Kỳ 2: Thức tỉnh nét chữ, tìm về vốn xưa

Thời gian qua ở miền núi tỉnh ta nhiều cuốn sách chữ Thái cổ tưởng chừng sẽ mãi ngủ yên trong các ngăn tủ hay đáy hòm đồng loạt được "thức tỉnh" để tiếp tục thực hiện chức năng nguyên sơ của mình là lưu truyền bản sắc văn hoá.

762952_small_53425.jpgLớp học chữ Thái Lai Pao ở xã Nga My (Tương Dương). Ảnh: C.K
Tuổi đã cao nhưng thầy Lô Khánh Xuyên (Quế Phong) vẫn miệt mài truyền chữ cho những học trò yêu thích chữ Thái. Còn thầy Lô Văn Thoại (Tương Dương) và thầy Sầm Văn Bình (Qùy Hợp) phấn khởi, hạnh phúc hơn bao giờ hết khi được chính quyền địa phương mời làm giảng viên của lớp học chữ Thái Lai Pao (Tương Dương) và Lai Tay (Quỳ Hợp).

Học viên đến với các lớp học chữ Thái ngày một đông, họ đến lớp bằng ý thức và trách nhiệm với nền văn hoá dân tộc mình. Gặp Lô Thị Xu My tại lớp phổ biến chữ Thái Lai Pao ở xã Nga My (Tương Dương), em tâm sự: "Nghe ông bà bảo rằng người Thái ngày xưa có chữ đẹp lắm, lại có cả những cuốn sách dày nữa nhưng đã bị mất hết rồi. Nay huyện tổ chức lớp học này em xin phép bố mẹ được theo học để mong tìm lại được vốn quý của người xưa".

Còn dân tộc Ơ đu, một trong những dân tộc ít người nhất cả nước và chỉ cư trú trên địa bàn huyện Tương Dương đang đối diện với nguy cơ bị mai một bản sắc văn hoá. Người Ơ đu sinh sống dọc lưu vực sông Nậm Nơn, tương truyền tổ tiên của họ có một nền văn hoá khá rực rỡ, có phong tục, tiếng nói và chữ viết riêng. Nhưng rồi những biến động dữ dội của dòng chảy lịch sử cùng với cuộc sống cộng cư với các dân tộc khác đã làm bản sắc người Ơ đu bị mai một khá nhiều. Khi về tái định cư ở bản Văng Môn (xã Nga My), đời sống kinh tế- xã hội dần ổn định, huyện đang chăm lo công tác khôi phục, bảo tồn bản sắc văn hoá cho người Ơ đu. Trong vòng hai năm nay, 05 lớp học tiếng Ơ đu đã được huyện tổ chức do những già làng có uy tín lên lớp. Người Ơ đu phấn khởi, háo hức đến lớp để tìm lại tiếng nói của cha ông mình.  

Ông Vi Khăm Mun (Giảng viên chữ Thái Lai Pao, huyện Tương Dương):
"Muốn bảo tồn bền vững chữ viết của dân tộc Thái, theo tôi cần tiếp tục mở rộng quy mô và chương trình giảng dạy, có cách thức tuyên truyền phù hợp để khơi dậy niềm tự hào của bà con người Thái. Nếu cần thiết, Nhà nước cần xem xét tới việc đưa chữ Thái vào chương trình giảng dạy phổ thông cho những vùng có số đông học sinh dân tộc Thái. Bên cạnh đó cần đầu tư kinh phí để sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian của đồng bào Thái".


Công Kiên