chức Công đoàn Việt Nam cần phải làm tốt như: Phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, vấn đề đại diện thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, giá trị của thỏa ước trong doanh nghiệp, vấn đề lãnh đạo và tổ chức đình công, vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động...
Cùng với thách thức về vị thế là sự biến động của thị trường lao động khi các doanh nghiệp Nhà nước thu hẹp lại do cơ cấu của nền kinh tế, sự đa dạng của các loại hình việc làm, sự chuyển dịch của lao động di cư từ nông thôn ra thành thị; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với các hình thức sử dụng lao động ngày càng đa dạng, linh hoạt theo nhu cầu của thị trường, trong đó đáng chú ý là các hình thức mới của quan hệ việc làm như lao động bán thời gian, lao động gia công tại nhà... làm cho việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở khó khăn hơn.
Nguồn lực tài chính công đoàn thời gian tới cần tập trung nhiều cho nhiệm vụ lớn để chăm lo lợi ích, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, trong khi công tác thu chưa hết khó khăn, hoạt động kinh tế công đoàn chưa được nhiều nơi coi trọng. Đại dịch Covid-19 đã gây tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, ảnh hưởng mạnh đến nguồn thu tài chính công đoàn...
Bộ máy tổ chức công đoàn cần phải tinh gọn, biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách sẽ giảm sút theo chủ trương của Đảng, trong khi theo dự báo số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở sẽ tiếp tục tăng mạnh do Nghệ An đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và các cụm công nghiệp trong tỉnh.
Nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong thời gian tới ngày càng nặng nề, quan hệ lao động ngày càng phức tạp hơn, trong bối cảnh cạnh tranh bình đẳng cùng phát triển với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, song biên chế của cán bộ công đoàn chuyên trách bị giảm sút. Vì thế, việc đổi mới tìm ra mô hình phù hợp cho tổ chức công đoàn trong tình hình hiên nay là một thách thức rất lớn với tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và tổ chức Công đoàn Nghệ An nói riêng.
Để từng bước giải quyết các vấn đề quan trọng nêu trên, tổ chức Công đoàn Nghệ An cần đổi mới và nâng cao hoạt động của tổ chức để phù hợp với sự phát triển của thời cuộc.
Trước mắt, tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến đoàn viên, CNLĐ và cả người sử dụng lao động để nâng cao nhận thức, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cả bề rộng lẫn chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng tập trung, hiện đại, phong phú, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị và xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Tập trung nguồn lực và thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi, tránh dàn trải, tạo điểm nhấn để khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn.
Nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn các cấp, xây dựng mạng lưới chuyên gia pháp luật và quan hệ lao động giỏi ở cấp tỉnh để hỗ trợ cho công đoàn cấp cơ sở và cấp trên cơ sở trong việc giải quyết tranh chấp lao động, thương lượng, đối thoại.
Nắm chắc tình hình quan hệ lao động khi có dấu hiệu phức tạp, cần phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời không để các cuộc ngừng việc tập thể, đình công trái pháp luật.
Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Việc ban hành Nghị quyết này đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Đây là Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, chỉ đạo, định hướng tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài Nhà nước. Nghị quyết ra đời mang lại lợi thế rất lớn đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam khi thực hiện chức năng bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của người lao động.
Trải qua 92 năm hình thành và phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, với quyết tâm đổi mới và sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống, Công đoàn Nghệ An sẽ thực sự là tổ chức đại diện cho người lao động, tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, góp phần quan trọng vào sự phát triển của quê hương, đất nước.